"Cháy" vé xe khách chặng dài
Ngày 19/1, khảo sát của PV Báo Giao thông, tuyến Hà Nội - Sơn La, Hà Nội - Điện Biên, hãng xe Hải Vân hầu hết đã kín giường ở tất cả các chuyến.
Trong các ngày tiếp theo từ 19/1 – 27/1, trên website đặt vé của hãng xe này cũng ghi nhận tương tự ở hầu hết các chuyến.
Dịp cận Tết, trong các ngày 19/1 - 27/1, hầu hết các chuyến xe Mỹ Đình - Điện Biên của nhà xe Hải Vân đều đã hết chỗ.
Riêng ngày 27/1, từ Hà Nội đi Sơn La còn trống 1 vài giường ở 2, 3 chuyến xe trong khi tuyến Hà Nội đi Điện Biên không còn chỗ trống nào.
Ngày 28/1 (tức ngày Tất niên), số ghế trống ở 2 chuyến đi Sơn La còn nhiều chỗ trống hơn so với các ngày trước đó.
Ở tuyến Hà Nội đi Nghệ An, nhà xe Văn Minh đã mở bán vé sớm cho các khách quen từ giữa tháng 12/2024, sau đó một tuần thì mở bán vé toàn bộ hành khách dịp nghỉ tết Nguyên đán. Đến nay, hầu hết các chuyến xe giường nằm trong các ngày cao điểm từ 20 – 27/1 đều đã kín khách đặt trước.
Tuyến Hà Nội đi Nam Định, Yên Bái, đại diện nhà xe X.E Việt Nam cho biết, hành khách đặt trước xe dịp nghỉ tết Nguyên đán từ ngày 24/1 – 28/1 khoảng 50% số ghế trên mỗi chuyến.
Tuy nhiên, với các tuyến từ Hà Nội đi Việt Trì, Phú Thọ mới chỉ lác đác một vài khách đặt trước, trong khi các tuyến từ Hà Nội đi Ninh Bình, Thái Bình của nhà xe này vẫn trong cảnh "im ắng" do hành khách có thói quen cận ngày mới đặt xe.
Mặt khác, các tuyến ngắn như Hà Nội – Việt Trì dịp nghỉ dài ngày thường bị cạnh tranh gay gắt với loại hình xe cá nhân, xe ghép, xe tiện chuyến do linh hoạt thời gian và được người dân ưa chuộng hơn.
Các tuyến ngắn như Hà Nội - Sầm Sơn (Thanh Hóa), Hà Nội - Ninh Bình vẫn thưa khách đặt trước. Để cạnh tranh với xe cá nhân, xe ghép, nhiều nhà xe đầu tư phương tiện, mở app đặt vé tạo thuận lợi cho hành khách.
Đối với tuyến Hà Nội – Sầm Sơn (Thanh Hóa), ông Nguyễn Hữu Thắng, Giám đốc Công ty TNHH thương mại du lịch – vận tải Thắng Thanh (nhà xe Thắng Thanh) cho biết, lượng khách đặt trước xe dịp Tết hiện vẫn thưa thớt.
Từ ngày 25/1 trở đi, nhu cầu hành khách dự kiến sẽ tăng cao nhưng chủ yếu là người lao động xa quê về quê thăm thân, nghỉ Tết.
"Là hãng xe có truyền thống lâu năm, hành khách của nhà xe chủ yếu là khách quen, sinh sống trên địa bàn TP Sầm Sơn. Để tạo thuận lợi cho hành khách, đơn vị đã ứng dụng công nghệ mở app đặt vé, cũng như tăng cường nhân viên trực tổng đài để hỗ trợ tốt nhất cho người dân.
Thấu hiểu dịp nghỉ Tết dài ngày, nhiều người dân có nhu cầu vận chuyển xe máy, thú cưng về quê ăn Tết, nhà xe cũng tích hợp ghi chú cho hành khách trên app đặt vé hoặc tiếp nhận thông tin qua tổng đài. Các trường hợp này khi hành khách báo trước sẽ được nhân viên nhà xe chuẩn bị chu đáo để đảm bảo vận chuyển xe, thú cưng được đảm bảo, an toàn nhất", ông Thắng nói.
Cũng theo ông Thắng, Tết năm nay trên tuyến Hà Nội – Sầm Sơn nhiều doanh nghiệp vận tải khai thác nên lượng cung cao, do đó, đơn vị vẫn chỉ chạy 5-6 chuyến như ngày thường, không có phương án tăng chuyến cũng như không tăng giá vé để tạo thuận lợi nhất cho người dân về đoàn tụ với gia đình dịp Tết.
Cũng trên chuyến này, nhà xe Hải Hạnh cho biết, những ngày qua, lượng khách về quê rất thưa thớt và chưa có nhiều khách gọi điện đặt xe trước.
Bên cạnh xe khách tuyến cố định ngày càng tăng chuyến trên tuyến Hà Nội – Sầm Sơn, đại diện nhà xe Hải Hạnh cho biết, sự cạnh tranh với xe hợp đồng cũng khiến thị phần vận chuyển hành khách của các nhà xe giảm.
Để thu hút khách, nhà xe Hải Hạnh đã tích cực đầu tư phương tiện mới với xe cabin phòng tiện nghi, riêng tư, đồng thời, duy trì mức giá vé chỉ từ 180 nghìn đồng/giường, bất kể ngày lễ Tết.
Trong khi đó, nhà xe Tuân Yến chia sẻ thêm, do sinh viên đã về từ trước trong khi người dân vẫn chưa chính thức nghỉ Tết nên từ ngày 19-23/1, lượng khách trên các chuyến xe vẫn vắng.
Cuối ngày 24/1 (tức ngày 25 Âm lịch) và từ ngày 25/1 (tức ngày 26 Âm lịch) khi người lao động được nghỉ Tết, lượng khách sẽ tăng dần. Để đảm bảo phục vụ hành khách tốt nhất, nhà xe đã quán triệt nhân viên tăng cường trực máy điện thoại đặt vé, tăng cường nhân viên đón khách tại bến để tránh tình cảnh hành khách bị chèo kéo, làm phiền cũng như thất lạc đồ đạc.
Đối với lái xe cũng được chấn chỉnh, tuyên truyền các quy định mới về giao thông tại Nghị định 168/2024 và theo dõi sát sao qua hệ thống thiết bị giám sát hành trình để đảm bảo an toàn cho hành khách trên xe.
Ở tuyến Hà Nội - Lào Cai, nhà xe G8 Sa Pa Open Tour vừa mở thêm tuyến bến xe Mỹ Đình - bến xe Sa Pa để phục vụ nhu cầu hành khách.
Ở tuyến Hà Nội – Lào Cai, đại diện nhà xe Sao Việt cho biết, đến nay, lượng khách đặt vẫn thưa vắng đối với cả hành khách là người dân địa phương lẫn khách du lịch.
Theo ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc hãng xe Sao Việt nguyên nhân là do năm 2024, kinh tế khá khó khăn đã ảnh hưởng đến chất lượng sống và nhu cầu du lịch của người dân dịp lễ, Tết.
Mặc dù vậy, ông Bằng cho biết, dự kiến tuần tới, nhu cầu đặt xe của hành khách sẽ tăng dần. Để sẵn sàng phục vụ người dân dịp cao điểm, đơn vị đã có phương án tăng chuyến, khi nhu cầu tăng cao đột biến có thể phục vụ kịp thời.
Cùng tuyến Hà Nội – Lào Cai – Sa Pa, ông Bùi Ngọc Minh, Giám đốc hãng xe G8 Sa Pa Open Tour cho biết, dịp trước tết Nguyên đán, đa phần khách nước ngoài đặt xe nhiều do người dân trong nước còn bận công việc cuối năm và lo toan, chuẩn bị Tết.
Lượng khách các ngày trước Tết đặt xe trước cũng chưa tăng đột biến, tuy nhiên từ ngày mùng 1 đến mùng 4 Tết, nhu cầu đi du lịch của hành khách tăng cao, các chuyến hầu hết không còn giường trống.
Để đáp ứng nhu cầu di chuyển của người dân, du lịch của du khách, G8 Sapa Open Tour đã khai trương tuyến mới bến xe Mỹ Đình – bến xe Sa Pa bắt đầu hoạt động từ hôm nay (ngày 19/1) bên cạnh tuyến bến xe Gia Lâm – bến xe Sa Pa hiện có.
Theo ông Minh, dự kiến, giá vé dịp Tết vẫn không đổi, từ 420 nghìn đồng/cabin đơn.
Các bến xe sẵn sàng kế hoạch phục vụ hành khách dịp cao điểm tết Nguyên đán.
Bến xe sẵn sàng đón khách dịp cao điểm
Theo Công ty cổ phần bến xe Hà Nội, kỳ nghỉ tết Nguyên đán năm 2025 kéo dài 9 ngày, từ ngày 25/1 đến hết ngày 2/2, nhu cầu đi lại của hành khách trong dịp này sẽ dàn đều trong đợt, tập trung cao hơn trong các ngày 20 - 22/1 và 24 - 27/1.
Dự kiến lượng khách qua bến trong thời gian cao điểm sẽ tăng khoảng 250 - 350% so với ngày thường, đối với một số tuyến có thể xảy ra tình trạng ùn cục bộ vào từng thời điểm, cần tăng cường xe dự phòng để giải tỏa khách. Dự kiến lượng xe dự phòng tăng cường cho cả đợt phục vụ Tết Nguyên đán là 2.486 xe. Đặc biệt, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng xe chở quá tải, bán vé cao hơn giá đã đăng ký; đảm bảo mọi khách hành trên xe đều có vé trước khi xe xuất bến.
Công ty Cổ phần Bến xe Hà Nội cũng dự báo trong thời gian trước Tết, lượng khách tập trung đông chủ yếu ở các tuyến đường ngắn. Sau thời gian nghỉ tết, lượng khách lại tăng trên các tuyến đường dài như: TP. HCM, Đà Nẵng, Gia Lai, Buôn Ma Thuột... tập trung tại bến xe Giáp Bát.
Tại bến xe Giáp Bát, lượt khách cao nhất trong các ngày cao điểm khoảng 20.000 lượt/ngày, tăng 350% so với ngày thường; lượt xe dự kiến từ 850 - 900 lượt xe/ngày. Hành khách tăng tập trung chủ yếu các tuyến: Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa...
Tại bến xe Gia Lâm, lượt khách cao nhất trong các ngày cao điểm khoảng 5.000 lượt khách/ngày, tăng khoảng 250% so với ngày thường, lượt xe dự kiến là 400 lượt xe/ngày, chủ yếu tập trung ở các tuyến như: Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Giang...
Tại bến xe Mỹ Đình, lượng khách trong các ngày cao điểm khoảng 22.000 lượt/ngày, tăng lên hơn 350% so với ngày thường, lượt xe dự kiến hơn 950 lượt xe/ngày, chủ yếu ở các tuyến: Hòa Bình, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Quảng Ninh, Cao Bằng...
Ở bến xe Nước Ngầm, dự kiến lượng khách tăng từ 140 - 150% so với ngày thường, bến xe dự kiến tăng cường 100 xe đi các tỉnh, tập trung các tuyến: Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.
Hiểu Lam