Đó là điều dễ hiểu khi con người phải đối mặt với bất kỳ sự thay đổi nào, nhất là sự thay đổi đó gắn liền với nơi “chôn nhau cắt rốn”, nơi nuôi dưỡng họ trưởng thành, vẫn được gọi bằng 2 tiếng “quê hương”.
Hợp nhất các tỉnh, thành là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm mở rộng không gian phát triển, phát huy lợi thế của các địa phương. Ảnh: P.V
Từ lúc tin tức còn chưa chính thức cho đến khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng thống nhất chủ trương, cộng đồng mạng ở các địa phương dự kiến sẽ sáp nhập với nhau đã “bùng nổ” tranh cãi.
Ai cũng mang một niềm tự hào, khăng khăng cho rằng truyền thống lịch sử, văn hóa của địa phương mình lâu đời, không thể đánh mất. Ai cũng khẳng định tên gọi của tỉnh, thành mình có ý nghĩa sâu sắc, gắn liền với một vùng đất, một đời người, không thể nói bỏ là bỏ.
Họ e rằng lớp con cháu sau này không còn nhớ được lịch sử, không còn biết được nơi mình sinh ra có những vị anh hùng, tướng lĩnh nào hay từng có những địa danh, sản vật độc đáo ra sao. Thậm chí, nhiều người còn tỏ ra lo ngại khi sáp nhập tỉnh giàu và tỉnh nghèo thì sẽ bị ảnh hưởng, cùng kéo nhau thụt lùi hoặc tỉnh giàu sẽ thêm gánh nặng.
Những suy nghĩ ấy phần nào thể hiện được tình yêu quê hương sâu đậm của người dân, vì trân quý mà muốn níu giữ. Song, suy cho cùng, những suy nghĩ này lại ít nhiều mang tính cục bộ, địa phương, thậm chí có phần cực đoan, ích kỷ.
Thực tế, những giá trị của một vùng đất khó có thể mất đi ngay cả khi không còn tên gọi. Bởi lẽ, đất nước Việt Nam dù trải qua 12 lần đổi tên thì vẫn mang hình hài chữ S. Lịch sử hàng ngàn năm chống giặc ngoại xâm qua các triều đại vẫn được thế hệ ngày nay ghi nhớ, không ai có thể phủ nhận.
Những dấu mốc, sự kiện lịch sử, những anh hùng trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm ở khắp các địa phương vẫn được nhắc đến với niềm tự hào to lớn. Hơn hết, địa phương nào cũng sẽ có những giá trị truyền thống văn hóa, lịch sử, nét đẹp riêng có, đáng để người dân nơi đó yêu quý, tự hào.
Và trên hành trình đổi thay, tiến lên của đất nước, nhiều địa phương cũng đã trải qua không ít lần nhập-tách, thay đổi tên gọi. Thế nhưng, điều đó không làm mờ phai những giá trị văn hóa, lịch sử, không lung lạc được ý chí, tinh thần đoàn kết, tình yêu quê hương, xứ sở trong mỗi người dân.
Vì nếu không, làm sao lại có lớp lớp thanh niên từ mọi miền Tổ quốc xung phong ra chiến trường cầm súng đánh giặc, làm sao lại có những người từ miền Bắc sẵn sàng hành quân vào Nam chiến đấu hay lên đường thực hiện nghĩa vụ quốc tế, dù quê hương của họ đã thanh bình.
Mỗi vùng đất sở hữu những giá trị lịch sử, văn hóa riêng, không dễ mất đi ngay cả khi không còn tên gọi. Ảnh: P.V
Trên các fanpage, diễn đàn, người dân Gia Lai và Bình Định cũng liên tục tranh luận về vấn đề sáp nhập 2 tỉnh, nhất là dự kiến sau khi sáp nhập, tên gọi Bình Định sẽ không còn. Cùng với những ý kiến trái chiều thì vẫn có nhiều người nhận thấy việc hợp nhất, kết nối rừng-biển này là cơ hội “cộng thêm” chứ không hề mất đi.
Một người dùng Facebook viết: “Quê ta có biển có đồi/Có khúc trống trận có hồi cồng chiêng/Có em sơn cước làm duyên/Có cô thục nữ đi quyền múa roi”. Đây mới chính là tâm thế mà mỗi người dân cần có, là sự đón nhận tích cực với những quyết sách lớn của Đảng, Nhà nước, với những đổi thay của quê hương, đất nước.
Phát biểu tại hội nghị toàn quốc quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: Việc triển khai thực hiện chủ trương sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính và xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp sẽ tác động nhất định đến tâm tư, tình cảm của cán bộ, đảng viên và người dân. Đây là điều dễ hiểu bởi mỗi con người Việt Nam chúng ta đều in sâu trong ký ức những hình ảnh về quê hương, nơi “chôn nhau cắt rốn” của mình.
“Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển mới của đất nước, chúng ta phải thay đổi về tư duy, tầm nhìn; thống nhất về nhận thức, tư tưởng; phải vượt lên chính mình, hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung của đất nước; vượt qua những băn khoăn, lo lắng, tâm lý, thói quen bình thường; vượt qua những tâm lý, tâm trạng vùng miền để hướng tới tư duy, tầm nhìn rộng lớn hơn, bởi “đất nước là quê hương”-Tổng Bí thư khẳng định.
Sắp xếp tổ chức, tinh gọn hệ thống chính trị, bộ máy nhà nước là một cuộc cách mạng lớn, mang tính lịch sử. Từ khi có Đảng đến nay, sự thắng lợi của bất kỳ cuộc cách mạng nào đều có sự đồng lòng, nhất trí, quyết tâm cao của người dân. Lần này cũng vậy.
Mỗi người cần nhận thức sâu sắc rằng, sáp nhập tỉnh, thành để cùng nhau phát huy lợi thế, bổ khuyết và hỗ trợ nhau cùng phát triển. Bỏ qua suy nghĩ cá nhân, phân biệt vùng miền để hướng đến những mục tiêu cao hơn, người dân ở khắp các tỉnh, thành cùng nhau sẵn sàng bắt tay, đồng lòng tiếp tục xây dựng một cuộc sống mới, phát triển hơn, giàu mạnh hơn.
PHƯƠNG LINH