Đất nước 'vươn mình' nhờ hành động thực tiễn

Đất nước 'vươn mình' nhờ hành động thực tiễn
3 giờ trướcBài gốc
LTS: Tổng Bí thư Tô Lâm và Ban Chấp hành Trung ương đã quyết liệt thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy chính trị. Tuần Việt Nam đăng tải tuyến bài trao đổi với các chuyên gia gợi ý các giải pháp cho cuộc cách mạng này.
Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung trao đổi với Tuần Việt Nam xung quanh “cuộc cách mạng” tinh gọn bộ máy và “điểm nghẽn thể chế” mà Tổng Bí thư Tô Lâm đang quyết tâm thực hiện.
Những hành động thực tiễn
Thời điểm hiện nay, mọi người đều kỳ vọng vào sự bứt phá và hy vọng hiện thực được sự bứt phá đó vì xuất hiện nhân tố mới là Tổng Bí thư Tô Lâm với tư duy mạch lạc, hành động dứt khoát về thay đổi thể chế.
Việt Nam lại đang chuẩn bị Đại hội Đảng nên những tư duy phát triển mới mẻ đó sẽ được thể hiện bằng đường lối, chủ trương của Đảng trong văn kiện 14. Đây là Đại hội bắt đầu của nhiệm kỳ thứ 2 của nhiệm kỳ chiến lược phát triển kinh tế xã hội.
Tổng Bí thư không chỉ đưa ra tư duy mới mẻ, khác biệt so với trước. Ông còn điểm mặt, chỉ tên những vấn đề nổi cộm trên thực tế với thái độ “nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật” - cách tiếp cận rất khác, rất thực tiễn.
Có quá nhiều điểm cần thay đổi, cải cách và Tổng Bí thư đã quyết tinh giản bộ máy là đột phá đầu tiên. Ông đã tạo áp lực để thay đổi về tư duy vì thay đổi tư duy sẽ thay đổi về hành động, đưa ra các chính sách mới và tốt. Thay đổi tư duy xuất phát từ thực tiễn của đất nước.
Ông khẳng định, thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn. Chúng ta thử hình dung như đi xe trên đường cao tốc 5 làn, rồi bị thu hẹp xuống 2 làn, có nhiều trạm kiểm soát, thậm chí còn bị dừng lại. Luật pháp, quy định, thủ tục rườm rà, phức tạp đang tạo ra vô số điểm nghẽn, làm mất cơ hội kinh doanh, làm nản lòng giới đầu tư.
Tại sao luật pháp lại là điểm nghẽn? Tổng Bí thư yêu cầu dứt khoát từ bỏ tư duy không quản được thì cấm.
Chúng ta vẫn nguy cơ tụt hậu
Với tốc độ tăng trưởng ước tính 7% năm nay và năm tới thì GDP trung bình trong giai đoạn 5 năm 2021-2025 chỉ đạt 5,9%, thấp hơn một chút so với 6% của giai đoạn trước.
Với tốc độ tăng trưởng như vậy, chúng ta sẽ không đạt được mục tiêu năm 2030 và 2045 trở thành nước thu nhập cao…. thịnh vượng. Để đạt mục tiêu theo Nghị quyết thì phải liên tục tăng trưởng 7-7,5% trong thời gian hai thập kỷ tới.
TS Nguyễn Đình Cung: Mọi người đều kỳ vọng vào sự bứt phá vì xuất hiện nhân tố mới là Tổng Bí thư Tô Lâm với tư duy mạch lạc, hành động dứt khoát về thay đổi thể chế. Ảnh: VietNamNet
Nhìn lại lịch sử, xu hướng tăng trưởng đang đi xuống. Trong 40 năm Đổi mới, thì 10 năm đầu tiên tăng trưởng 7,6%, thập kỷ tiếp theo là 6,6%, thập kỷ thứ ba 6,3% và đến thập kỷ thứ tư giảm 6%. Đây là điều rất đáng cảnh báo vì xu hướng tăng trưởng không đi lên.
Như vậy, rõ ràng muốn đạt tới mục tiêu thịnh vượng phải có sự thay đổi rất lớn, áp lực cải cách rất nặng và quyết tâm phải rất cao.
Những điểm nghẽn cần tháo bung
Để sửa điểm nghẽn thể chế, tôi xin lưu ý một số điểm cần thay đổi tư duy:
Về thể chế, phải dứt khoát từ bỏ tư duy không quản được thì cấm, dứt khoát thay đổi luật lệ ban hành chỉ để quản lý. Thay vào đó, luật pháp phải thúc đẩy phát triển, luật pháp về kinh tế chỉ tập trung khuyến khích tạo cơ hội, thúc đẩy và đáp ứng yêu cầu phát triển.
Phải thay đổi hướng thiết kế và thực thi pháp luật theo mục tiêu chứ không phải theo quy trình như lâu nay. Từ nay chuyển sang tư duy luật pháp cần đặt ra mục tiêu phát triển để người dân và doanh nghiệp phát triển tốt nhất.
Phân cấp theo hướng rõ nét là “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.
Doanh nghiệp tư nhân phải là động lực chủ yếu, phải nâng cấp lên từ “động lực quan trọng”. Phát triển kinh tế cần dựa vào dân, vươn mình cần dựa vào dân. Khu vực kinh tế này đến nay vẫn chỉ chiếm vỏn vẹn 10% GDP là rất nhỏ. Đây là khu vực tiềm tàng để đất nước phát triển.
Cần một hệ tư duy khác
Như vậy, về mặt thể chế muốn tạo cách làm mới và có hiệu quả phải có hệ tư duy khác.
Bên cạnh tinh giản bộ máy, cần tiếp tục tinh giản hệ thống pháp luật, nghĩa là bỏ nhiều đạo luật, đặc biệt là luật trung gian, chứ không chỉ bỏ một số quy định để hướng đến mục tiêu cụ thể.
Với hệ tư duy mới này, hệ thống pháp luật cần được thiết kế lại. Trong 2-3 năm tới tập trung bỏ luật cũ chứ không nên ra luật mới. Ở đây cần có đội ngũ chuyên gia độc lập với các bộ.
Để tháo điểm nghẽn thể chế là thực sự gian nan nhưng nếu làm được sẽ bứt phá vì nó sẽ tạo được động lực để huy động nguồn lực, sức mạnh, sáng kiến của toàn dân tộc. Những “vết thương” tương đối lớn trong bộ máy và giới kinh doanh sẽ được chữa lành, niềm tin sẽ được tạo lập.
Liên quan đến tinh gọn bộ máy mà ai cũng ủng hộ, tuy vậy, có 2 điều theo tôi cần lưu ý.
Thứ nhất, đảm bảo không để thiếu hụt các cơ quan nghiên cứu, phản biện chính sách, hoạch định chiến lược để tham mưu cho lãnh đạo. Nhiều khi thành bại nằm ở công đoạn nghiên cứu, dự báo, tham mưu.
Thứ hai, phải tránh tình trạng bộ máy ỳ ra không làm gì cả. Phải chọn được những Bộ trưởng thật hăng hái, quyết liệt để thúc đẩy bộ máy.
Đội ngũ doanh nhân và nhà khoa học công nghệ là quyết định
Muốn đất nước vươn mình, tăng trưởng kinh tế cao lên và nền kinh tế độc lập, tự chủ thì phải phát triển được đội ngũ doanh nhân Việt Nam và đội ngũ nghiên cứu khoa học, công nghệ. Họ gắn bó hữu cơ, không tách rời nhau.
Nếu không có công nghệ, không có năng lực tiếp nhận chuyển giao công nghệ và không có lực lượng doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh thì không thể có nền kinh tế độc lập, tự chủ. Tôi muốn nhấn mạnh điều này.
Đáng tiếc là khu vực kinh tế tư nhân đang hao mòn đi về số lượng, về khí thế và khát vọng, chậm dần về sự tăng trưởng. Mấy năm vừa rồi không chỉ có số lượng doanh nghiệp rút khỏi thị trường nhiều, mà tốc độ thành lập doanh mới cũng rất thấp. Tỷ lệ gia nhập thị trường/rút lui khỏi thị trường gần như 1/1. Các mục tiêu 1,5 triệu doanh nghiệp đến 2020, 2 triệu doanh nghiệp đến 2025 đều đã không thành hiện thực.
Cải cách thể chế không thể tách rời với sự phát triển của lực lượng doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân. Phải thay đổi cả về thái độ lẫn hành động để lấy lại lòng tin của khu vực kinh tế tư nhân. Khi muốn khuyến khích, tạo điều kiện, đồng hành thì cần xem xét nhiều quy định, điều kiện hỗ trợ. Điển hình, nên sửa đổi quy định về hoãn xuất cảnh doanh nhân nợ thuế.
Nghiên cứu khoa học cần linh hoạt, không thể áp cứng theo quy trình. Chẳng hạn, có một đề tài khoa học khi thẩm định chỉ theo tiêu đề đó, khi thực hiện thay đổi một chữ trong tiêu đề, hay đảo mục A lên B cũng phải ra hội đồng xin phép.
Muốn phát triển khoa học công nghệ phải tạo được môi trường và điều kiện cho những người tài năng làm việc và cống hiến. Mà những điều này chỉ có thể làm được nhờ đổi mới thể chế như Tổng Bí thư Tô Lâm nói.
Quản lý hướng theo kết quả công việc chứ không chỉ quản lý theo quy trình, từ đó mới tạo được môi trường cho nhân tài làm việc. Khi đó không có đất và cơ hội cho những người kém cỏi.
Bài 1: “Đảng cần tập hợp các chuyên gia tài giỏi làm chiến lược”
Bài 2: Việt Nam nên theo mô hình 3 cấp chính quyền
Bài 3: Tinh gọn bộ máy Quốc hội: Giữ 500 Đại biểu hay giảm xuống 400?
Bài 4: “Tinh gọn bộ máy tham mưu, giúp việc của Quốc hội”
Tư Giang
Lan Anh
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/dat-nuoc-vuon-minh-nho-hanh-dong-thuc-tien-2353085.html