Cựu binh Lê Hồng Táo cùng vợ sống những ngày tháng bình yên sau phục viên.
Đi qua 72 mùa xuân với những thăng trầm, buồn vui, cựu chiến binh Lê Hồng Táo ở thị trấn Bút Sơn (Hoằng Hóa) vẫn luôn khẳng định, quãng thời gian đẹp nhất của ông là “trên trận tuyến đánh quân thù”. Cựu binh Lê Hồng Táo là một trong những nhân chứng lịch sử trong trận đánh cuối cùng của chiến dịch Hồ Chí Minh. Bởi vậy, với ông, ngày 30/4/1975 là một phần ký ức đầy tự hào...
Nhập ngũ khi tuổi xuân phơi phới, sau khóa huấn luyện 6 tháng, ông Lê Hồng Táo nhận nhiệm vụ tại D40, E116, F27, đóng quân trong một khu rừng ở Tây Ninh thuộc miền Đông Nam bộ. Là lính đặc công, nhiệm vụ của ông Táo là cùng đồng đội tiên phong đánh vào những nơi hung hiểm nhằm tiêu hao sinh lực địch. Mỗi lần tác chiến ông Táo lại “biến hình” thành cây cỏ, tảng đá,... “xuất quỷ nhập thần”, bao phen khiến kẻ thù khốn đốn. Ông kể: “Khi đánh trận, các mũi đặc công tiến vào từ nhiều hướng, một mũi khoảng 3 người, mỗi người thực hiện nhiệm vụ riêng. Vì đánh từ trong lòng địch đánh ra nên rất nguy hiểm, chúng tôi đều xác định, trong trường hợp bị thương nặng hoặc bị thương ở chân, không thể di chuyển được, thì chấp nhận hy sinh, bởi nếu đồng đội ở lại giúp thì có khả năng chết chung mà không hoàn thành nhiệm vụ”.
Trong những ngày tháng 4, các mặt trận giao tranh ác liệt, trước những đòn tấn công mạnh mẽ của quân ta đã khiến quân địch điên cuồng kháng cự. Ngày 7 - 8/4, đơn vị của ông Táo nhận nhiệm vụ đánh chiếm Trường Sĩ quan Tăng thiết giáp ở căn cứ Nước Trong - một căn cứ tương đối lớn của địch ở huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Nơi này, địch bố trí kiên cố với hệ thống hàng rào dây thép gai cài mìn chằng chịt. Đơn vị đã hoàn thành nhiệm vụ nhưng rất nhiều đồng đội của ông đã phải nằm lại nơi đây.
Ngày 27/4/1975, đơn vị nhận lệnh tham gia đánh chiếm các khu vực lân cận Tổng kho Long Bình - kho chứa bom, đạn lớn nhất của quân đội Mỹ. Từ tối 28/4 sang ngày 29/4, đơn vị ông đã hoàn thành nhiệm vụ quan trọng này. Sáng 30/4, Bộ Tư lệnh miền Đông Nam bộ bổ sung thêm nhiệm vụ cử một số đồng chí có sức chiến đấu tốt đi cùng với xe tăng tiến vào giải phóng Sài Gòn. "Tôi là xạ thủ B40 nên được chọn tham gia. Khoảng 11 giờ ngày 30/4, xe tăng của tôi cùng các xe tăng khác của Quân đoàn 2 đồng loạt tiến thẳng vào Dinh Độc Lập, thành công thực hiện nhiệm vụ đánh chiếm các cứ điểm được giao. Trận chiến cuối cùng, tôi và đồng đội đã nhìn thấy lá cờ Giải phóng tung bay phấp phới trên nóc Dinh Độc Lập", cựu binh Lê Hồng Táo bồi hồi, nhớ lại.
Cũng có mặt trong thời khắc lịch sử, cựu binh thông tin tín hiệu Nguyễn Trường Bách, phường Đông Vệ (TP Thanh Hóa) kể lại câu chuyện giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước với giọng tự hào, đầy kiên định, đúng chất lính.
Chàng thanh niên Nguyễn Trường Bách vào quân đội khi tuổi đời mới 17, sau thời gian học báo vụ, trở thành lính thông tin tín hiệu, làm nhiệm vụ tại chiến trường Tây Nguyên, thuộc Trung đoàn 28, Sư đoàn 10. Với những người lính thông tin tín hiệu, cuộc chiến của họ không diễn ra trên chiến trường mà âm thầm, lặng lẽ để giữ cho “mạch máu thông tin” luôn thông suốt. Hồi tưởng lại nhiệm vụ thời chiến, ông Bách kể: “Hằng ngày, chúng tôi theo dõi đường dây, khi phát hiện mất tín hiệu hoặc nhiễu sóng phải nhanh chóng đi nối dây, giấu dây sau khi khắc phục các điểm bị địch đánh phá, đặt mìn. Nhất là lúc nửa đêm hay trời mưa bão, đường dây thường xuyên hư hỏng. Mặt khác, chúng tôi cũng phải đối mặt với những nhóm biệt kích của ngụy, chúng giả làm dân thường rình rập bộ đội, phá hệ thống thông tin”.
Ông Bách (ngoài cùng bên phải) và ông Mão (ngoài cùng bên trái) cùng đồng đội ôn lại kỷ niệm thời chiến trường.
Ngày 29/4/1975, một tin vui đối với ông Nguyễn Trường Bách vì ông được lệnh tham gia cùng đơn vị đánh Bộ Tổng tham mưu vào ngày 30/4/1975. Tại trận chiến này, ông được phân công thực hiện khối điện báo vô tuyến 15W. Cựu binh Nguyễn Trường Bách xúc động, nhớ lại: "Tôi vui sướng vô cùng khi được giao nhiệm vụ quan trọng. Thực hiện mệnh lệnh của cấp trên, khoảng 3 giờ sáng ngày 30/4, đơn vị tôi từ Củ Chi bắt đầu xuất phát tham gia chiến dịch. Khi tiến đến gần Bộ Tổng tham mưu, giặc chống trả rất quyết liệt”. Nói đến đây, giọng ông bỗng nghẹn lại, bởi “4 chiếc xe tăng trong đoàn đã bị địch phá hủy, nhiều đồng chí hy sinh. Ngay chiếc xe ô tô tôi ngồi cũng bị bắn, tôi và một số đồng chí nhanh chóng rời xe mới thoát nạn. Ngay trước giờ phút chiến thắng chỉ mấy tiếng thôi nhưng đồng đội tôi, nhiều người đã hy sinh".
Tuy không trực tiếp tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, nhưng “thời hoa lửa” của những năm tháng làm người lính giải phóng quân, với cựu binh Trần Minh Mão đã trở thành “bài ca không quên”. Như bao chàng trai yêu nước khác, ông Mão nhập ngũ khi vừa tròn 18 tuổi, đóng quân tại Trung đoàn 28, Sư đoàn 10. Ông từng tham gia chiến dịch Tây Nguyên, một trận đánh mang tính chiến lược, mà sự ác liệt tại mặt trận này chỉ những người lính mới hiểu. Khó khăn, gian khổ nhưng vẫn luôn giữ vững ý chí “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.
Ông Bách, ông Táo, ông Mão,... những chàng trai trong hàng nghìn thanh niên ưu tú mà hậu phương lớn Thanh Hóa chi viện cho chiến trường miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. 21 năm trường kỳ, Thanh Hóa có khoảng 250 nghìn thanh niên và hàng vạn cán bộ, đảng viên, nam, nữ tham gia bộ đội và thanh niên xung phong trên các mặt trận, các chiến trường phía Nam. Đặc biệt, từ giữa năm 1974, tình hình cách mạng miền Nam chuyển biến nhanh chóng, tin chiến thắng liên tiếp vang dội trên chiến trường đã dấy lên phong trào “Tòng quân chi viện” giải phóng miền Nam sôi động khắp các huyện, thị của Thanh Hóa. Ngày tuyển quân trở thành ngày hội của mọi người, mọi nhà, có gia đình động viên đến người con thứ 8 ra mặt trận. Riêng tháng 2/1975, Thanh Hóa giao quân đợt 1 đạt 17.959 tân binh, vượt 20% chỉ tiêu cả năm. Khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến”, “Tất cả để giải phóng miền Nam” được giăng khắp mọi nẻo đường.
Kháng chiến đi qua, đã có gần 57 nghìn người con Thanh Hóa hy sinh, hơn 32 nghìn người bị mất một phần thân thể...
Bài và ảnh: Phong Vân