Đặt tên đơn vị hành chính cơ sở mới: khai thác nguồn lực lịch sử - văn hóa

Đặt tên đơn vị hành chính cơ sở mới: khai thác nguồn lực lịch sử - văn hóa
5 giờ trướcBài gốc
Cuộc cách mạng về thể chế
Trước hết, nói về đơn vị hành chính cấp tỉnh, việc quy gọn các tỉnh lại như hiện nay là phù hợp và hết sức cần thiết. Dưới thời Nguyễn, cải cách hành chính của triều Minh Mệnh được coi là tiêu biểu nhất. Khi ấy, trong 2 năm 1831 - 1832, Vua Minh Mệnh đã cho chia cả nước ra làm 30 tỉnh và 1 phủ Thừa Thiên (tức Kinh sư). Riêng năm 1831 ông cho đặt 18 tỉnh ở phía Bắc Kinh sư tính từ Quảng Trị, Quảng Bình, đổ ra cho đến Quảng Yên, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hưng Hóa. Năm 1832 ông cho đặt tiếp 12 tỉnh ở phía Nam Kinh sư tính từ Quảng Nam, Quảng Ngãi đổ xuống cho đến An Giang, Hà Tiên. Tình hình sau này đã có nhiều thay đổi nhưng sự phân chia ấy xem ra vẫn còn khá hợp lý cho đến ngày nay. Điều cần phải nói là khi đó dưới 30 tỉnh còn có 72 phủ, 228 huyện, 85 châu... Hệ thống hành chính của xã hội nông thôn, nông nghiệp trồng lúa nước như thế là hết sức cồng kềnh, nhiều tầng nấc và vô cùng phức tạp.
Xin ý kiến cử tri về phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã mới tại xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng.
Ở Việt Nam, xã bắt đầu chính thức trở thành đơn vị hành chính cấp cơ sở kể từ sau cải cách hành chính của họ Khúc vào đầu thế kỷ X. Khi ấy làng (thôn) cũng được gọi là xã và thuật ngữ “làng xã” trở thành đại diện chung, nên nói đến làng xã là người ta nói đến đơn vị tổng thể cả hành chính lẫn tự trị. Sau này khi một làng phát triển thành nhiều làng, nghĩa là một xã bao gồm nhiều thôn, quy mô, cấu trúc của xã được mở rộng, Nhà nước cũng nhiều lần phải cải cách hình thức tổ chức quản lý cấp xã, vì thế sự thay đổi, chuyển dịch và lắp ghép các xã cũng đã được diễn ra nhiều lần trong lịch sử. Xã thời quân chủ, xã thời Pháp thuộc, xã thời quản lý tập trung bao cấp và xã thời đổi mới tuy đều là đơn vị hành chính cấp cơ sở nhưng trên thực tế đã có rất nhiều đổi thay.
Đặc biệt, khi đất nước bước sang thời đại lịch sử mới, cả nước đã căn bản hoàn thành công cuộc xây dựng nông thôn mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, khi đô thị hóa phát triển mạnh mẽ, rộng khắp trên mọi miền đất nước, hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa trở thành xu thế phát triển tất yếu thì mô hình truyền thống quản lý đất nước nông thôn, nông nghiệp xem ra không còn phù hợp nữa. Việc kiên quyết sắp xếp tổ chức bộ máy, xóa bỏ các tầng nấc trung gian, quy gọn chính quyền địa phương theo 2 cấp (tỉnh/TP trực thuộc T.Ư và cấp cơ sở xã/phường) đang trở thành cuộc cách mạng về thể chế mạnh mẽ và triệt để nhất từ xưa đến nay. Cuộc cách mạng này không chỉ đáp ứng yêu cầu phát triển trong nước mà phù hợp với xu thế phát triển chung của thời đại mới.
Xã mặc nhiên phải là đơn vị hành chính cấp cơ sở ở nông thôn, tuy nó đã có nhiều biến đổi cả về thời gian, không gian, chức năng và nội dung tổ chức quản lý. Trong điều kiện phát triển của kinh tế - xã hội và khoa học công nghệ ngày nay, đơn vị hành chính cấp cơ sở ở nông thôn tuyệt đối không nên quay lại thuở ban đầu (1 làng bằng 1 xã hay nhất xã nhất thôn), cũng không nên giữ lại nguyên xi mô hình đang có (khoảng 6 - 8 làng thành 1 xã), mà cần được mở rộng gấp khoảng 3 lần xã hiện tại (có thể tương đương với quy mô tổng thời Nguyễn). Dù có được mở rộng đến mức độ nào thì các thôn làng truyền thống vẫn cần được tôn trọng, nhất là các thuần phong mỹ tục vẫn là nguồn lực quan trọng để quê hương, đất nước bước sang thời đại hội nhập quốc tế, phồn vinh và hiện đại.
Nội dung quan trọng hàng đầu của Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam là chúng ta phải phát triển trở thành quốc gia đô thị văn minh và hiện đại. Muốn vậy, hơn lúc nào hết chúng ta cần phải tập trung cao độ mọi nguồn lực đẩy nhanh quá trình đô thị hóa nông thôn.
Trên thế giới, các đô thị (city/town) đều được coi là đơn vị hành chính cấp cơ sở ở đô thị. Nếu chúng ta đã chọn phường làm đơn vị hành chính cấp cơ sở của đô thị thì không nên máy móc xem nó chỉ là một bộ phận của đô thị, mà phải xem phường đang được tổ chức hiện nay là một đô thị loại vừa và nhỏ (tương đương với các đô thị loại 5, 4, 3). Vì thế chúng ta hoàn toàn có thể quy thị trấn, thị xã, TP nhỏ thuộc tỉnh lại làm đơn vị hành chính cấp cơ sở giống như phường ở khu vực đô thị thuần thục. Trên cơ sở đó phải tập trung cao độ công sức xây dựng cho bằng được chính quyền đô thị đích thực, lấy đô thị là đầu tàu thúc đẩy nhanh hơn, mạnh hơn quá trình đô thị hóa.
Giữ lại các địa danh nổi tiếng
Về cách đặt tên các xã, phường sau sắp xếp đã có hướng dẫn khá cụ thể là phải bảo đảm tính hệ thống, khoa học, phù hợp với yếu tố truyền thống lịch sử - văn hóa của địa phương và được Nhân dân địa phương đồng tình ủng hộ. Đây là yêu cầu rất cao, phù hợp giữa ý Đảng và lòng dân, thể hiện được đầy đủ tầm nhìn, trách nhiệm của thế hệ lãnh đạo hôm nay đối với tương lai phát triển lâu dài và bền vững của địa phương.
Hà Nội đã giữ lại các địa danh nổi tiếng làm tên gọi của các đơn vị hành chính cơ sở mới.
Bên cạnh phương án cơ bản này còn có phương án thứ hai là “khuyến khích đặt theo số thứ tự hoặc theo đơn vị hành chính cấp huyện trước khi sắp xếp có gắn với số thứ tự để thuận lợi cho việc số hóa, cập nhật dữ liệu”.
Rất mừng là rất nhiều tỉnh, TP trực thuộc T.Ư đã chọn theo phương án thứ nhất, trong đó có Thủ đô Hà Nội. Hà Nội đã tìm mọi cách giữ lại các địa danh nổi tiếng làm tên gọi của các đơn vị hành chính cơ sở mới như: Ba Đình, Ngọc Hà, Giảng Võ (khu vực quận Ba Đình); Hoàn Kiếm, Cửa Nam (khu vực quận Hoàn Kiếm); Hai Bà Trưng, Bạch Mai, Vĩnh Tuy (khu vực quận Hai Bà Trưng); Đống Đa, Kim Liên, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Ô Chợ Dừa, Láng (khu vực quận Đống Đa); Phúc Thọ, Phúc Lộc, Hát Môn (khu vực huyện Phúc Thọ); Sóc Sơn, Nội Bài, Kim Anh, Đa Phúc, Trung Giã (khu vực huyện Sóc Sơn)...
Như vậy, chỉ riêng việc sắp xếp và đặt tên các đơn vị hành chính cơ sở mới, Hà Nội đã khéo biết khai thác nguồn lực lịch sử - văn hóa vô cùng phong phú và độc đáo để xây dựng Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại, thành phố kết nối toàn cầu. Chắc chắn Hà Nội sẽ thành công như mong đợi!
GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam
Nguồn KTĐT : https://kinhtedothi.vn/dat-ten-don-vi-hanh-chinh-co-so-moi-khai-thac-nguon-luc-lich-su-van-hoa.681375.html