Chiên rán đồ ăn bằng dầu ở nhiệt độ quá cao
Đây là sai lầm nguy hiểm nhất. Mỗi loại dầu ăn đều có một "điểm bốc khói" (smoke point) - nhiệt độ mà tại đó dầu bắt đầu bốc khói và phân hủy. Khi dầu đạt đến nhiệt độ này, cấu trúc hóa học của nó bị phá vỡ, sinh ra các chất độc hại như aldehyde, ketone và acrolein.
Các chất này không chỉ làm thức ăn có vị đắng, khét mà còn là nguyên nhân gây ra các bệnh tim mạch, ung thư và các bệnh mãn tính khác. Nên sử dụng các loại dầu có điểm bốc khói cao cho việc chiên rán như dầu hướng dương, dầu đậu nành, dầu hạt cải, hoặc dầu dừa tinh luyện. Sử dụng dầu có điểm bốc khói thấp như dầu ô liu nguyên chất (extra virgin olive oil) để trộn salad hoặc nấu các món ăn ở nhiệt độ thấp.
Sử dụng dầu ăn sai cách cực hại cho sức khỏe nhưng không phải ai cũng biết. Ảnh: Getty Images
Tái sử dụng dầu ăn đã qua chiên rán nhiều lần
Khi dầu được đun nóng nhiều lần, quá trình oxy hóa diễn ra mạnh mẽ hơn, tạo ra gốc tự do và các hợp chất độc hại tích tụ ngày càng nhiều. Các gốc tự do gây tổn thương tế bào, đẩy nhanh quá trình lão hóa và tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư, tim mạch. Do đó, tuyệt đối không tái sử dụng dầu đã chiên rán, đặc biệt là khi dầu đã chuyển màu sẫm hoặc có mùi khét. Dầu đã qua sử dụng nên được xử lý đúng cách và vứt bỏ.
Để dầu ăn tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng và nhiệt độ
Ánh sáng và nhiệt độ cao là "kẻ thù" số một của dầu ăn. Chúng sẽ thúc đẩy quá trình oxy hóa, khiến dầu bị biến chất, có mùi hôi và mất đi các dưỡng chất quý giá. Nên bảo quản dầu ăn ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp. Tủ bếp hoặc ngăn đựng thực phẩm là nơi lý tưởng. Luôn đậy kín nắp chai sau khi sử dụng để ngăn không khí lọt vào.
Lạm dụng dầu ăn trong chế độ ăn: Gánh nặng cho cơ thể
"Dầu thực vật tốt hơn mỡ động vật" không có nghĩa là bạn có thể sử dụng không giới hạn. Dầu ăn vẫn là chất béo và chứa nhiều calo. Lượng chất béo dư thừa trong chế độ ăn sẽ được cơ thể chuyển hóa và tích trữ. Lượng calo nạp vào quá lớn dẫn đến thừa cân, béo phì.
Hơn nữa, việc tiêu thụ quá nhiều chất béo, kể cả chất béo không bão hòa, có thể làm tăng gánh nặng cho gan và hệ tiêu hóa, gây ra các bệnh chuyển hóa như gan nhiễm mỡ không do rượu và làm rối loạn chuyển hóa lipid. Theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi người trưởng thành chỉ nên dùng khoảng 20-30ml dầu ăn mỗi ngày (khoảng 4-6 thìa cà phê).
Không để dầu nóng đủ rồi mới cho thực phẩm vào
Khi dầu nóng già, một lớp "áo giáp" nhiệt sẽ nhanh chóng hình thành trên bề mặt thực phẩm, ngăn chặn dầu ngấm sâu vào bên trong. Nếu dầu chưa đủ nóng, nhiệt độ thấp sẽ kéo dài thời gian nấu, khiến thực phẩm hấp thụ dầu như một miếng bọt biển. Nên đợi dầu nóng già rồi mới cho thực phẩm vào. Bạn có thể kiểm tra bằng cách nhúng một đầu đũa vào dầu. Nếu thấy có bọt khí sủi lên xung quanh đầu đũa, dầu đã sẵn sàng.
CTV Thu Phương/VOV.VN (Biên dịch) Theo Food Republic