Dấu ấn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Quốc hội Việt Nam

Dấu ấn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Quốc hội Việt Nam
5 giờ trướcBài gốc
Hôm nay đã hơn 100 ngày kể từ khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về với “cõi người hiền” nhưng hình ảnh của ông luôn luôn sống mãi cùng lịch sử vẻ vang của dân tộc. Như một sự tri ân đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - người luôn dành nhiều tâm huyết, trăn trở để xây dựng Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, là người tiếp tục “xây móng”, “đắp nền” đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình - nhóm tác giả thực hiện loạt bài “Dấu ấn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Quốc hội Việt Nam”.
Bài 1:
LẬP PHÁP VÌ DÂN
Ngày 26-6-2006, với 84,58% tổng số đại biểu tán thành, đồng chí Nguyễn Phú Trọng lần đầu đắc cử vào vị trí Chủ tịch Quốc hội (khóa XI). Với cương vị là người đứng đầu cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và sau này là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, đồng chí đã có những đóng góp quan trọng vào hoạt động của Quốc hội nói chung và công tác lập pháp nói riêng.
Từ cam kết trước Quốc hội và nhân dân…
Với xuất phát là người chủ yếu làm về lý luận, khi lần đầu tiên được Ủy ban Thường vụ Quốc hội giới thiệu để Quốc hội (khóa XI) bầu giữ chức Chủ tịch Quốc hội, đồng chí Nguyễn Phú Trọng có không ít trăn trở. Thực tế, vào thời điểm đó đã xuất hiện ý kiến của một số đại biểu cho rằng đồng chí Nguyễn Phú Trọng hoạt động Quốc hội chưa nhiều, chưa thể hiện được mình, thành tích còn ít… Dù Luật Tổ chức Quốc hội và nội quy kỳ họp Quốc hội không bắt buộc nhưng trước khi Quốc hội bỏ phiếu, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu trước toàn thể Quốc hội và trình bày một số nội dung cam kết hành động của bản thân. Trong đó, đồng chí Nguyễn Phú Trọng thẳng thắn thừa nhận bản thân hiểu biết về pháp luật cụ thể chưa sâu nhưng hứa sẽ có “quyết tâm cao và phương pháp đúng” nếu được Quốc hội tin tưởng bầu chọn.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng thăm Khu căn cứ Quân ủy Bộ Tư lệnh các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam, tại Tà Thiết, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước ngày 11-3-2009
Trả lời phỏng vấn của Báo Nhân Dân ngay sau khi có kết quả bầu Chủ tịch Quốc hội khóa XI (ngày 26-6-2006), đồng chí Nguyễn Phú Trọng một lần nữa chia sẻ: “Nhận trọng trách này, thú thật, tôi vừa mừng vừa lo. Mừng thì ít mà lo thì nhiều; vì với cá nhân tôi, đây là nhiệm vụ mới và nặng nề”.
Lập hiến, lập pháp là một trong những nhiệm vụ vô cùng quan trọng của Quốc hội, có ý nghĩa chính trị và pháp lý đặc biệt. Nhận thức rõ điều này, đồng chí Nguyễn Phú Trọng luôn dành nhiều thời gian, tâm huyết để nghiên cứu, học hỏi, nâng cao trình độ. Trong đó, quan điểm chỉ đạo, lãnh đạo xuyên suốt được đồng chí thể hiện là đẩy mạnh xây dựng pháp luật theo hướng nâng cao chất lượng và bảo đảm về số lượng; bám sát chủ trương, đường lối của Đảng và yêu cầu thực tiễn; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai và minh bạch của hệ thống pháp luật. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Phú Trọng, công tác lập pháp của Quốc hội có nhiều đổi mới, phát huy đầy đủ, mạnh mẽ vai trò của các đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội cũng như cả tập thể Quốc hội. Thực tế cũng chứng minh, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã hoàn thành xuất sắc lời hứa của bản thân trước Quốc hội, trước cử tri, trước quần chúng nhân dân. Với trí tuệ uyên bác và sự nỗ lực, cố gắng không ngừng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có những đóng góp quan trọng trong công tác lập pháp, góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn nhắc nhở: Mỗi đại biểu Quốc hội cần ý thức đầy đủ về quyền hạn và trách nhiệm của người đại biểu nhân dân; học dân, học thực tiễn; chính sách, pháp luật ban hành đừng xa rời cuộc sống: "Chúng ta đập nhịp đập của cuộc sống, của trái tim nhân dân thì nhất định hoạt động của Quốc hội sẽ sinh động và hiệu quả”.
Chủ tịch Quốc hội TRẦN THANH MẪN
…đến thực tiễn sinh động tại nghị trường và cuộc sống
Quay lại thời điểm tháng 6-2006, khi lần đầu tiên đồng chí Nguyễn Phú Trọng được bầu giữ chức Chủ tịch Quốc hội, đây là lúc Đảng ta vừa tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X và cũng là thời kỳ nước ta tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Sau 20 năm thực hiện đổi mới, cùng với những thành tựu đạt được, Đảng ta cũng thẳng thắn chỉ ra những khuyết điểm, hạn chế như: Một số nguyên tắc của thị trường bị vi phạm, tư duy bao cấp chưa được khắc phục triệt để; tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với khả năng; chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn kém; chất lượng nguồn nhân lực thấp… Một trong những nguyên nhân dẫn đến các hạn chế này là do cơ chế, chính sách, pháp luật chưa bảo đảm tính đồng bộ, chưa phù hợp với sự vận động, biến đổi nhanh chóng của tình hình thực tiễn. Do đó, yêu cầu đặt ra cho công tác xây dựng pháp luật là hết sức nặng nề, nhất là việc hoàn thiện các quy định trong lĩnh vực kinh tế, thị trường và lao động nhằm bảo đảm thực hiện thắng lợi các mục tiêu “đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới”, “chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế”, “hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường”… được Đại hội X đề ra.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng xem các hình ảnh, hiện vật trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước trưng bày ở Khu căn cứ Quân ủy Bộ Tư lệnh các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam, tại Tà Thiết (Lộc Ninh, Bình Phước) ngày 11-3-2009
Và chỉ hơn 1 năm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã điều hành, lãnh đạo Quốc hội khóa XI thông qua 13 luật và 11 nghị quyết; Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 5 pháp lệnh. Trong đó, nhiều đạo luật có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của đất nước, như: Luật Người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (2006), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động (2006), Luật Dạy nghề (2006), Luật Quản lý thuế (2006), Luật Chuyển giao công nghệ (2006), Luật sửa đổi, bổ sung Điều 73 của Bộ luật Lao động (2006)… Với các đạo luật được thông qua, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta tiếp tục được xây dựng và hoàn thiện; môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện.
Với những thành tích cơ bản đó, đồng chí Nguyễn Phú Trọng tiếp tục được Quốc hội khóa XII tin tưởng bầu giữ chức Chủ tịch Quốc hội với 97,97% số phiếu đồng ý. Tỷ lệ này là “con số biết nói” khẳng định sự công nhận của các đại biểu Quốc hội đối với năng lực, uy tín của đồng chí Nguyễn Phú Trọng. Một điểm đặc biệt của nhiệm kỳ này là Quốc hội đã thông qua nghị quyết về việc rút ngắn thời gian hoạt động từ 5 năm xuống còn 4 năm để phù hợp với nhiệm kỳ đại hội Đảng và nhiệm kỳ HĐND các cấp. Trong khi đó, nhiệm vụ lập pháp vẫn hết sức nặng nề, nhiều nhiệm vụ chưa có tiền lệ. Tuy nhiên, với sự chung sức, đồng lòng của cả Quốc hội nói chung và sự lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Phú Trọng nói riêng, công tác xây dựng pháp luật đã đạt những thành quả không thể phủ nhận. Trước hết, quy trình lập pháp tiếp tục được đổi mới. Với điểm nhấn là việc thông qua Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (2008), một số khâu trong quy trình lập pháp đã được thay đổi, bảo đảm tính khoa học, dân chủ. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc đẩy mạnh phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đồng thời quán triệt các chủ trương, đường lối của Đảng, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã cùng tập thể Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và toàn thể Quốc hội dày công nghiên cứu, thể chế hóa, hình thành hành lang pháp lý trên tất cả lĩnh vực từ kinh tế cho đến xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại…
Trong 4 năm hoạt động, Quốc hội khóa XII đã thông qua 67 luật, 13 nghị quyết; Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua 14 pháp lệnh và 9 nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật. Nhiều đạo luật có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của đất nước có thể kể đến như: Luật Quản lý và sử dụng tài sản nhà nước (2008), Luật Công nghệ cao (2008), Luật Quản lý nợ công (2009), Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài (2009), Luật Phòng, chống mua bán người (2011)… Theo đánh giá của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhiều văn bản quy phạm pháp luật được Quốc hội khóa XII thông qua đã sớm đi vào cuộc sống, ít phải chờ hướng dẫn thi hành, kịp thời yêu cầu quản lý và điều hành kinh tế, xã hội, mở rộng đối ngoại, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Tại Đại hội Đảng lần thứ XI, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng được bầu giữ chức Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Với việc Đại hội XI thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), một nhiệm vụ đặc biệt được đặt ra là nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp (1992) để phù hợp với yêu cầu và nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới. Vừa với cương vị là người đứng đầu Đảng vừa với vai trò là một đại biểu Quốc hội, đồng chí Nguyễn Phú Trọng tiếp tục có những đóng góp lớn trong sửa đổi Hiến pháp nói riêng và trong công tác lập pháp của Quốc hội nói chung. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì nhiều Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương khóa XI (hội nghị lần thứ hai, thứ năm, thứ bảy, thứ tám) để thảo luận về định hướng lớn, phương châm, phương pháp sửa đổi, bổ sung Hiến pháp; nội dung dự thảo Hiến pháp; các ý kiến đóng góp của quần chúng nhân dân, các nhà khoa học… Cá nhân đồng chí cũng có nhiều bài phát biểu tại các hội nghị, diễn đàn, bài viết đăng tải trên báo chí với nội dung mang tính định hướng, đóng góp rất cao cho việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp.
Được sự lãnh đạo sát sao của Ban Chấp hành Trung ương nói chung và đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói riêng, cùng với đó là sự vào cuộc của toàn thể nhân dân, Hiến pháp 2013 đã được thông qua với 97,59% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành (chỉ có 2 đại biểu không bấm nút biểu quyết và không có đại biểu nào không tán thành). Hiến pháp 2013 là kết tinh trí tuệ, là thành tựu lý luận, pháp lý của Đảng, Nhà nước ta sau gần 30 năm đổi mới; đã tạo cơ sở pháp lý cho việc tổ chức bộ máy nhà nước, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Trong các giai đoạn tiếp theo, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục dành nhiều sự quan tâm cho công tác xây dựng pháp luật. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí, lần đầu tiên nước ta ban hành nghị quyết chuyên đề về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Như Đại hội XIII đánh giá, hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách ở nước ta những năm qua tiếp tục được hoàn thiện phù hợp với yêu cầu xây dựng nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế. Lời điếu tại Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, do Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Tô Lâm (nay là Tổng Bí thư) trình bày, khẳng định: “Trên cương vị Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, đồng chí luôn trăn trở, đau đáu với vấn đề xây dựng cơ quan lập pháp thực sự là cơ quan quyền lực cao nhất của nhân dân, thực sự dân chủ và đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch, khả thi, tạo hành lang pháp lý vững chắc cho chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện và phát triển mạnh mẽ đất nước”. Đây cũng chính là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong công tác lập pháp nói riêng và trong lãnh đạo Đảng, Nhà nước nói chung.
Sự kế tục và phát triển xứng đáng truyền thống vẻ vang của Quốc hội
Kế thừa và phát huy những thành tựu, kinh nghiệm trong công tác lập pháp đã đạt được, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội nước ta đã và đang tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp.
Trong nhiều hội nghị, buổi làm việc với lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành của Trung ương và địa phương thời gian qua, Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ trong 3 “điểm nghẽn” lớn nhất hiện nay là thể chế, hạ tầng và nhân lực thì thể chế chính là “điểm nghẽn” của “điểm nghẽn”. Để khơi thông những “điểm nghẽn” này, nhiệm vụ căn cơ phải thực hiện là đổi mới cả về tư duy và hành động trong công tác lập pháp.
Một định hướng nổi bật trong công tác xây dựng pháp luật được Đảng ta đề ra thời gian gần đây là chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước vừa khuyến khích sáng tạo, dứt khoát từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”.
Phát biểu chỉ đạo tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “Các quy định pháp luật phải mang tính ổn định, có giá trị lâu dài..., bám sát thực tiễn, đứng trên mảnh đất thực tiễn Việt Nam để xây dựng các quy định pháp luật phù hợp, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không nóng vội nhưng không cầu toàn để mất thời cơ; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể”.
Toàn cảnh phiên khai mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV - Ảnh: QH
Với vai trò là người đứng đầu Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành Văn bản số 15/CTQH ngày 29-10-2024 về việc đổi mới tư duy trong công tác xây dựng pháp luật. Trong đó, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu xây dựng, ban hành luật, nghị quyết ngắn gọn, quy định những nội dung đúng thẩm quyền của Quốc hội, bám sát thực tiễn, không cầu toàn, không nóng vội; tuyệt đối không luật hóa quy định của nghị định, thông tư; loại ra khỏi dự thảo luật những vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ, các bộ và các cơ quan khác…
Nhìn vào chính thực tiễn kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đang diễn ra, có thể thấy công tác lập pháp được triển khai vô cùng rốt ráo. Theo kế hoạch, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 15 luật và cho ý kiến 13 dự án luật. Ngoài ra, để kịp thời tháo gỡ “điểm nghẽn” trong đầu tư kinh doanh nhà ở thương mại - một lĩnh vực “nóng”, nhận được sự quan tâm đặc biệt từ dư luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã báo cáo và được Quốc hội đồng ý điều chỉnh chương trình kỳ họp thứ 8, bổ sung nội dung trình Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo nghị quyết về việc thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất (dự kiến thảo luận hội trường vào sáng ngày 21-11-2024; biểu quyết thông qua vào ngày 30-11-2024). Đây là một trong những ví dụ cho thấy công tác lập pháp đang được thực hiện một cách nhanh chóng, với sự vào cuộc của cả hệ thống, không còn sự chần chừ, chờ đợi.
Mục tiêu mà chúng ta hướng tới là xây dựng một hệ thống pháp luật đồng bộ, tạo cơ sở thuận lợi để phát huy mọi nguồn lực phục vụ xây dựng, phát triển đất nước.
Trần Hoàng
Nguồn Bình Phước : https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/165402/dau-an-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-voi-quoc-hoi-viet-nam