Dấu ấn không thể nào phai

Dấu ấn không thể nào phai
5 giờ trướcBài gốc
Ông Trần Trí Trác - người đã từng chứng kiến công tác chuẩn bị cho việc đón tiếp đồng bào miền Nam tập kết.
Về Sầm Sơn những ngày cuối tháng 10, khi dư âm của Lễ kỷ niệm 70 năm đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc, vẫn còn đọng lại trên khắp phố phường. Theo lời giới thiệu từ Ban Tuyên giáo Thành ủy, chúng tôi tìm gặp ông Trần Trí Trác, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Sầm Sơn - người đã từng chứng kiến mọi công tác chuẩn bị để sẵn sàng cho việc đón tiếp đồng bào tập kết. Ông kể: "Ngày ấy tôi là Bí thư chi đoàn phụ trách thiếu niên của xã Quảng Tiến, huyện Quảng Xương (nay là TP Sầm Sơn), được giao nhiệm vụ vận động các thanh, thiếu niên trên địa bàn tham gia đón tiếp đồng bào tập kết. Tôi vẫn nhớ như in cái không khí nhộn nhịp, hối hả khi cả xã Quảng Tiến trở thành một đại công trường. Bà con khắp các huyện, thị tập trung về, cùng chung sức xây dựng các lán trại, cầu, nhà điều dưỡng, nhà đón tiếp để đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, thương, bệnh binh, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc. Trong thời gian ngắn khoảng chừng 1 tháng, mọi việc đã cơ bản hoàn tất. Khi chuyến tàu đầu tiên chở đồng bào, chiến sĩ, học sinh tập kết, không khí đón tiếp hết sức rầm rộ, trống rong cờ mở. Mọi người hô vang các khẩu hiệu “Hoan nghênh đồng bào tập kết”, “Miền Bắc - miền Nam là một” và gương mặt mọi người đều hiện lên niềm vui, xúc động".
Với lợi thế về vị trí, nơi có sông Mã đổ ra biển qua cửa Lạch Hới, do đó, TP Sầm Sơn vinh dự được Đảng, Bác Hồ lựa chọn làm địa điểm đầu tiên đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc năm 1954. Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, hàng trăm người con các xã khu vực Sầm Sơn đã được huy động, để cùng với bà con trong tỉnh khẩn trương xây dựng các công trình. Trong đó, Khu tiếp đón gồm 2 lán, gồm Khu lán A dài 500m, rộng 30m dọc bến xóm Toàn đến Thành Lập, xã Quảng Tiến (cách khu vực xây dựng Khu lưu niệm tượng đài ngày nay hơn 300m về phía Đông). Khu lán B nằm về phía Tây xóm Phúc (là khu vực tiếp giáp đường Hoàng Ngân, con đường Ký ức và Đại lộ Nam Sông Mã, thuộc tổ dân phố Phúc Đức, phường Quảng Tiến ngày nay).
Ngày 25/9/1954, Nhân dân Sầm Sơn được vinh dự đón chuyến tàu đầu tiên chở cán bộ, chiến sĩ, đồng bào và các cháu học sinh miền Nam cập bến. Tàu vào đến khu vực Cửa Hới, xã Quảng Tiến (nay là phường Quảng Tiến), cán bộ, chiến sĩ, đồng bào và các cháu học sinh miền Nam tiếp tục di chuyển vào bờ trên cầu phao được làm bằng luồng. Người dìu, người cõng đồng bào bị say sóng, trẻ em vào các khu lán và chăm sóc. Có những khi cửa Lạch Hới bị cạn, những chiếc tàu lớn không cập được cảng, phải neo cách bờ 1 - 2 hải lý, cấp ủy, chính quyền địa phương đã huy động các loại tàu, thuyền đánh cá của ngư dân để đưa đồng bào vào bờ. Có những chuyến tàu với số lượng người nhiều, phải mất 2 ngày mới chở hết đồng bào vào đất liền.
Ngày ấy, mặc dù đời sống của Nhân dân cả nước nói chung, Nhân dân Thanh Hóa, Sầm Sơn nói riêng hết sức khó khăn, nhưng Sầm Sơn cùng với cả tỉnh đã ra sức chuẩn bị cơ sở vật chất, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết để đón tiếp đồng bào tập kết như đón những người thân, với tình cảm ruột thịt “Nam - Bắc một nhà”. Đây không chỉ là trách nhiệm mà còn là tình cảm sâu sắc của Thanh Hóa nói chung, Sầm Sơn nói riêng dành cho đồng bào miền Nam. Cũng nhờ vậy mà việc sinh hoạt, ăn, uống của đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc luôn được bảo đảm.
Đồng bào được bố trí ở tại các lán trại. Nhưng khi các lán trại đã hết chỗ, đồng bào được gửi đến các nhà dân xung quanh khu vực lán trại để ở tạm vài ngày trước khi chuyển về các địa phương khác trong tỉnh và các tỉnh phía Bắc để học tập, rèn luyện, công tác. Nhưng với một số thương binh nặng, phải ở lại dưỡng thương lâu hơn thì nhiều gia đình thuộc xã Quảng Tiến đã nhận trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc thương, bệnh binh, trong đó có những trường hợp phải ở lại trong thời gian dài nhưng vẫn được bà con chăm sóc tận tình. Cùng với nhiệm vụ đón tiếp, chăm sóc, nhiều người con của Sầm Sơn đã tham gia giảng dạy học sinh miền Nam trên đất Bắc. Điển hình trong đó phải kể đến thầy giáo Đàm Lê Cẩn (người xã Quảng Tường, nay là phường Trung Sơn), thầy giáo Lê Vạn Phiên (thôn 5, xã Quảng Hùng)... Họ là những người đã góp phần ươm mầm, nuôi dạy những “hạt giống đỏ” trên đất Bắc.
Việc đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc diễn ra trong 7 đợt, từ ngày 25/9/1954 đến ngày 1/5/1955. Sầm Sơn đã đón tiếp và chăm sóc ân cần cho 1.869 thương, bệnh binh, 47.346 cán bộ, 5.922 học sinh và 1.443 gia đình cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc. Sau học tập, rèn luyện, những cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc ngày ấy đã tham gia và có những cống hiến to lớn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhiều người đã trở thành những cán bộ lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; các tướng lĩnh, nhà khoa học, văn nghệ sĩ, nhà báo nổi tiếng, nhiều doanh nhân tài ba, Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động... Trong số đó có nhiều đồng bào đã chọn Sầm Sơn trở thành quê hương như ông Bùi Nhì (quê Bình Định), nguyên là Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Quảng Châu (nay là phường Quảng Châu); gia đình ông Trần Bá Sự (quê Quảng Nam), con cháu là những doanh nhân thành đạt... Họ đã sinh sống, công tác và có những cống hiến góp phần xây dựng và phát triển quê hương Sầm Sơn ngày càng văn minh, giàu đẹp.
70 năm đã trôi qua, nhưng sự kiện đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc ngày ấy vẫn in đậm trong tâm trí nhiều người dân Sầm Sơn. Để rồi, tình cảm thiêng liêng và sâu sắc ấy sẽ luôn thấm đẫm trong những trang sử phát triển của Sầm Sơn từ trong quá khứ cho đến hôm nay và mai sau...
Bài và ảnh: Trường Giang
Nguồn Thanh Hóa : http://baothanhhoa.vn/dau-an-khong-the-nao-phai-228816.htm