Dấu ấn Hà Nội tạo đà vững bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc (Bài 1)

Dấu ấn Hà Nội tạo đà vững bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc (Bài 1)
16 giờ trướcBài gốc
Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô khu vực phía Tây Thành phố Hà Nội dần hình thành sau 1 năm khởi công. Ảnh: TL.
BÀI 1: ĐỘT PHÁ VỀ HẠ TẦNG LÀ ƯU TIÊN HÀNG ĐẦU
Để đạt chỉ tiêu tăng trưởng của nhiệm kỳ 2020-2025, Hà Nội tiếp tục tập trung đầu tư phát triển hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông và hạ tầng số, trong đó chú trọng đẩy nhanh tiến độ Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô và các tuyến đường sắt đô thị. Thành quả đầu tư, phát triển ukết cấu hạ tầng, trong đó hạ tầng giao thông là dấu ấn rõ nét cho thấy cụ thể hóa khâu đột phá chiến lược về hạ tầng ở Thủ đô Hà Nội đã đi đúng hướng, tạo “đường lớn” cho “con tàu” kinh tế - xã hội cất cánh.
Đường lớn đã mở…
Tại Hội thảo tham vấn ý kiến đối với Quy hoạch thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 diễn ra đầu năm 2024, nhiều ý kiến cho rằng đột phá về hạ tầng là ưu tiên hàng đầu để dẫn dắt các đột phá khác. Các ý kiến khẳng định, hạ tầng là một điểm nghẽn lớn, nếu không có giải pháp đột phá, Hà Nội sẽ tiếp tục rơi vào tình trạng ách tắc giao thông, khó có thể trở thành đô thị thông minh, hiện đại. Do đó, Quy hoạch Thủ đô cần tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là giải quyết ách tắc giao thông, khai thác mạnh không gian ngầm, đường sắt đô thị, các hình thức giao thông công cộng khác…
Hà Nội đóng góp 13% GDP cả nước và 43% GDP của vùng. Bởi thế, quy hoạch cần xác định rõ Hà Nội đang ở đâu trong tiến trình thực hiện mục tiêu Đại hội XIII của Đảng đề ra đến năm 2030 đưa nước ta trở thành nước thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 sẽ trở thành nước có thu nhập cao? Làm rõ được vai trò này không chỉ cho riêng Hà Nội, mà còn có ý nghĩa với cả nước.
Hiện nay, chỉ riêng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm Ngành Giao thông vận tải đã chỉ đạo 25 dự án với 75 dự án thành phần, có những công trình quy mô vốn rất lớn, trong đó có Dự án Vành đai 4 – Vùng Thủ đô. Khai thông ùn tắc giao thông, Hà Nội chủ động thực hiện nhiều giải pháp. Nhiều tuyến đường vành đai, trục hướng tâm, cầu vượt được đầu tư hình thành hệ thống giao thông đường bộ khép kín. Hàng loạt dự án giao thông lớn, nhỏ được thực hiện đã trực tiếp kết nối trung tâm với các vùng ngoại ô. “Đường mở tới đâu, đô thị theo tới đó”, chẳng khó để thấy sự phát triển vượt bậc của hạ tầng giao thông khởi sắc cho bộ mặt đô thị, tình trạng ùn tắc giao thông được cải thiện đáng kể. Hình ảnh Hà Nội xưa với 36 phố phường, 5 cửa ô nay được điểm thêm hình ảnh những tuyến cao tốc, đại lộ thênh thang; những cây cầu vươn mình mạnh mẽ vắt qua sông Hồng. Từ chỗ chỉ có cây cầu di sản Long Biên được xây dựng từ thời Pháp, cầu Chương Dương và Thăng Long được khánh thành năm 1985, đến nay, Hà Nội đã có nhiều cây cầu lớn, như Thanh Trì, Vĩnh Tuy, Nhật Tân, Đông Trù, Vĩnh Thịnh… Với tầm nhìn dài hạn, Hà Nội đã phát triển tuyến đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô. Khi tuyến đường hình thành và được khai thác kết nối Hà Nội với các địa phương xung quanh sẽ mở đường cho các đô thị vệ tinh, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa,tạo xung lực cho nền kinh tế cất cánh.
Hằng năm, Hà Nội dành 50% nguồn lực đầu tư cho hệ thống giao thông vận tải, cơ chế chính sách đầu tư tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông. Hà Nội có chương trình phát triển riêng cho giao thông đô thị, các danh mục theo từng nhiệm kỳ, giai đoạn đầu tư ngày càng có chất lượng. Đặc biệt, nhiệm kỳ này, Hà Nội nhận được sự ủng hộ rất cao của Chính phủ, chủ động đề xuất, phối hợp cùng các tỉnh sử dụng nguồn ngân sách đầu tư xây dựng Vành đai 4 - tuyến đường liên vùng có ý nghĩa quan trọng không chỉ với phát triển kinh tế - xã hội mà còn với an ninh quốc phòng của Vùng Thủ đô.
Dồn lực cho đột phá
Theo đồng chí Bùi Văn Sáng, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai, Dự án đường vành đai 4 có ảnh hưởng đến 86 ha đất của 6 xã với khoảng 1.700 hộ và chiều dài 7,9 km của huyện Thanh Oai, trong đó 76 ha là đất nông nghiệp và 10 ha là đất phi nông nghiệp. Trong 10 ha đất phi nông nghiệp, có hơn 2 ha là đất nghĩa trang, cần phải di dời hơn 500 ngôi mộ. Với đặc thù là dự án trọng điểm được sự quan tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, áp lực về tiến độ và có những việc chưa có tiền lệ như việc thực hiện việc bồi thường, giải phóng mặt bằng thành dự án riêng. Đây là khối lượng công việc lớn, phải hoàn thành trong 1 thời gian ngắn và được xác định là công việc then chốt của then chốt, quyết định đến tiến độ toàn dự án. Khối lượng công việc nhiều, trong khi quá trình triển khai cho thấy cơ chế, chính sách có nhiều chồng chéo, hệ thống hồ sơ địa chính chính quy chưa bảo đảm… Khó khăn nhiều, áp lực lớn đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và trước hết là trách nhiệm, quyết tâm của cấp ủy, người đứng đầu với tinh thần và hành động quyết liệt.
Chúng tôi về xã Cự Khê (Thanh Oai) là địa bàn đường Vành đai 4 chạy qua đất khu dân cư và khu nghĩa trang, phải thực hiện tiếp hai dự án thành phần là dự án di chuyển nghĩa trang và dự án tái định cư. Điều đó đặt ra những khó khăn, áp lực quá lớn trong quá trình thực hiện về tiến độ cũng như khối lượng và tính chất công việc. Bởi lẽ, việc di chuyển mộ là công việc liên quan đến yếu tố tâm linh. Theo phong tục tập quán, mồ mả đang yên ổn, con cháu làm ăn phát đạt thì tâm lý người dân không muốn động chạm đến mồ mả tổ tiên. Nhiều hộ gia đình, nhiều dòng họ có các ngôi mộ cổ nên việc triển khai phải trải qua nhiều khâu vận động, họp bàn liên quan đến các nhánh, chi, dòng họ. Quyết định thu hồi diện tích đất còn lại của 11 hộ dân tại thôn Thượng, xã Cự Khê để phục vụ cho dự án tái định cư của đường Vành đai 4 gặp nhiều khó khăn do trước đó, khu vực thôn Thượng đã phải thu hồi trên 90% diện tích đất nông nghiệp để phục vụ cho dự án Khu đô thị Thanh Hà, người dân còn rất ít đất canh tác. Họ cơ bản không đồng tình với việc thu hồi đất, do giá bồi thường thấp và muốn giữ lại một phần diện tích đất để phục vụ cho phát triển sau này… Trước thực tế đó, Đảng ủy xã xác định đây là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, cấp bách, đòi hỏi sự nỗ lực cao không chỉ đội ngũ cán bộ thực thi mà là nỗ lực, quyết tâm rất lớn của toàn hệ thống chính trị trong tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận của nhân dân với một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nói chung và Đảng bộ TP. Hà Nội nói riêng.
Quyết tâm cao khi triển khai thực hiện Dự án, Ban Thường vụ Đảng ủy xã ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng, xây dựng quy chế hoạt động và phân công cho các thành viên cụ thể. Đồng chí Phó Chủ tịch phụ trách, chịu trách nhiệm về kết quả kiểm đếm, xác định nguồn gốc đất và tài sản, trực tiếp tiếp nhận đơn, thư, giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo. Hai đồng chí Phó Bí thư là Phó Ban chỉ đạo, trong đó đồng chí Phó Bí thư Thường trực là Tổ trưởng Tổ tuyên truyền, vận động; đồng chí Phó Bí thư là Chủ tịch UBND xã chịu trách nhiệm chung toàn diện về mặt triển khai nhiệm vụ. Hằng ngày, đồng chí Bí thư Đảng ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo luôn bám sát, trao đổi với các bộ phận để giải quyết những khó khăn, vướng mắc, đề xuất bảo đảm kịp thời tiến độ. Ban Chỉ đạo thực hiện giao ban hằng tuần kiểm đếm công việc theo kế hoạch trong tuần.
Đồng chí Võ Quốc Trị, Phó Chủ tịch UBND xã Cự Khê cho biết, hiện nay còn lại một khối lượng nhỏ nhưng phức tạp là đất phi nông nghiệp, bao gồm 16 hộ đất vườn và 22 hộ đất ở. Do sự thay đổi từ Luật Đất đai 2013 sang Luật Đất đai mới có hiệu lực từ tháng 8-2024 phải làm lại quy trình với 38 trường hợp bởi theo Nghị định 88 của Chính phủ, tất cả những dự án chưa phê duyệt phương án bồi thường hoặc chưa có quyết định thu hồi đất phải triển khai làm lại quy trình để bảo đảm quyền lợi của người sử dụng đất, quyền hợp pháp của Nhà nước và doanh nghiệp.
Khi phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, câu chuyện về giải phóng mặt bằng luôn là vấn đề khó khăn nhất. Trong quá trình triển khai, Huyện ủy Thanh Oai đã mời Ủy ban Kiểm tra Thành ủy và các cơ quan chức năng vào cùng giám sát. UBND TP. Hà Nội đã ban hành Quyết định 3956/QĐ-UBND về việc ban hành bổ sung một số cơ chế, chính sách phục vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô (đoạn trên địa bàn TP. Hà Nội). Điều đó cho thấy nỗ lực, quyết tâm triển khai thực hiện Dự án yêu cầu không chỉ về khối lượng công việc, tiến độ thời gian mà còn là chuyên môn, năng lực của đội ngũ cán bộ thực thi. Vừa qua, cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP. Hà Nội khởi tố 3 bị can là cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường và Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Thanh Oai do sai phạm trong quá trình bồi thường, giải phóng mặt bằng cho thấy quyết tâm không bao che vi phạm, sai đến đâu phải thực hiện sửa chữa đến đó.
Làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm
Tinh thần “vượt nắng, thắng mưa”, “làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm” đã lan tỏa trong đội ngũ cán bộ cơ sở thực hiện nhiệm vụ cũng như trên các công trường xây dựng Dự án đường Vành đai 4. Những ngày tháng 7, dù thời tiết nắng nóng, nhưng trên các công trường không khí làm việc luôn hết sức khẩn trương. Từ khi khởi công dự án, dù trong dịp nghỉ lễ, tết, công nhân luôn hối hả thi công để hoàn thành Dự án đúng tiến độ.
Đồng chí Phạm Kim Loan, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Cự Khê, Tổ trưởng Tổ tuyên truyền của Dự án đường Vành đai 4 chia sẻ với chúng tôi về nỗ lực, quyết tâm cao của đội ngũ cán bộ cơ sở. Theo đồng chí, với tính chất quan trọng của Dự án, Đảng ủy xã xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện với lộ trình cụ thể cho từng năm. Vì thế, theo nhiệm vụ được phân công, Tổ công tác cũng phải có phương án thực hiện phù hợp tiến độ và mục tiêu đề ra. Làm việc với người dân không chỉ có nguyên tắc, văn bản, giấy tờ hay các quy định, người cán bộ phải vào vai của người dân, tức là người bị ảnh hưởng quyền lợi trực tiếp để từ đó trên cơ sở quy định của pháp luật cố gắng áp dụng chế độ, chính sách cho người dân thật đầy đủ, chính xác, công khai, công bằng, đúng quy định của pháp luật.
Năm 2023, Đảng ủy xã Cự Khê đặt ra mục tiêu phải di dời dân, thu hồi hơn 20.000 mét vuông đất để xây dựng nghĩa trang mới và vận động người dân di dời mộ ra nghĩa trang này. Việc triển khai ban đầu gặp rất nhiều khó khăn khi người dân chưa có sự đồng thuận cao. Nắm bắt tình hình, Tổ đã họp chia làm bốn tổ nhỏ, mỗi tổ gồm 3 - 4 thành viên, phối hợp với khu dân cư, đi từng nhà, rà từng ngõ, sử dụng nhiều cách thức khác nhau từ việc thông qua việc phát huy tốt vai trò của người có uy tín, trưởng dòng họ, sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên để tháo gỡ vướng mắc cho đến việc đến từng hộ gia đình để vận động, tuyên truyền. Buổi đầu đến, người dân không tiếp, thành viên Tổ tiếp tục thực hiện buổi thứ hai, buổi thứ ba, buổi thứ tư với phương châm kiên trì và thấu hiểu, chia sẻ, bất kể ngày đêm, mưa gió. “Huyện ủy chỉ đạo cố gắng việc di chuyển mồ mả được thực hiện trước Tết Nguyên đán. Đến ngày Ông Công Ông Táo chúng tôi vẫn kiên nhẫn đi từng nhà, thậm chí mời sư thầy nhà chùa đến cùng vận động và tổ chức làm lễ. Người dân thấy cấp ủy, chính quyền quan tâm, chia sẻ nên đã đồng thuận. Từ 1, 2 hộ và lan tỏa, cuối cùng 200 hộ ở thôn Hạ cũng đã đồng thuận cao với chủ trương của Đảng, Thành phố và huyện, xã. Việc di chuyển mồ mả thường được thực hiện trước Tết cổ truyền, tuy nhiên vẫn có một số mộ thuộc dòng họ phải họp bàn nhiều chi, nhánh trong họ nên việc di dời không thực hiện được hết trước Tết, chuyển sang đầu năm mới. Điều này cho thấy kết quả nỗ lực, kiên trì không mệt mỏi của cán bộ và sự đồng thuận, ủng hộ của người dân với chủ trương của Đảng, Nhà nước”, đồng chí Phó Bí thư Thường trực khẳng định.
Năm 2024, mục tiêu đặt ra là thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng để thực hiện Dự án khu tái định cư với tính chất và đặc thù khác, khó khăn hơn. Bởi vậy, phương pháp và cách thức tuyên truyền của Tổ cũng có những đổi mới để phù hợp tình hình. Với Dự án quan trọng này, người dân đồng tình với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước nhưng có rất nhiều ý kiến chưa đồng thuận về giá bồi thường. Trước yêu cầu nhiệm vụ mới, Tổ công tác tiếp tục đề nghị với xã tổ chức hội nghị lấy ý kiến có sự tham gia của cán bộ xã qua các thời kỳ cũng như một số các ông, bà có uy tín. Sau đó tách ra tuyên truyền, vận động từng hộ gia đình, nhất là những gia đình có cán bộ, đảng viên làm trước, tạo hiệu ứng lan tỏa. Đồng chí Nguyễn Hữu Thạch, Trưởng thôn Thượng, xã Cự Khê chia sẻ: Nhớ nhất việc thực hiện tuyên truyền ở Dự án tái định cư, hầu như toàn vào ngày mưa và đêm tối, rất vất vả nhưng với tinh thần hài hòa lợi ích giữa các bên, vì sự phát triển của Thủ đô và nguyện vọng, tâm tư của nhân dân nên mỗi người đều cố gắng hết sức.
Đồng chí Đỗ Văn Chiến, Phó Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Thanh Oai khẳng định:Đối với cán bộ, đặc biệt cán bộ cơ sở, đây là một dự án đặc biệt. Cán bộ từ huyện đến xã làm việc không có ngày nghỉ, không kể nắng, mưa thực hiện nhiệm vụ, bảo đảm tiến độ ngắn với khối lượng công việc lớn, khó khăn. Anh em phải làm việc với quyết tâm lớn và khả năng phối hợp đồng bộ giữa các ngành.
Thực tiễn cho thấy, khi đã có đường lối chính sách đúng, việc triển khai tổ chức thực hiện và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị là yếu tố quyết định để chủ trương đó có đi được vào cuộc sống hay không. Kết quả thực hiện Dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô được xem là “thước đo” năng lực lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp. Với tinh thần quyết liệt, thần tốc, dám nghĩ, dám làm, riêng huyện Thanh Oai đã phê duyệt phương án đền bù, giải phóng mặt bằng được 100 % và triển khai di dời 503 mộ, xây dựng, cải tạo, chỉnh trang nghĩa trang và khu tái định cư, đã tổ chức bàn giao cho Nhà nước được 84 hec-ta, đạt 97% tổng diện tích đất đã thu hồi. Đây là kết quả quyết liệt, đổi mới tư duy, phong cách lãnh đạo của Đảng vừa toàn diện, vừa xác định rõ trọng tâm, trọng điểm, lựa chọn đúng, trúng vấn đề cần tập trung chỉ đạo; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân.
Đồng chí Lê Tuấn Tú, Phó Trưởng phòng Thực hiện dự án 2 của Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông TP. Hà Nội cho biết, Dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô là dự án đặc biệt, lớn nhất từ trước đến nay của Ban Giao thông. Trước yêu cầu nhiệm vụ cao, Lãnh đạo Ban đã quán triệt đến toàn thể cán bộ liên quan đến công tác triển khai dự án, từng cán bộ phải nâng cao ý thức trách nhiệm, vào cuộc quyết liệt, sát sao, trang bị thêm kiến thức, kỹ năng để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Tuy nhiên, để quản lý một dự án lớn, ngoài việc nâng cao trình độ, năng lực, công tác phối hợp với các địa phương và các bộ, ngành rất quan trọng. Đến nay Dự án bảo đảm về tiến độ đề ra. Cụ thể, chúng tôi đang tổ chức thi công 32 mũi, trong đó có 9 mũi thi công cầu và 23 mũi thi công đường. Các mũi thi công hiện nay tổ chức thi công đồng loạt và cơ bản đáp ứng tiến độ.
Với những kết quả đạt được trong thực hiện đột phá về hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là những chuyển biến mạnh mẽ trong xây dựng và phát triển hạ tầng giao thông thời gian qua, nhân dân Hà Nội đặt niềm tin, sự kỳ vọng vào trí tuệ, ý chí, sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền các cấp Thủ đô để khắc phục những hạn chế, hiện thực hóa mục tiêu, kế hoạch nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố đề ra.
(Còn nữa)
Diệp Chi
Nguồn Xây Dựng Đảng : http://www.xaydungdang.org.vn/nghi-quyet-va-cuoc-song/dau-an-ha-noi-tao-da-vung-buoc-vao-ky-nguyen-vuon-minh-cua-dan-toc-bai-1-22224