Sáng 18-4, tại kỳ họp thứ 22, HĐND TP.HCM khóa X đã thông qua chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của TP còn 102 phường xã.
Cùng với việc sắp xếp lại 102 phường, xã, HĐND TP cũng thống nhất việc đặt tên phường mới sau sắp xếp. Trong đó có những cái tên mang dấu ấn văn hóa của vùng đất giàu lịch sử. Quận 1 sẽ có phường Sài Gòn, quận Bình Thạnh có phường Gia Định và quận 5 có phường Chợ Lớn…
Kỳ họp thứ 22, HĐND TP.HCM khóa X đã thông qua chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của TP còn 102 phường, xã và đặt tên phường mới. Ảnh: NGUYỆT NHI
Đặt tên phường mới để định hình đô thị tương lai
Tại kỳ họp lần này, các đại biểu HĐND TP cũng dành thời gian để nêu ý kiến về cách đặt tên sau sắp xếp. Đa số đều cho rằng các tên gọi này rất thân thương, gần gũi với người dân Sài Gòn.
Hòa Thượng Thích Minh Thành nói, thời gian qua đã có nhiều ý kiến khác nhau từ phía người dân, cả nhân sĩ trí thức và nhiều tầng lớp về cách đặt tên phường. Bản thân đại biểu thống nhất với đề án mà TP.HCM đã trình HĐND xem xét.
“Quá khứ là nơi mà ta bước ra, cần ghi nhận và trân trọng. Nhưng ta cũng cần định hình cho hiện tại để có bước tiến trong tương lai cho phù hợp; nhất là định hình lại đô thị TP.HCM đề hòa chung với kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”- Hòa thượng Thích Minh Thành nói và cho rằng, đề án mà TP.HCM xây dựng thỏa đáng về mặt hành chính, logic và cả phương diện văn hóa- kinh tế, xã hội và ý chí của cả nước.
Hòa Thượng Thích Minh Thành nêu ý kiến về cách đặt tên phường. Ảnh: NGUYỆT NHI
Đại biểu Trần Quang Thắng nói, việc sáp nhập, sắp xếp phường, xã sẽ giúp việc quy hoạch, quản lý mang tầm từ tổng thể đến chi tiết, đảm bảo về mặt dân số và diện tích, quy hoạch cơ sở hạ tầng; hướng đến sự chia sẻ về cả văn hóa cộng đồng.
Hơn nữa, việc lấy lại tên một số địa phương thân thuộc cũng sẽ tạo ra được tính liên kết cộng đồng. Từ đó, động lực cho vấn đề phát triển các dự án thu hút đầu tư phát huy sức mạnh công nghệ số…
Đưa các địa danh vào văn bản chính thống
Đại biểu Vương Đức Hoàng Quân chia sẻ, là người con của Sài Gòn- TP.HCM, bản thân ông nhận thấy có những địa danh mà sau này, trong thời gian qua không còn được sử dụng một cách chính thống trên các văn bản như Chợ Lớn, Sài Gòn nhưng lại phổ biến trong cuộc sống hàng ngày, trong cuộc nói chuyện bình thường của người dân như “đi thăm người thân ở Chợ Lớn”, hay “đi Sài Gòn chơi”…
“TP chọn đưa các tên này một cách chính danh vào văn bản chính thống là điều cần thiết và đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của tuyệt đại đa số bà con TP.HCM, làm ‘sống lại’ những ký ức, nét văn hóa của người dân”- ông Quân chia sẻ.
Đại biểu Vương Đức Hoàng Quân nói cách đặt tên phường mới thân thương, gần gũi với người dân. Ảnh: NGUYỆT NHI
Đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê nêu ý kiến, việc sáp nhập là bước ngoặt về không gian địa lý để TP vươn cao.
Với việc đặt tên gọi của các phường sau khi sắp xếp đơn vị hành chính, ông Khuê cho rằng lịch sử hơn 300 năm của tiến trình mở cõi phương Nam, kết quả nghiên cứu, đánh giá, đúc kết của các nhà văn hóa, nhà sử học thì các địa danh đều gợi lại tình cảm, ký ức của mọi người ở vùng đất phương Nam - trong đó có TP.HCM hiện nay.
“Không chỉ cho một trường hợp riêng lẻ nào mà đó là cả một chiều dài qua nhiều thế hệ. Khi nhắc đến những cái tên đó ai cũng có cảm xúc, dấu ấn riêng mà đi suốt hành trình của một đời người gắn với lịch sử TP này”- ông nói.
Kể cả trong biên niên lịch sử sự kiện của TP trong thời kì chiến tranh đến nay đã 50 năm đều gợi lại và nhắc đến những địa danh gắn liền với khí phách hào hùng của từng vùng, luôn khắc dấu trong lịch sử của TP và của người dân.
Đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê nêu ý kiến, việc sáp nhập là bước ngoặt về không gian địa lý để TP vươn cao. Ảnh: NGUYỆT NHI
Ông Phan Nguyễn Như Khuê cũng chia sẻ, cái tên mang tính lịch sử nếu được giữ lại là đáng quý. Còn với tên mang tính tích hợp cũng không có nghĩa là phủ định hay phủ quyết chiều dày lịch sử của TP này mà là sự khái quát cao hơn, thể hiện khát vọng của mọi công dân.
“Chúng ta có thể chọn lọc thêm các tên gọi mang dấu ấn đối với người dân thành phố. Ví dụ khi nói đến quận 1, chúng ta luôn nhắc đến rạch Bến Nghé. Những cái tên trước đây như Bà Điểm, Hóc Môn, Củ Chi cũng gợi lại nhiều kỷ niệm đối với mỗi người dân.
Việc sắp xếp lại, chọn tên gọi, địa danh đó không phải là từ bỏ những gì tốt đẹp của dĩ vãng, của lịch sử mà là sự kết nối, kế thừa và được hun đúc thêm trong bối cảnh phát triển mới của TP.HCM. Còn là để bạn bè năm châu khi nghe đến cái tên đó họ sẽ cùng biết đến giá trị lịch sử từ hào hùng trong kháng chiến, trong thời kỳ đấu tranh đô thị cho đến chặng đường phát triển sau này”- ông Khuê nói.
Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM Nguyễn Thị Ánh Hoa cho biết, hoàn toàn ủng hộ tên phường như đề án. Bà thông tin, Sở Du lịch TP đã khảo sát một số doanh nghiệp, chuyên gia trong lĩnh vực du lịch. Kết quả, họ đều ủng hộ và bày tỏ sự đồng tình rất cao với phương án của TP.HCM.
“Đây không chỉ là quyết định hành chính đúng đắn mà là cơ hội để ngành du lịch làm mới bản đồ du lịch với những địa danh gắn liền bản sắc gần gũi, thân thuộc, ấn tượng dễ nhớ dễ định hướng với du khách. Các địa danh nhất là Sài Gòn, Gia Định, Chợ Lớn đã trở thành phạm trù văn hóa với du khách trong nước và quốc tế, được biết đến qua thơ ca nhạc họa, cho họ có thêm cảm xúc để đến với TP.HCM khi chính thức đặt tên cho các đơn vị hành chính”- bà Nguyễn Thị Ánh Hoa nói.
THANH TUYỀN - LÊ THOA