Kỳ I: Tạo đột phá trong phát triển giao thông nông thôn
Tuyến đường GTNT ở khu 10, xã Phù Ninh, huyện Phù Ninh đưa vào sử dụng tạo sự thuận tiện trong việc đi lại cho người dân.
Được sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của tỉnh với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, hệ thống đường giao thông nông thôn (GTNT) trên địa bàn tỉnh ngày càng hoàn thiện, đồng bộ, tạo đà thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Đặc biệt, nhiều dự án đầu tư xây dựng, cải tạo, mở rộng, mạng lưới đường GTNT được hoàn thiện đã kết nối các địa bàn vùng sâu, vùng xa, nông thôn, miền núi với các tuyến tỉnh lộ, quốc lộ, cao tốc... tạo nên diện mạo nông thôn mới với nhiều gam màu tươi sáng.
Ý Đảng - lòng dân hòa nhịp
Cụ thể hóa Kế hoạch số 4371/KH-UBND của UBND tỉnh ngày 28/9/2021 về “Kiên cố hóa đường GTNT trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025” với mục tiêu tiếp tục đầu tư phát triển và quản lý hệ thống đường GTNT đảm bảo thông suốt, đồng bộ, cứng hóa, bền vững, đạt chuẩn về cấp hạng và kết nối liên hoàn với hệ thống đường huyện, đường tỉnh và quốc lộ, nhằm phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; góp phần hoàn thành tiêu chí về giao thông trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Theo đó, các huyện, thành, thị tăng cường huy động mọi nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông gắn với tiêu chí xây dựng NTM, duy trì phong trào phát triển GTNT, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu NTM giai đoạn 2020-2025.
Về khu 10, xã Phù Ninh, huyện Phù Ninh vào những ngày đầu tháng 4, đi trên những con đường bê tông trải dài, nối liền từ đường quốc lộ 2 đến nhà văn hóa và các hộ dân, chúng tôi cảm nhận rõ sự “thay da đổi thịt” của diện mạo xã NTM. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, trước đây, con đường này là đường đất, rất nhỏ hẹp, đi lại vất vả nên người dân trong khu đều mong muốn được đầu tư xây dựng con đường mới, phát huy tinh thần cộng đồng trách nhiệm và hơn hết là của khát khao đổi mới của chính người dân nơi đây.
Ông Nguyễn Văn Huấn - Bí thư Chi bộ, Trưởng khu dân cư số 10 vui mừng cho biết: “Chi bộ đã lấy việc vận động Nhân dân hiến đất làm đường là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để lãnh đạo, chỉ đạo; đồng thời, đưa nội dung này vào các cuộc sinh hoạt chi bộ, họp dân để thảo luận, bàn bạc gắn với phương châm “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Cùng với đó, kết hợp giữa hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước với đóng góp của Nhân dân, để vừa tạo động lực cho dân, vừa khơi nguồn lực trong dân. Chỉ sau gần 1 năm thi công, tuyến đường liên khu dân cư số 10 có chiều dài 900m đã được hoàn thành từ nguồn hỗ trợ 250 tấn xi măng của huyện cùng sự đồng thuận của 60 hộ dân hiến đất và trên 300 hộ dân ủng hộ với số tiền trên 1,7 tỷ đồng”.
Từ sự đồng thuận, đồng lòng của người dân những con đường mới được hình thành như nối dài thêm niềm vui, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, tạo nên diện mạo nông thôn khởi sắc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đồng chí Lê Phúc Tuất - Trưởng phòng Kinh tế, Hạ tầng và Đô thị huyện Phù Ninh thông tin: “Với quan điểm là gần dân, trọng dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, đặc biệt việc huy động nguồn lực từ Nhân dân, công tác phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu lưu thông, giao lưu tiêu thụ hàng hóa. Đến nay, huyện đã có 16/16 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; thị trấn Phong Châu đạt chuẩn đô thị văn minh. Quan trọng nhất là 100% số xã có đường ô tô kết nối với các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ”.
Không chỉ ở Phù Ninh, tại huyện miền núi Thanh Sơn có trên 60% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều năm nay, khó khăn về giao thông như một “nút thắt” trong sự phát triển của huyện cũng như đời sống của người dân. Huyện đã ưu tiên thực hiện các chính sách đầu tư, huy động nguồn lực cho hệ thống hạ tầng thiết yếu, trọng tâm là hạ tầng GTNT. Đây là “mấu chốt” quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn huyện. Từ năm 2021 đến nay, huyện Thanh Sơn đã huy động hơn 318 tỷ đồng phát triển GTNT. Đáng chú ý, Nhân dân đã đóng góp hơn 13 tỷ đồng và huy động xã hội hóa hơn 60 tỷ đồng làm đường bê tông, tỷ lệ đường GTNT cứng hóa đạt gần 80%.
Với sự vào cuộc tích cực của các huyện, thành, thị đã góp phần tạo mạng lưới GTNT đồng bộ. Các tuyến đường GTNT được đầu tư theo mô hình Nhà nước và Nhân dân cùng làm đã minh chứng rõ nét trong việc huy động nguồn vốn xã hội hóa; phát huy vai trò giám sát của cộng đồng; trong đó, người dân được làm chủ, góp phần thay đổi diện mạo khu vực nông thôn, kéo giảm khoảng cách, chênh lệch vùng, miền trong tỉnh.
Các tuyến đường liên xã tại huyện Thanh Ba được đầu tư xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế xã hội.
Giao thông “đi trước mở đường”
Bài học từ thực tiễn là thành công trong xây dựng NTM của nhiều địa phương, đó là “mở đường” sẽ mở ra diện mạo NTM văn minh; mở hướng cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và kỳ vọng đổi thay cuộc sống người dân.
Xác định tiêu chí số 2 về giao thông trong Bộ tiêu chí Quốc gia xây dựng NTM là tiêu chí khó, thời gian qua, từ tỉnh đến cơ sở đã thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó, công tác phát triển GTNT đã được Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2021-2025 đưa vào Nghị quyết chỉ đạo lồng ghép với tiêu chí xây dựng NTM, đó là: “Đến năm 2025, đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM đạt 45% trở lên (6 huyện); 65% số xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; trong đó, số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, nâng cao đạt 20% trở lên (26 xã)”.
Là huyện thứ 2 của tỉnh đạt chuẩn NTM, huyện Thanh Thủy có hệ thống đường giao thông liên tỉnh, huyện, xã và GTNT rất thuận lợi với tổng chiều dài trên 856km. Hiện tỷ lệ cứng hóa đường GTNT của huyện đạt trên 93%. Cùng với huy động, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia hiến đất, tài sản, giải phóng mặt bằng, bàn giao đơn vị thi công đảm bảo đúng tiến độ.
Đồng chí Lê Trọng Đức - Trưởng phòng Kinh tế Hạ tầng và Đô thị huyện cho biết: Nhờ sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, công tác phát triển GTNT trên địa bàn huyện đã đạt kết quả khá toàn diện. Kết cấu hạ tầng giao thông phát triển mạnh, nhiều công trình GTNT được xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, tăng tỷ lệ cứng hóa các loại đường GTNT. Bên cạnh đó, tăng cường công tác bảo trì sau đầu tư; xây dựng các quy định, quy chế cụ thể về quản lý, bảo trì đường GTNT; phát huy vai trò giám sát cộng đồng tại khu dân cư... tạo “tiền đề” quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội.
Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM gắn với phát triển nhanh kết cấu hạ tầng giao thông với phương châm “đi trước một bước” đã nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sâu sát, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền, sự tham gia tích cực của người dân; vận dụng sáng tạo cơ chế, chính sách, có phương thức huy động nguồn lực phù hợp để hỗ trợ cho chương trình, đáp ứng các tiêu chí NTM theo quy định.
Tính đến hết năm 2024, toàn tỉnh đã có 6 huyện, 141 xã đạt chuẩn NTM, 22 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, kiểu mẫu. Phát huy những kết quả đã đạt được, bằng tất cả ý chí, bản lĩnh, quyết tâm, sức sáng tạo kết thành những con đường GTNT, mở ra hướng phát triển mới. Tại mỗi địa phương sẽ có những cách làm, điều hành, quản lý để khai thác tiềm năng, lợi thế, hướng chung về một ý chí, mục tiêu theo tinh thần “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”. Theo thống kê của Sở Xây dựng, tính đến hết quý I/2025, tỷ lệ đường GTNT trên địa bàn toàn tỉnh được kiên cố hóa đạt trên 83%; dự kiến thực hiện cả năm 2025 đạt 85%, vượt so với mục tiêu nghị quyết của Đảng bộ tỉnh đề ra (mục tiêu đạt 80%).
Những định hướng phát triển hệ thống GTNT trong thời gian tới tiếp tục là chủ trương kịp thời hợp lòng dân, góp phần nâng cao chất lượng các tiêu chí giao thông hiện đại; đồng thời, cũng là “tiền đề” để phát triển hệ thống giao thông kết nối đồng bộ, hiện đại, rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, miền núi với đồng bằng, thu hút nhiều nhà đầu tư, các ngành kinh tế có quy mô mở rộng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh một cách toàn diện.
Kỳ II: Phát triển giao thông kết nối để Đất Tổ “vươn mình”
Nhóm phóng viên kinh tế