Đặt tên xã, phường mới: Từ lắng nghe đến đồng thuận

Đặt tên xã, phường mới: Từ lắng nghe đến đồng thuận
10 giờ trướcBài gốc
Lãnh đạo nhiều địa phương đã lắng nghe ý kiến người dân khi đặt tên xã, phường. Theo đó, nhiều nơi đã bỏ “số hóa”, đồng thời sử dụng các địa danh mang đậm tính văn hóa - lịch sử… để đặt tên cho xã, phường mới. Đây là điểm nhấn về tính linh động trong quyết định khi lắng nghe và tôn trọng tư duy phản biện.
Để nói về giá trị của tư duy phản biện và nghệ thuật lắng nghe, thầy tôi thường mang câu chuyện “Định nghĩa con người của Plato” ra dẫn chứng. Sinh thời, Plato (còn gọi là Platon, triết gia nổi tiếng người Hy Lạp cổ đại) có mở một ngôi trường ở thành Athens. Một lần nọ, các học trò đã nhờ ông đưa ra một định nghĩa nói về con người. Plato suy nghĩ một chút rồi chốt như sau: “Con người là động vật có hai chân và không có lông”. Định nghĩa này đã nhanh chóng lan truyền khắp thành Athens và được tất cả các giới từ bình dân cho đến quý tộc hết lời khen ngợi, vì định nghĩa rất ngắn gọn và sát ý. Ngày hôm sau, Diogenes - một lão ăn mày nổi tiếng có tư tưởng khuyển nho đã bắt một con gà vặt sạch lông đến ném vào trường học của Plato rồi hét lên rằng: “Đây chính là con người của Plato”… Mấy ngày sau, Plato đã cho thay đổi định nghĩa về con người mà mình đã đưa ra trước đó.
Tỉnh Ninh Thuận tiếp thu ý kiến, đã điều chỉnh tên xã phường từ theo số thứ tự thành các địa danh gắn với lịch sử, văn hóa. Ảnh: H.H
Phần lớn những người biết câu chuyện này đều tập trung chú ý và dành sự ngưỡng mộ cho Diogenes, vì ông ấy dám nói ra sự thật, đồng thời người ta thường cười cợt Plato. Hiếm có ai nghĩ về giá trị đỉnh cao của Plato trong câu chuyện này. Thứ mà một con người có quyền lực và địa vị khó chiến thắng nhất chính là cái tôi và lòng kiêu hãnh của chính họ. Rõ ràng, Plato là một cây đại thụ không chỉ ở Athens mà còn là đỉnh cao ở thời mà ông sống… Nhưng sau khi được Diogenes chỉ ra cái dễ dãi của mình, dù cách phản biện của Diogenes rất thiếu tế nhị và khó nghe, Plato vẫn sẵn sàng lắng nghe và thay đổi. Trước khi biết câu chuyện này, tôi kính nể Plato vì tài năng của ông ấy; sau khi biết câu chuyện này, tôi còn kính trọng thêm nhân cách của ông.
Điều này cũng tương tự như các lãnh đạo ở địa phương sẵn sàng thu thập, lắng nghe tiếng lòng của người dân và cả phản biện của giới trí thức trong việc số hóa tên xã, phường. Tôi biết trong số này có những phản biện không hề dễ nghe… Nhưng các nhà lãnh đạo đã sẵn sàng thay đổi dựa trên tính hợp lý trong việc tư duy phản biện của xã hội dành cho mình. Rất nhiều địa phương đã chọn việc “số hóa” nhưng tính đến nay, cũng đã không ít địa phương lắng nghe ý kiến người dân để thay đổi.
TP.HCM là đơn vị đi đầu và thành công nhất trong việc đặt tên xã, phường mới với những địa danh mang đầy dấu ấn văn hóa, gắn kết cả hành trình phát triển vùng đất này. Điều đó đã được Tổng Bí thư Tô Lâm khen ngợi. Từ đây, tiếp nối TP.HCM, nhiều địa phương đã mạnh dạn thay đổi cách làm khi dùng tên địa danh đậm chất lịch sử - văn hóa để đặt tên cho xã, phường, thay cho số hóa.
Cần nhắc lại rằng Quyết định 759/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (ban hành ngày 14-4) đã nêu rõ năm nguyên tắc khi đặt tên cho các đơn vị hành chính sau sắp xếp. Trong đó, nguyên tắc đầu tiên là “việc đặt tên cho đơn vị hành chính sau sắp xếp phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo, cân nhắc thận trọng các yếu tố truyền thống, lịch sử, văn hóa”. Các nguyên tắc còn lại cũng nêu rõ là phải tạo sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân địa phương, góp phần giữ gìn, phát huy được giá trị lịch sử, truyền thống, văn hóa và tinh thần đoàn kết của nhân dân đối với đơn vị hành chính mới sau sắp xếp...
Còn việc nghiên cứu đặt tên đơn vị của xã, phường theo số thứ tự để thuận lợi cho việc số hóa, cập nhật dữ liệu thông tin (như gợi ý của Bộ Nội vụ, theo kiểu “tên huyện cũ + số thứ tự”) là nguyên tắc cuối cùng trong Quyết định 759/QĐ-TTg. Tức là quy định hiện hành không bắt buộc các địa phương phải đặt tên đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp theo cách đánh số thứ tự.
Tôi tin rằng các lãnh đạo ở một số tỉnh lấy tên huyện và TP rồi số hóa để đặt tên cho các xã, phường mới đều có lý do và mục tiêu tốt đẹp. Mục đích đầu tiên có thể đến từ việc mong muốn giữ lại tên huyện và TP trước đây; thứ hai là đến từ việc trung hòa giữa các xã, phường bị sáp nhập, để tránh những ý kiến ý cò “tại sao lại lấy tên của xã anh đặt cho xã mới mà không lấy tên xã tôi”… Ngoài ra, việc này còn xuất phát từ việc số hóa để giúp quản lý dễ dàng theo hệ thống sau này.
Tuy nhiên, xét ở mọi góc độ, việc số hóa tên xã, phường sẽ mất nhiều hơn được, vì địa danh mang nặng yếu tố văn hóa, lịch sử nó không chỉ có giá trị tinh thần mà còn có giá trị vật chất… Những địa danh lâu đời mang đậm dấu ấn lịch sử - văn hóa ngoài việc lưu giữ, kết nối truyền thống xưa - nay thì xét ở góc độ kinh tế, nó còn có giá trị phát triển du lịch. Ở nhiều nơi, người ta phát triển du lịch bằng những câu chuyện “ngày xửa, ngày xưa” đính kèm; thậm chí có nơi không có câu chuyện hấp dẫn nào nhưng người ta vẫn cố bịa ra chuyện gì đó để kể cho du khách. Ở ta, gắn với mỗi tên đất, tên làng đều có những câu chuyện vô cùng sinh động, hấp dẫn; vì vậy chúng ta cần tận dụng thế mạnh này trong khai thác du lịch.
Có thể nói việc lãnh đạo các địa phương lắng nghe ý kiến của dân trong đặt tên xã, phường là ví dụ sinh động về quan niệm “Nhà nước của dân, do dân và vì dân”. Sự đồng thuận có được thông qua tương tác, trao đổi, phản biện là sự đồng thuận tuyệt vời và là nền tảng quan trọng hướng đến sự phát triển bền vững của tương lai đất nước.
DƯƠNG ANH VŨ
Nguồn PLO : https://plo.vn/video/dat-ten-xa-phuong-moi-tu-lang-nghe-den-dong-thuan-post846921.html