Đặt tên phường, xã mới và tâm nguyện người dân

Đặt tên phường, xã mới và tâm nguyện người dân
9 giờ trướcBài gốc
Ảnh minh họa
Điều khiến người dân băn khoăn là, nhiều địa phương đặt tên ĐVHC mới theo thứ tự 1, 2, 3, 4… hoặc Đông, Tây, Nam, Bắc; những tên đất, tên làng gắn bó bao đời bỗng dưng biến mất.
Tiếp thu ý kiến người dân, một số địa phương đã nhanh chóng khắc phục việc này, nhưng vẫn còn không ít nơi đặt tên phường, xã mới theo kiểu xếp số thứ tự.
Theo Quyết định 759/QĐ-TTg ban hành ngày 14-4-2025 về việc phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại ĐVHC các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, nguyên tắc đầu tiên để xác định tên gọi là việc đặt tên cho ĐVHC sau sắp xếp phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo, cân nhắc thận trọng các yếu tố truyền thống, lịch sử, văn hóa.
Ưu tiên sử dụng một trong những tên gọi của các ĐVHC trước khi sáp nhập để đặt tên cho ĐVHC hình thành mới, hạn chế tối đa tác động ảnh hưởng tới người dân, doanh nghiệp do phải chuyển đổi giấy tờ, chỉ dẫn địa lý liên quan đến ĐVHC cấp tỉnh. Tên gọi của ĐVHC mới cần dễ nhận diện, ngắn gọn, dễ đọc, dễ nhớ, bảo đảm tính hệ thống, khoa học và phát huy được lợi thế so sánh của địa phương, phù hợp với xu thế hội nhập.
Việc đặt tên xã, phường theo số thứ tự hoặc theo tên của ĐVHC cấp huyện (trước sắp xếp) có gắn với số thứ tự là nguyên tắc thứ 5 trong quyết định này.
Bên cạnh đó, còn có một số nguyên tắc khác như tạo sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân địa phương; góp phần giữ gìn, phát huy được giá trị lịch sử, truyền thống, văn hóa và tinh thần đoàn kết của nhân dân đối với ĐVHC mới sau sắp xếp... Như vậy, theo quy định hiện hành thì không bắt buộc các địa phương phải đặt tên ĐVHC cấp xã sau sắp xếp theo cách đánh số thứ tự.
Vừa qua, trong buổi tiếp xúc cử tri TP Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có lời khen về cách đặt tên ĐVHC mới sau sắp xếp của TPHCM khi đã giữ lại các địa danh cũ từng ăn sâu trong tiềm thức của nhiều thế hệ người dân.
Bởi theo Tổng Bí thư, khi nhắc đến Gia Định, Chợ Lớn, An Đông, Hóc Môn, Bà Điểm... người ta hình dung ra ngay, nhận diện ra ngay vùng đất đó. Rõ ràng, đặt tên ĐVHC không đơn thuần chỉ mang tính quy ước để phân biệt thực thể hành chính này với thực thể hành chính khác.
Không phải ngẫu nhiên mà những tên đất, tên làng, trải qua bao thời gian, gắn bó với lịch sử luôn được đặt một cách có ý nghĩa và rất trân trọng. Vì thế, khi đặt tên mới cho một ĐVHC rất cần cân nhắc đến lịch sử, văn hóa và nguyện vọng của nhân dân địa phương, tránh những hệ lụy không đáng có về sau.
NGỌC MINH
Nguồn SGGP : https://sggp.org.vn/dat-ten-phuong-xa-moi-va-tam-nguyen-nguoi-dan-post792549.html