(Ảnh tư liệu minh họa)
Là tỉnh lớn ở khu vực Bắc Trung Bộ, Thanh Hóa giữ vị trí địa lý và chiến lược đặc biệt quan trọng: vừa là hậu phương trực tiếp, vừa là điểm trung chuyển chiến lược cho tiền tuyến miền Nam. Với truyền thống cách mạng kiên cường, Nhân dân và lực lượng vũ trang Thanh Hóa nói chung, Công an tỉnh Thanh Hóa nói riêng đã thấm nhuần sâu sắc quan điểm “Miền Nam là tiền tuyến lớn, miền Bắc là hậu phương lớn”, luôn đặt nhiệm vụ phục vụ kháng chiến lên hàng đầu.
Ngay từ đầu thập niên 60, Công an Thanh Hóa đã triển khai mạnh mẽ công tác bảo vệ nội bộ, phòng chống gián điệp, bảo vệ cơ sở vật chất - kỹ thuật, các tuyến giao thông huyết mạch và những công trình quốc phòng trọng yếu. Đặc biệt, các tuyến vận tải chiến lược qua địa bàn tỉnh luôn là mục tiêu đánh phá ác liệt của không quân Mỹ. Trước tình hình đó, Công an tỉnh đã huy động hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia đảm bảo an toàn cho những tuyến vận chuyển mang ý nghĩa sống còn này.
Từ năm 1961 đến 1975, Công an Thanh Hóa đã tuyển chọn, huấn luyện và tăng cường hơn 2.000 cán bộ, chiến sĩ ưu tú vào miền Nam làm nhiệm vụ đặc biệt. Trong số đó, nhiều người được phân công công tác tại Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam, Cục An ninh miền Nam, các lực lượng công an khu V, khu VIII, Tây Nam Bộ, Sài Gòn - Gia Định...
Một trong những tấm gương tiêu biểu là đồng chí Tống Xuân Nhuận, nguyên Trưởng ty Công an Thanh Hóa, được điều động vào chiến trường Trị - Thiên - Huế từ năm 1967. Trong điều kiện ác liệt của chiến trường, đồng chí đã trực tiếp xây dựng mạng lưới cơ sở mật, tổ chức thu thập tình báo, phối hợp với lực lượng vũ trang địa phương đánh phá nhiều mục tiêu quan trọng của địch. Ghi nhận những đóng góp to lớn ấy, Đảng và Nhà nước đã truy tặng đồng chí danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân.
Nhiều cán bộ công an Thanh Hóa khác được điều động làm nhiệm vụ đặc công, biệt động tại các đô thị trọng điểm. Từ năm 1972, không ít đồng chí hoạt động bí mật trong nội đô Sài Gòn, tổ chức nhiều trận đánh vào các mục tiêu như kho đạn Cát Lái, trụ sở Cảnh sát đô thành Sài Gòn..., góp phần làm rối loạn bộ máy chính quyền Sài Gòn trước giờ G của cuộc Tổng tiến công mùa Xuân 1975.
Trong suốt thời kỳ kháng chiến, Thanh Hóa là địa bàn diễn ra nhiều hoạt động phá hoại ngầm của địch. Lực lượng Công an tỉnh đã tổ chức hàng chục đợt đấu tranh chống gián điệp, phản động, bảo vệ vững chắc an ninh nội địa. Tiêu biểu như: dập tắt vụ bạo loạn ở Ba Làng (Tĩnh Gia); phá âm mưu lập “vương quốc” tại Pù Nhi (Quan Hóa); trấn áp tổ chức phản động “Mặt trận Công giáo” ở Nga Sơn; triệt phá tổ chức “Đảng Cách mạng quốc gia Việt Nam”; truy bắt toán gián điệp, biệt kích nhảy dù xuống xã Công Bình (Nông Cống)...
Công an tỉnh cũng thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ bí mật nhà nước, bảo vệ các mục tiêu chiến lược như: Cầu Hàm rồng, Đò Lèn, Bến phà Ghép, nhà máy cơ khí Lam Sơn, Cảng Lễ môn, khu vực Bãi Trành - những đầu mối hậu cần trọng yếu chi viện cho miền Nam.
Đặc biệt, lực lượng công an các huyện ven biển như Quảng Xương, Hậu Lộc, Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn) đã tổ chức lực lượng phòng chống biệt kích đổ bộ, bảo vệ an toàn các vùng duyên hải, nơi thường xuyên bị máy bay địch thả biệt kích, gián điệp.
Không chỉ góp phần vào các chiến dịch quân sự mang tính quyết định, Công an Thanh Hóa còn là lực lượng nòng cốt trong công tác đảm bảo an ninh - trật tự tại hậu phương lớn miền Bắc. Trong bối cảnh chiến tranh ác liệt, việc giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ sản xuất, bảo vệ lòng dân là một trong những điều kiện tiên quyết để tạo nguồn lực chi viện cho tiền tuyến. Nhiều đơn vị công an huyện, thị xã đã xây dựng các phong trào quần chúng bảo vệ an ninh, huy động sự tham gia của đông đảo Nhân dân vào việc phát hiện, tố giác gián điệp, phản động và các hành vi phá hoại. Từ đó, hình thành thế trận an ninh Nhân dân vững chắc, gắn kết lực lượng chuyên trách với lực lượng cơ sở, tạo thành mạng lưới kiểm soát hiệu quả ngay tại từng thôn, bản.
Tháng 3/1975, khi chiến dịch Tây Nguyên mở màn cho cuộc Tổng tiến công chiến lược, nhiều cán bộ Công an Thanh Hóa đã cùng các đơn vị vũ trang hành quân thần tốc vào Nam, tham gia các mũi tiến công chủ lực. Trong chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng, hàng chục cán bộ an ninh quê Thanh Hóa đã tham gia tiếp quản chính quyền, bảo vệ cơ sở hạ tầng, giữ gìn an ninh - trật tự tại các vùng mới giải phóng.
Đặc biệt, trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, hơn 200 cán bộ, chiến sĩ Công an Thanh Hóa đã cùng các đơn vị chủ lực tiến vào Sài Gòn, tham gia kiểm soát các mục tiêu chiến lược như Dinh Độc Lập, Đài Phát thanh, Bộ Tổng tham mưu ngụy quyền..., trực tiếp tiếp quản các cơ sở công quyền, tổ chức vận động Nhân dân ổn định đời sống.
Từ trong khói lửa chiến tranh, nhiều cán bộ Công an Thanh Hóa đã anh dũng hy sinh. Giai đoạn 1954-1975, toàn lực lượng có 54 cán bộ, chiến sĩ ra đi và không trở về. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, hàng trăm cán bộ Công an Thanh Hóa tiếp tục ở lại, tham gia xây dựng lực lượng công an tại các địa phương mới như Gia Lai, Đắk Lắk, Bình Phước, Tây Ninh, Bến Tre..., trở thành những cán bộ nòng cốt trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ an ninh chính trị thời bình.
Kỷ niệm 30/4 - Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước - là dịp thiêng liêng để tưởng nhớ và tri ân những người con xứ Thanh đã viết nên bản hùng ca bất diệt trong hành trình giải phóng dân tộc. Trong đó, lực lượng Công an Thanh Hóa mãi mãi là biểu tượng sáng ngời của lòng trung thành, dũng cảm và tinh thần cống hiến không ngơi nghỉ vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Trung tướng, PGS, TS Đồng Đại Lộc