Người có công lớn trong phát triển thủy điện Việt Nam
Là người có cơ duyên làm việc với ông Trần Đức Lương trong quá trình dài, Anh hùng Lao động (AHLĐ), TS. Thái Phụng Nê - nguyên Bộ trưởng Bộ Năng lượng - khẳng định: Cố Chủ tịch nước là một người cần mẫn, sâu sát, gắn bó và có nhiều công lao đối với ngành điện Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực thủy điện.
Trong quá trình xây dựng Nhà máy thủy điện Hòa Bình, khi đó với vai trò là Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất (sau là Tổng cục Mỏ - Địa chất), ông Trần Đức Lương đã trực tiếp nhiều lần lên công trường để kiểm tra. Vốn xuất thân là một kỹ sư địa chất, ông mang đậm phong cách làm việc khoa học, thận trọng nhưng quyết liệt. Với ngành điện - một lĩnh vực đòi hỏi tầm nhìn dài hạn và kỹ thuật cao, ông thể hiện tư duy của một nhà lãnh đạo quản lý, nhà khoa học kỹ thuật điềm đạm, sâu sắc, tỉ mỉ, cẩn trọng.
Thủy điện Hòa Bình là công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á tại thời điểm khánh thành (năm 1994), giữ vị trí đầu tàu của ngành điện lực trong nhiều năm. Công trình này đánh dấu bước tiến vượt bậc trong năng lực thi công công trình lớn, dài hạn và công nghệ cao của Việt Nam. Thời điểm xây dựng công trình, ông Thái Phụng Nê là Trưởng ban Quản lý công trình Thủy điện Hòa Bình và đã nhiều lần trực tiếp báo cáo để Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất Trần Đức Lương thông qua các quyết sách quan trọng.
Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt và Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Trần Đức Lương (hàng đầu, thứ 3 từ phải sang) và đoàn công tác đến dự lễ khởi công đường dây 500kV mạch 1, kiểm tra công tác xây dựng vị trí cột đầu tiên của đường dây 500kV mạch 1 (năm 1992). Ảnh EVN.
TS. Thái Phụng Nê khẳng định, ông Trần Đức Lương là người có công lao lớn trong quá trình xây dựng nhà máy thủy điện Hòa Bình và đã có rất nhiều ý kiến quan trọng, góp phần xây dựng thành công công trình. Những đóng góp lớn của ông còn thể hiện ở việc tham gia các quyết sách xây dựng thủy điện trên bậc thang Sông Đà, trong khoảng những năm 1995 - 2000.
Đặc biệt, trong suốt thời kỳ đảm nhận vai trò Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách lĩnh vực năng lượng, ông Trần Đức Lương còn để lại nhiều dấu ấn sâu sắc, nhất là trong công tác chỉ đạo chiến lược và triển khai thực tế các dự án điện lớn - từ quy hoạch dài hạn cho đến tổ chức thi công cụ thể.
Thời điểm đó, cùng với Thủ tướng Võ Văn Kiệt - người luôn được nhắc tới với tư duy đổi mới quyết liệt, Phó Thủ tướng Trần Đức Lương chính là người góp phần để tạo nền móng vững chắc cho một ngành điện có quy hoạch tổng thể, có tầm nhìn dài hạn, bài bản và khoa học.
“Ông Trần Đức Lương là một trong những lãnh đạo trực tiếp tham gia chỉ đạo xây dựng và phê duyệt các quy hoạch điện quốc gia giai đoạn đầu của thời kỳ đổi mới, bao gồm Quy hoạch Điện IV, V, VI. Đây là những quy hoạch có tính chất định hình lâu dài cho hệ thống điện Việt Nam trong bối cảnh nhu cầu tăng trưởng năng lượng bùng nổ, công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước bước vào giai đoạn tăng tốc. Những quy hoạch này đã tạo nền tảng cho việc phát triển đồng bộ các nguồn điện và lưới điện truyền tải trên cả nước.
Phó Thủ tướng Trần Đức Lương (hàng đầu, thứ hai từ trái sang) cắt băng khởi động tổ máy số 8 Thủy điện Hòa Bình (năm 1994). Nguồn: Sách Hòa Bình - Ánh điện không bao giờ tắt.
Đặc biệt, trong công trình xây dựng đường dây 500kV Bắc - Nam mạch 1 - một kỳ tích của ngành điện lực Việt Nam, ông Trần Đức Lương đã để lại dấu ấn rõ nét với tư cách là người sát việc, sâu sát hiện trường, quyết đoán trong chỉ đạo. Ông không chỉ là lãnh đạo cấp cao tham gia phê duyệt chủ trương, mà còn nhiều lần trực tiếp xuống công trường kiểm tra tiến độ thi công, làm việc với các tổ thi công, giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh”, TS. Thái Phụng Nê kể lại.
Chỉ đạo rất thực tế, sâu sát và mang tính kỹ thuật cao
Chứng kiến quá trình chỉ đạo của ông Trần Đức Lương khi giữ cương vị Phó Thủ tướng phụ trách năng lượng, nguyên Bộ trưởng Bộ Năng lượng Thái Phụng Nê đánh giá: Những chỉ đạo rất thực tế, sâu sát và mang tính kỹ thuật cao.
Chẳng hạn, trong quá trình xây dựng đường dây mạch 1, lúc đó Phó Thủ tướng Trần Đức Lương đã đưa ra quyết định triển khai tổ chức sản xuất trong nước cột góc. Cột chịu lực vốn có thiết kế phức tạp, đồng chí yêu cầu phải đem ra thử tải thực tế, đánh giá biến dạng... Khi đạt yêu cầu kỹ thuật, mới được phép triển khai đại trà. Chính cách chỉ đạo vừa thực tế, vừa tỉ mỉ ấy đã giúp các nhà thầu, đơn vị kỹ thuật từng bước làm chủ công nghệ, nâng cao nội lực của ngành điện Việt Nam trong việc thi công các công trình lớn.
Không chỉ trong thi công, ở khâu đấu thầu mua sắm thiết bị cho dự án đường dây mạch 1 - là đấu thầu quốc tế, Phó Thủ tướng Trần Đức Lương còn yêu cầu các đơn vị tổ chức đấu thầu công khai, minh bạch. Những kết quả đấu thầu lớn đều được ông trực tiếp xem xét, cho ý kiến phê duyệt, đảm bảo chọn được nhà thầu uy tín, chất lượng, tối ưu chi phí đầu tư.
Chủ tịch nước Trần Đức Lương đến tham dự Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày Truyền thống ngành Điện lực Việt Nam và đón nhận huân chương Hồ Chí Minh lần thứ hai, ngày 21/12/2014 tại Hà Nội. Ảnh EVN.
Sau này, khi trở thành Chủ tịch nước, ông Trần Đức Lương vẫn dành nhiều mối quan tâm tới sự phát triển của ngành điện, nhất là thủy điện. Trong chuyến công tác từ ngày 9-12/10/2005 tại tỉnh Sơn La, ông đã thăm các điểm tái định cư tại xã Mường Chụm, huyện Mường La, xã Chiềng Bằng, huyện Quỳnh Nhai và xã Tân Lập, huyện Mộc Châu.
Cố Chủ tịch nước Trần Đức Lương biểu dương tinh thần hy sinh vì lợi ích chung của đồng bào các dân tộc tại các vùng phải di chuyển và cả những nơi tiếp nhận trong việc giải phóng mặt bằng cho công trình xây dựng nhà máy thủy điện Sơn La.
Trong quá trình công tác, cố Chủ tịch nước Trần Đức Lương cũng đã tới thăm công trường xây dựng Nhà máy thủy điện Ialy vào ngày 12/9/1999. Tới năm 2002, khi trở lại thăm cán bộ, nhân viên Nhà máy này, ông đã khẳng định: “Thủy điện Yaly mãi mãi là biểu trưng cho bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nước nhà”.
Với công trình đường dây 500kV mạch 2, ông vẫn dành thời gian nghe chủ đầu tư công trình và các đơn vị thi công báo cáo về quá trình thi công. Điều đó là minh chứng cho sự quan tâm bền bỉ và gắn bó dài lâu của cố Chủ tịch nước Trần Đức Lương với ngành điện lực Việt Nam.
Nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương sau một thời gian lâm bệnh, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, y bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao, sức yếu, đã từ trần vào hồi 22h 51 phút, ngày 20/5 tại nhà riêng, hưởng thọ 88 tuổi.
Để tỏ lòng tiếc thương và tưởng nhớ nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam quyết định tổ chức Lễ tang với nghi thức Lễ Quốc tang.
Linh cữu ông Trần Đức Lương được quàn tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, thành phố Hà Nội. Lễ viếng bắt đầu từ 7h ngày 24/5 đến 7h ngày 25/5. Lễ truy điệu được tổ chức trọng thể lúc 7h ngày 25/5.
Lễ an táng lúc 15h cùng ngày tại Nghĩa trang quê nhà, xã Phổ Khánh, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi.
Dương Hưng - Tuyết Hạnh