Đất nhiễm mặn đe dọa đồng ruộng, HTX nông nghiệp đang oằn mình chống đỡ

Đất nhiễm mặn đe dọa đồng ruộng, HTX nông nghiệp đang oằn mình chống đỡ
một ngày trướcBài gốc
Xâm nhập mặn đang là bài toán nan giải đối với sản xuất nông nghiệp tại huyện Kiến Thụy (TP. Hải Phòng), đặc biệt là ở xã Ngũ Phúc, nơi nhiều diện tích lúa bị thiệt hại nghiêm trọng. Mới đây, VnBusiness đã đăng tải bài viết “Xâm nhập mặn hoành hành, HTX nông nghiệp tìm cách vượt khó”, phản ánh thực trạng này. Sáng ngày 1/4, đại diện lãnh đạo xã Ngũ Phúc cùng các đơn vị thủy lợi và phóng viên đã đi thực tế tại cánh đồng thôn Đông – xã Ngũ Phúc để ghi nhận tình hình.
Lúa chết do thời vụ hay do đất chua mặn?
Tại xã Ngũ Phúc, mô hình sản xuất nông nghiệp hiện nay chủ yếu dựa vào 5 tổ hợp tác với khoảng 7-10 thành viên mỗi tổ, cùng với hệ thống máy móc hỗ trợ như 12 máy cấy, 10 máy lồng ruộng và 2 máy phun thuốc trừ sâu. Các tổ hợp tác này đã góp công sức lớn vào sự phát triển nông nghiệp của địa phương trong nhiều năm qua.
Tuy nhiên, do tác động tiêu cực của xâm nhập mặn, nhiều diện tích đất canh tác ngoài đê đã không còn sử dụng được. Các hộ dân và HTX trồng lúa kết hợp khai thác rươi buộc phải chủ động đắp bờ, điều tiết nước, song việc canh tác vẫn gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, tại những khu vực này, nước phục vụ sản xuất chủ yếu là nước tự nhiên, không có sự điều tiết của đơn vị thủy lợi, khiến nguy cơ nhiễm mặn càng cao.
Đối với diện tích lúa đã cấy bị chết tại cánh đồng thôn Đông (trong đê) xã Ngũ Phúc, hiện chưa có con số thống kê chính thức, nhưng ước tính khoảng hơn 30 mẫu bị ảnh hưởng. Một số diện tích lúa dù vẫn sinh trưởng nhưng đang có dấu hiệu chết hoặc phát triển chậm, dù bà con đã tích cực chăm bón phân đạm.
Sau nhiều cố gắng cấy lại và chăm bón của nông dân thì màu xanh trở lại cánh đồng thôn Đông.
Chính quyền địa phương nhận định, tình trạng lúa chết hàng loạt tại một số cánh đồng ở xã Ngũ Phúc, huyện Kiến Thụy, chủ yếu do người dân cấy muộn so với khung thời vụ đã khuyến cáo. Điển hình như hộ anh Lương Văn Đức, cấy 30 mẫu lúa trễ nên toàn bộ diện tích này đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ngoài ra, việc một số hộ dân không tuân thủ quy trình làm đất đúng kỹ thuật cũng góp phần khiến cây lúa khó sinh trưởng.
Bà Bùi Thị Hằng, Phó Chủ tịch UBND xã Ngũ Phúc, cho biết: “Một số hộ dân đã cấy lúa muộn hơn thời gian khuyến nghị, dẫn đến tình trạng lúa không phát triển tốt, gặp thời tiết bất lợi nên dễ chết. Ngoài ra, một số hộ sau khi máy cày vừa lồng xong đã cấy ngay mà không để bùn đất lắng xuống, khiến phèn chua và độ mặn bốc lên làm chết mạ.”
Cũng theo bà Hằng, tình trạng này không phải lần đầu xuất hiện. Năm trước, địa phương cũng ghi nhận một số trường hợp lúa chết và bà con nghi ngờ rằng nước mặn đã xâm nhập vào hệ thống thủy lợi nội đồng, ảnh hưởng đến cây trồng. Sau khi tiếp nhận kiến nghị, chính quyền và đơn vị thủy lợi đã vào cuộc kiểm tra, tìm giải pháp khắc phục. Tuy nhiên, với tình hình xâm nhập mặn ngày càng nghiêm trọng như hiện nay, việc bảo vệ sản xuất nông nghiệp trước tác động môi trường trở thành bài toán nan giải.
Không đồng tình với nhận định của chính quyền về nguyên nhân lúa chết chủ yếu do thời vụ, nhiều nông dân trong vùng cho rằng thực tế phức tạp hơn nhiều. Anh Lương Văn Đức, người đang canh tác khoảng 200 mẫu lúa tại nhiều khu vực trong và ngoài huyện Kiến Thụy, chia sẻ rằng diện tích lúa chết không chỉ giới hạn ở những khu vực cấy muộn.
“Gia đình tôi cấy 25 mẫu lúa tại cánh đồng thôn Đông. Trong đó, những diện tích cấy đúng thời vụ theo khuyến nghị của xã, ban đầu lúa lên tốt trong hơn hai tuần nhưng sau đó vẫn chết sạch. Khi thấy lúa chết quá nhiều, tôi đã cho máy lồng lại ruộng để cấy lại lần hai. Nhưng chỉ sau vài ngày, lúa lại tiếp tục chết, khiến gia đình tôi không dám cấy tiếp mà đành để ruộng trống,” anh Đức bày tỏ sự bất lực.
Anh Đức đã quyết định dừng canh tác sau khi cấy lại lần 2 mà lúa vẫn chết.
Không chỉ anh Đức, nhiều nông dân khác, trong đó có anh Tưởng, bà Hà - đại diện HTX Thụy Hương, đơn vị liên kết với bà con nông dân làm mô hình gạo ruộng rươi, cũng nhận định rằng nguyên nhân lúa chết hàng loạt không đơn thuần do thời vụ. Theo anh, đất đai ngày càng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi xâm nhập mặn, trong khi các biện pháp cải tạo chưa thực sự hiệu quả. Việc thiếu nước ngọt để rửa đồng trước khi vào vụ đông xuân cũng là một nguyên nhân khiến lúa bị ảnh hưởng ngay từ giai đoạn đầu.
Thiếu nước ngọt – Thách thức lớn nhất trong sản xuất lúa
Theo bà Bùi Thị Hằng, một trong những nguyên nhân cốt lõi khiến đất trồng bị chua mặn là do thiếu nước ngọt để súc xả đồng ruộng. “Khu vực cánh đồng thôn Đông là vùng đất trũng, vốn đã có độ chua mặn cao. Để cải thiện tình trạng này, cần tiến hành thau chua rửa mặn bằng nước ngọt từ sông. Tuy nhiên, nước ngoài sông hiện đang có độ mặn cao nên từ cuối năm ngoái đến nay không thể lấy nước vào ruộng để súc rửa. Mấy năm nay, nước ngọt rất khan hiếm, ngay cả vào mùa xả lũ cũng không lấy được nước ngọt để cải tạo đất, thì bây giờ lại càng khó khăn hơn,” bà Hằng nói.
Đồng quan điểm, ông Đồng Quang Đức, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đa Độ, cho biết tình trạng xâm nhập mặn ở Hải Phòng đã diễn biến phức tạp từ năm 2019 đến nay, với mức độ gia tăng bất thường cả về nồng độ và thời gian kéo dài. Trong khi đó, nguồn nước thượng nguồn ngày càng cạn kiệt, khiến việc lấy nước ngọt để điều tiết đồng ruộng gặp nhiều khó khăn.
“Chúng tôi đã chủ động triển khai các biện pháp như nạo vét kênh mương, sửa chữa cống thủy lợi, kiểm soát chặt chẽ độ mặn tại các cửa cống dưới đê và tận dụng mọi thời điểm để lấy nước khi độ mặn dưới 0,2‰. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế. Về lâu dài, các cấp chính quyền cần đầu tư nhiều hơn vào hệ thống thủy lợi, xây dựng hồ chứa nước ngọt, cũng như có chính sách hỗ trợ cải tạo đất canh tác để giúp bà con nông dân yên tâm sản xuất,” ông Đức đề xuất.
Người dân vẫn đang miệt mài đi dặm lúa để cứu các thửa ruộng.
Việc lúa chết hàng loạt tại Kiến Thụy không chỉ là vấn đề của riêng một vài hộ dân cấy muộn, mà phản ánh một thực trạng đáng lo ngại trong sản xuất nông nghiệp địa phương. Khi biến đổi khí hậu ngày càng tác động mạnh, tình trạng xâm nhập mặn gia tăng, trong khi hệ thống thủy lợi chưa đáp ứng được yêu cầu cải tạo đất, người nông dân đối mặt với rủi ro lớn hơn bao giờ hết.
Dù đối mặt với nhiều khó khăn, bà con nông dân và các HTX tại Ngũ Phúc vẫn nỗ lực duy trì sản xuất và tìm cách thích ứng với điều kiện thổ nhưỡng ngày càng khắc nghiệt. Tuy nhiên, để đảm bảo phát triển nông nghiệp bền vững, rất cần sự chung tay của các cấp chính quyền, ngành nông nghiệp và thủy lợi, không chỉ trong việc cải tạo đất, nâng cấp hệ thống thủy lợi mà còn hỗ trợ bà con về giống lúa chịu mặn, mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện tự nhiên.
Việc chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, kết hợp với các mô hình như trồng lúa – nuôi rươi, lúa – tôm càng xanh cũng đang được tính đến như một giải pháp khả thi giúp bà con thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ sinh kế lâu dài.
Thanh Vân
Nguồn Vnbusiness : https://vnbusiness.vn//hop-tac-xa/dat-nhiem-man-de-doa-dong-ruong-htx-nong-nghiep-dang-oan-minh-chong-do-1105846.html