Ngay trong tuần làm việc đầu tiên, Quốc hội đã nghe Chính phủ trình bày Báo cáo bổ sung về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2024 và tình hình triển khai năm 2025. Đồng thời, các cơ quan Quốc hội cũng trình bày nhiều báo cáo thẩm tra, giám sát và tổng hợp ý kiến, kiến nghị cử tri. Quốc hội dành phần lớn thời gian để thảo luận 20 dự án luật và nghị quyết thuộc các lĩnh vực như giáo dục, khoa học – công nghệ, công nghiệp số, lao động, thanh tra, thuế, doanh nghiệp, quy hoạch…
Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận dự kỳ họp thứ 9 - Quốc hội khóa XV.
Tuần thứ hai tiếp nối không khí sôi động với các dự án luật có tác động sâu rộng như: Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi); Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi); Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân; Luật Quản lý, đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp… Quốc hội cũng biểu quyết thông qua hai nghị quyết có ý nghĩa quan trọng: một về cơ chế, chính sách đặc biệt nhằm nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật; một về thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân – động lực chiến lược trong phát triển đất nước.
Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận Đặng Hồng Sỹ chủ trì phiên thảo luận tổ tại Kỳ họp thứ 9
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hữu Thông tham gia thảo luận tại hội trường
Trong hành trình nghị sự ấy, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận tiếp tục khẳng định vai trò chủ động và trách nhiệm với 4 lượt phát biểu tại hội trường, 16 lượt phát biểu tại tổ. Các ý kiến tập trung vào nhiều vấn đề thiết thực: chính sách đối với nhà giáo; cải cách thị trường lao động và bảo hiểm thất nghiệp; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; phát triển công nghiệp công nghệ số; tháo gỡ vướng mắc trong công tác quy hoạch và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công; bảo vệ dữ liệu cá nhân trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ.
ĐBQH tỉnh Bình Thuận Bố Thị Xuân Linh tham gia thảo luận tại Tổ.
ĐBQH tỉnh Bình Thuận Phạm Thị Hồng Yến thảo luận Tổ.
ĐBQH tỉnh Bình Thuận Trần Hồng Nguyễn góp ý tại phiên thảo luận Tổ.
Các ý kiến đều được chuẩn bị kỹ lưỡng, bám sát thực tiễn địa phương, thể hiện tinh thần trách nhiệm và xây dựng. Nhiều đề xuất có tính phản biện sắc sảo, góp phần hoàn thiện chính sách pháp luật, được các cơ quan Quốc hội và Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao. Song song với các phiên thảo luận tại tổ và hội trường, các đại biểu Bình Thuận cũng tích cực tham gia phiên họp chuyên đề, tọa đàm, trao đổi với Ủy ban Quốc hội và các đoàn đại biểu địa phương khác. Những hoạt động này không chỉ góp phần nâng cao chất lượng nghị trình, mà còn thể hiện tinh thần học hỏi, chia sẻ trách nhiệm, làm sâu sắc hơn vai trò lập pháp của người đại biểu Nhân dân.
Từ ngày 19 đến 21/5/2025, Quốc hội bước vào tuần làm việc thứ ba với nhiều nội dung quan trọng liên quan đến ngân sách, đầu tư công, cải cách tư pháp và kiện toàn tổ chức bộ máy. Quốc hội dự kiến thảo luận và cho ý kiến về các dự án luật sửa đổi Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức tòa án nhân dân, Luật Tổ chức viện kiểm sát nhân dân, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Doanh nghiệp…
Trong nhịp làm việc khẩn trương, khoa học và hiệu quả ấy, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận đã và đang thể hiện một hình ảnh năng động, trách nhiệm và trí tuệ. Không chỉ đóng góp cho các dự án luật, nghị quyết ở tầm quốc gia, mà còn mang theo tiếng nói từ thực tiễn địa phương, phản ánh trung thực tâm tư, nguyện vọng của cử tri. Qua đó, góp phần hoàn thiện thể chế, thúc đẩy phát triển bền vững và củng cố niềm tin của Nhân dân vào hoạt động lập pháp.
Trách nhiệm – Chủ động – Hiệu quả, đó không chỉ là phong cách làm việc, mà còn là cam kết chính trị của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận trên hành trình đồng hành cùng Quốc hội và Nhân dân, vì một Việt Nam phát triển nhanh, bền vững, dân chủ và văn minh.
THU HÀ - DANH DŨNG