Dấu ấn kỳ họp lịch sử - Bài 5: Dấu ấn của Bộ Quốc phòng trong dòng chảy lịch sử (Tiếp theo và hết)

Dấu ấn kỳ họp lịch sử - Bài 5: Dấu ấn của Bộ Quốc phòng trong dòng chảy lịch sử (Tiếp theo và hết)
12 giờ trướcBài gốc
Đáp ứng kịp thời, cấp thiết yêu cầu của thực tiễn
Với tinh thần chủ động, khẩn trương, Bộ Quốc phòng đã xây dựng phương án một luật sửa 11 luật về quân sự, quốc phòng bảo đảm đầy đủ cơ sở chính trị, pháp lý, thực tiễn, trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XV. Việc Quốc hội thông qua luật là cơ sở pháp lý quan trọng để sắp xếp tổ chức quân sự địa phương. Theo đó, tổ chức Quân đội đã được sắp xếp theo hướng tinh, gọn, hiệu quả, hiệu lực, bảo đảm phù hợp với chính quyền địa phương hai cấp.
Lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Việt Nam xuất quân lên đường làm nhiệm vụ tại Nam Sudan và khu vực Abyei. Ảnh: VIỆT TRUNG
Theo đánh giá của đại biểu Quốc hội, những nội dung trọng tâm của luật thể hiện tinh thần đổi mới, phù hợp với yêu cầu cải cách hành chính và kiện toàn LLVT nhân dân trong tình hình mới. Đây là một bước đi kịp thời, cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn và quy trình vận động nhanh của tình hình quốc phòng khu vực và trên thế giới hiện nay. Đặc biệt, trong bối cảnh các địa phương đang thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp và sắp xếp đơn vị hành chính, LLVT cũng được sắp xếp theo hướng tinh, gọn, mạnh, hiện đại. Việc sửa đổi, bổ sung 11 luật trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng có đầy đủ cơ sở chính trị, pháp lý, thực tiễn và sự cần thiết rất rõ ràng, khách quan.
Liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung 11 luật về quân sự, quốc phòng, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nêu rõ quan điểm, luật quy định những vấn đề lớn, bao quát còn những vấn đề cụ thể sẽ được quy định ở các văn bản dưới luật. Cùng với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật về quân sự, quốc phòng, Bộ Quốc phòng cũng chủ trì soạn thảo các dự thảo nghị định, thông tư và quyết định của Thủ tướng Chính phủ để sẵn sàng triển khai thực hiện luật ngay sau luật khi được Quốc hội thông qua. Các đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng cũng chủ động nghiên cứu kỹ lưỡng về nội dung của luật và các dự thảo văn bản dưới luật, kịp thời triển khai thực hiện ngay các quy định về chính quyền địa phương hai cấp, bảo đảm thông suốt.
Lan tỏa khát vọng hòa bình, giá trị nhân văn
Một trong những phiên thảo luận để lại nhiều cảm xúc cho các đại biểu Quốc hội là khi cho ý kiến về Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Qua video clip được phát tại hội trường, trước hình ảnh về những sĩ quan, quân nhân Việt Nam làm nhiệm vụ quốc tế ở nơi khó khăn, gian khổ, tại những đất nước còn phải đối diện với xung đột vũ trang, đói nghèo, lạc hậu, không ít đại biểu Quốc hội bày tỏ sự ngưỡng mộ, tự hào và tình cảm trân trọng đối với những đóng góp của các chiến sĩ mũ nồi xanh Việt Nam. Đại biểu Quốc hội đánh giá, với bản lĩnh vững vàng, tinh thông nghiệp vụ, giỏi ngoại ngữ, pháp luật quốc tế, có năng lực, trình độ chuyên môn cao, khả năng làm việc, tác chiến độc lập, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có yêu cầu, lực lượng Việt Nam khi tham gia gìn giữ hòa bình luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được lãnh đạo Liên hợp quốc, đồng nghiệp quốc tế đánh giá cao, tạo ấn tượng sâu sắc.
Lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Việt Nam xuất quân lên đường làm nhiệm vụ tại Nam Sudan và khu vực Abyei. Ảnh: VIỆT TRUNG
Trên cơ sở đó, việc ban hành Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc góp phần thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Hiến pháp của Nhà nước và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, là cơ sở pháp lý quan trọng để các lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc triển khai thống nhất, đồng bộ và hiệu quả, tạo bước đột phá về hội nhập quốc tế. Một trong những yếu tố được đại biểu Quốc hội đánh giá rất cao đó là hồ sơ dự án luật được xây dựng công phu, bảo đảm đúng trình tự, thủ tục và nhận được sự thống nhất cao giữa cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra cùng các cơ quan liên quan. Sự thống nhất và ủng hộ rất lớn của đại biểu Quốc hội đã được khẳng định qua việc Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc được Quốc hội thông qua với 100% đại biểu Quốc hội có mặt tán thành.
Việc Quốc hội thông qua Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc cũng cụ thể hóa các chế độ, chính sách, mở rộng đối tượng tham gia, trong đó, bổ sung lực lượng dân sự. Đồng thời, nâng cao hiệu quả và tính bền vững của hoạt động này, bảo đảm quyền lợi tối đa, tốt nhất cho những người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ. Cùng với đó, góp phần gìn giữ hòa bình, thúc đẩy hợp tác và phát triển giữa các quốc gia, tạo thế và lực mới, bảo vệ vững chắc Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng biện pháp hòa bình.
Chủ động phòng ngừa, sẵn sàng cho các tình huống khẩn cấp
Thảo luận về dự án Luật Tình trạng khẩn cấp tại Kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XV, đại biểu Quốc hội đều nhấn mạnh đến đòi hỏi khách quan của thực tiễn trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan đến việc sẵn sàng ứng phó khi có tình huống khẩn cấp. Đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Lâm Đồng) chia sẻ, chúng ta đang sống và đối mặt với môi trường đầy bất ổn của một thế giới đầy biến động, sự giận dữ của mẹ thiên nhiên, tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, những thảm họa thiên tai xảy ra với tần suất dày và ngày càng nghiêm trọng. Vì vậy, đại biểu Dương Khắc Mai nhấn mạnh, việc Quốc hội xem xét thông qua Luật Tình trạng khẩn cấp là nhiệm vụ hết sức cấp bách và cần thiết để bảo đảm hành lang pháp lý cho việc ứng phó kịp thời với những bất thường, bất định, phòng ngừa từ sớm, từ xa, bảo đảm an toàn cho đất nước, bảo vệ nhân dân.
Lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Việt Nam xuất quân lên đường làm nhiệm vụ tại Nam Sudan và khu vực Abyei. Ảnh: VIỆT TRUNG
Trao đổi với Báo Quân đội nhân dân về dự án Luật Tình trạng khẩn cấp, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (Đoàn Lâm Đồng) chia sẻ, bảo vệ Tổ quốc là công việc xuyên suốt, thường xuyên kể cả trong điều kiện đất nước hòa bình, kinh tế-xã hội phát triển, đời sống người dân ổn định. Dự án Luật Tình trạng khẩn cấp được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến thể hiện tâm thế luôn sẵn sàng, chủ động trong việc bảo vệ Tổ quốc. Nội dung dự án luật bám sát thực tiễn, trong đó, chúng ta đã trải qua những trạng thái chưa từng xảy ra trong đời sống xã hội trước đây như đại dịch Covid-19 và phòng ngừa cho những tình huống cấp bách có thể xảy ra.
Kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XV đã khép lại với những dấu ấn lịch sử, quyết định nhiều nội dung hệ trọng gắn liền với yêu cầu đổi mới, hoàn thiện thể chế, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị để phát triển đất nước nhanh và bền vững. Những nền tảng mang tính cách mạng, căn cơ được gây dựng thông qua kỳ họp này sẽ góp phần mở ra một giai đoạn phát triển mới của đất nước.
CHIẾN THẮNG - MẠNH HƯNG - VŨ DUNG
Nguồn QĐND : https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/dau-an-ky-hop-lich-su-bai-5-dau-an-cua-bo-quoc-phong-trong-dong-chay-lich-su-tiep-theo-va-het-835279