Trầm tích văn hóa ngàn năm
Một buổi chiều mùa đông, tôi đứng bên ngàn lau nở trắng như bông bên cửa suối Nậm Thi trong xanh đổ ra sông Hồng, nhìn con nước trôi mà nghe đâu đây câu hát trong bài "Dòng sông hoa gạo” của nhạc sĩ Vũ Đình Trọng: “Ngày bình yên hoa gạo nở ngang trời/Đỏ dòng sông Hồng Hà mùa con nước trôi/Ru em tôi, ru em tôi về thành phố/Lao Cai yên bình trong nắng chiều hoàng hôn”. Mùa này, những cây gạo cao vút bên cầu Cốc Lếu đang ngủ đông để xuân sang sẽ bật lên những chùm hoa như những đốm lửa đỏ rực ven sông.
Bảo tàng tỉnh lưu giữ nhiều hiện vật bằng đá thuộc thời kỳ văn hóa Sơn Vi được tìm thấy tại xã Vạn Hòa (thành phố Lào Cai).
Nếu có thời gian dạo quanh thành phố biên giới Lào Cai, để ý đến những tên đường, tên phố nơi đây, ai là người Lào Cai đều rất quen thuộc với những tên đường phố như An Dương Vương dọc theo sông Hồng, song song với nó là đường Ngô Quyền, Lê Đại Hành. Nhìn sang bên kia sông là đường Nguyễn Huệ chạy suốt từ cầu Cốc Lếu xuống cầu Phố Mới. Khi đô thị mới Lào Cai - Cam Đường được xây dựng, đường Trần Hưng Đạo là đại lộ huyết mạch kết nối đô thị phía Bắc với phía Nam thành phố Lào Cai.
Không biết vô tình hay hữu ý, mà tên của những vị vua trải qua các triều đại lịch sử Việt Nam gắn với bao chiến công hiển hách trong bảo vệ Tổ quốc đã được đặt cho tên những đường phố huyết mạch của thành phố Lào Cai dọc theo dòng sông Hồng. Tôi bắt đầu ý tưởng đi tìm hiểu lịch sử của vùng đất này từ những phát hiện thú vị.
Những công cụ bằng đá tìm thấy ở thành phố Lào Cai cho thấy sự tồn tại của người nguyên thủy cách đây khoảng 20.000 năm.
Tại Bảo tàng tỉnh Lào Cai, những ngày cuối năm, các cán bộ, nhân viên đang bận rộn chỉnh trang lại không gian trưng bày và chuẩn bị cho những sự kiện lớn chào mừng năm mới Ất Tỵ 2025. Mặc dù bận rộn với nhiều công việc, Thạc sĩ Bùi Thị Hường, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh đã dành thời gian trò chuyện, chia sẻ về những tư liệu khảo cổ mà chị sưu tầm, nghiên cứu suốt những năm qua về lịch sử tỉnh Lào Cai. Chị Hường bảo hiện Bảo tàng tỉnh đang lưu giữ rất nhiều hiện vật bằng đá, đồng, gốm tìm thấy dọc sông Hồng, đặc biệt là ở các xã, phường ven sông Hồng của thành phố Lào Cai.
Những hiện vật bằng đồng được tìm thấy ven sông Hồng thuộc thành phố Lào Cai đang được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh.
Mở kho cổ vật qua nhiều lớp bảo vệ nghiêm ngặt, chị Hường giới thiệu với tôi một số hiện vật tiêu biểu. Đây là những công cụ bằng đá như rìa lưỡi dọc, rìa lưỡi ngang, rìa lưỡi xiên, rìu ngắn, bàn mài… của người Việt cổ, thuộc nền văn hóa Sơn Vi, cách đây khoảng 20.000 năm, được đoàn khảo sát của Viện Khảo cổ học Việt Nam kết hợp với Bảo tàng tỉnh tìm thấy năm 2005 tại khu vực xã Vạn Hòa. Gần 30 hiện vật bằng đồng như trống đồng, chậu đồng, liễn đồng, khay đồng, nồi đồng, bát đồng, đỉnh đồng, rìu đồng, chuông đồng, thố đồng… tìm thấy ở ven sông Hồng thuộc phường Kim Tân. Bên cạnh đó là gần 20 hiện vật gồm trống đồng, tượng hổ đồng, nồi đồng, lẫy nỏ đồng, muôi đồng… tìm thấy ở phường Bắc Cường.
Nhiều trống đồng là hiện vật của nền văn hóa Đông Sơn cách đây 2000 - 2.500 năm được tìm thấy ở ven sông Hồng thuộc phường Kim Tân, phường Bắc Cường (thành phố Lào Cai).
Đặc biệt, trong số những hiện vật tìm thấy có 4 trống đồng, mặt trống đồng tìm thấy ở phường Kim Tân; 4 trống đồng và 1 con hổ đồng tìm thấy ở phường Bắc Cường; 1 trống đồng, 1 mảnh trống đồng tìm thấy ở xã Cốc San… Đó đều là những chiếc trống cổ, đặc trưng, tiêu biểu thuộc nền văn hóa Đông Sơn cách đây 2.000 - 2.500 năm. Có những chiếc trống đồng cho thấy sự giao thao văn hóa giữa cư dân Việt cổ và các tộc người phương Bắc.
Theo Giáo sư - Tiến sĩ Trịnh Sinh, Viện Khảo cổ học Việt Nam, 4 quần thể khảo cổ ở ven sông Hồng thuộc phường Kim Tân được tình cờ phát hiện do người dân san ủi nền nhà. Các điểm này đều nằm kế tiếp nhau dài khoảng 800 m ở độ sâu từ 3 m đến 4 m trong các quả đồi thấp cách mép nước sông Hồng từ 30 m đến 100 m. Qua các hiện vật khai quật, sưu tầm được, các nhà khảo cổ học chứng minh vết tích con người đầu tiên khai phá mảnh đất Lào Cai cách đây khoảng 30.000 năm (trước Công nguyên) và tiếp tục sống ở thời kỳ hậu kỳ đồ đá mới và sơ kỳ thời đại kim khí.
Trong các công trình nghiên cứu, Tiến sĩ Trần Hữu Sơn, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai cho rằng các hiện vật khảo cổ tìm thấy thuộc thời kỳ văn hóa Sơn Vi, văn hóa Đông Sơn, phân bố dày đặc tại khu vực ven sông Hồng qua thành phố Lào Cai ngày nay, cho thấy cách đây hàng ngàn năm đã có người nguyên thủy cư trú khá đông đúc, thịnh vượng. Nhờ khai thác nguồn lợi dồi dào ven sông Hồng, họ phát triển cuộc sống và mở rộng dần xuống hạ lưu, tạo ra một dòng chảy văn hóa theo dòng sông Mẹ, góp phần tạo ra nền văn minh sông Hồng.
Thành phố âm vang những bản hùng ca
Lào Cai, thành phố nơi tôi sống hôm nay đang vươn mình thành đô thị hiện đại bên bờ sông Hồng. Ít người biết cách đây hàng chục ngàn năm trước, vùng đất này đã là nơi cư trú của người Việt cổ, gắn với nền văn hóa Sơn Vi, văn hóa Đông Sơn, nuôi dưỡng và hình thành nền văn minh sông Hồng rực rỡ. Sông Hồng đã chảy suốt ngàn xưa đến nay, như dòng sữa ngọt hình thành nên thành phố biên cương nơi cực Bắc của Tổ quốc.
Với vị trí chiến lược quan trọng, có dòng sông Hồng là huyết mạch giao thương nối liền vùng Vân Nam với Giao Chỉ (Bắc Bộ), vùng đất Lào Cai thời xưa luôn bị các thế lực phương Bắc nhòm ngó, tìm cách thôn tính. Trải qua 1.000 năm Bắc thuộc cho đến thời kỳ độc lập tự chủ, các triều đại phong kiến nước ta đã kiên cường chống lại sự xâm lăng, đồng hóa của phương Bắc, bảo vệ biên cương của Tổ quốc.
Đền Thượng, nơi thờ Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn tọa lạc trên đồi Hỏa Hiệu, gần ngã ba dòng Nậm Thi đổ vào sông Hồng.
Vào triều đại nhà Trần, trước mưu đồ xâm lăng của giặc, danh tướng Trần Hưng Đạo đã được vua Trần cử lên vùng biên giới Lào Cai để xây dựng hệ thống phòng thủ dọc sông Hồng. Tướng Trần Hưng Đạo với tài thao lược xuất sắc đã bảo vệ vững chắc bờ cõi trên vùng biên giới. Về sau, tưởng nhớ công lao của Quốc công Tiết chế Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn, Nhân dân đã lập đền Thượng trên đồi Hỏa Hiệu gần ngã ba sông Nậm Thi đổ vào sông Hồng (thuộc phường Lào Cai) để ngày ngày thờ phụng. Dưới tán cây đa cổ thụ hơn 300 năm tuổi, ngày rằm tháng Giêng, người dân khắp nơi về đây thắp nén hương thơm tưởng nhớ công đức của Đức Thánh Trần.
Lễ hội đền Thượng được tổ chức vào tháng Giêng hằng năm, thu hút đông đảo Nhân dân và du khách tới tham quan, chiêm bái.
Đến phường Lào Cai hôm nay, ghé thăm ngôi đền Mẫu nằm gần cột mốc biên giới quốc gia số 102, du khách có thể tìm hiểu về lịch sử ngôi đền được xây dựng từ đầu thế kỷ 18, thờ đức Thánh mẫu Liễu Hạnh công chúa. Phía sau ngôi đền tựa vào bức tường thành cổ do nghĩa quân của tướng Lưu Vĩnh Phúc (tướng quân Cờ Đen - một đạo quân của Thái Bình Thiên Quốc - Trung Quốc đã hàng phục triều đình nhà Nguyễn) xây dựng cuối thế kỷ XIX. Nhờ công lao đánh tan 2 đạo quân Cờ Trắng, Cờ Vàng và kiên cường chống giặc Pháp bảo vệ biên cương bờ cõi, tướng Lưu Vĩnh Phúc đã được triều đình nhà Nguyễn phong làm “Bảo Thắng phòng ngự sử”. Suốt 17 năm đóng quân ở Lào Cai (1868 - 1885), ông đã góp phần xây dựng Lào Cai thành một đô thị sầm uất ở biên giới.
Phần còn lại của tường thành cổ Lưu Vĩnh Phúc nằm phía sau đền Mẫu.
Vào thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, bên dòng sông Hồng, thành phố Lào Cai hôm nay cũng ghi dấu bao chiến công của quân và dân ta. Sông Hồng đã chở che cho bộ đội ta vận chuyển vũ khí xuôi về tận bến Âu Lâu (tỉnh Yên Bái) để phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ, làm nên chiến thắng lịch sử “Lừng lẫy 5 châu, chấn động địa cầu”.
Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979, khi thị xã Lào Cai bị tàn phá, dòng sông chứng kiến sự anh dũng, kiên cường và những chiến công của quân và dân ta bảo vệ từng tấc đất biên cương.
Thành phố Lào Cai với đô thị hiện đại soi bóng bên dòng sông Hồng ngàn năm lịch sử.
Bên dòng sông Hồng lịch sử chảy qua thành phố Lào Cai hôm nay là nhịp sống sôi động của một đô thị hiện đại nơi biên cương. Dòng sông Hồng chảy từ ngã ba Lũng Pô (Bát Xát) về đến thành phố Lào Cai thì hoàn thành sứ mệnh của dòng sông biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc và hoàn toàn chảy vào lãnh thổ nước ta. Dòng nước phía đầu nguồn qua nhiều thác ghềnh cuộn xiết, khi về đến thành phố uốn một đường cong mềm mại, bình yên trôi giữa hai bên là phố phường nhộn nhịp, xuôi về phía Nam thành phố trong màu xanh của những bãi chuối, vườn ngô xanh mướt. Và hôm nay, sông Hồng đã mang trong mình một sứ mệnh hoàn toàn mới, trở thành trục kinh tế động lực của tỉnh.
Dòng sông Hồng hôm nay đã mang trong mình một sứ mệnh hoàn toàn mới.
Buổi chiều cuối năm, tôi dạo bước trên đường An Dương Vương ngắm nhìn sông Hồng soi bóng điện sáng lung linh hai bên bờ sông mà nghĩ về những dấu ấn của năm tháng lịch sử đã qua. Chẳng còn âm vang của tiếng trống đồng và vũ điệu ngàn xưa bùng cháy giữa đêm nguyên thủy, chẳng còn tiếng đao kiếm giao tranh, tiếng súng rền vang chiến đấu bảo vệ biên thùy. Nơi bến Lão Nhai xưa của một thời nhộn nhịp “trên bến, dưới thuyền” cũng chỉ còn trong ký ức. Nhưng đó là những dư âm của lịch sử không thể nào quên.
Sau 20 năm được thành lập, thành phố Lào Cai của ngày hôm nay đã trở thành thành phố của hòa bình, hữu nghị với nhịp sống ngày càng hiện đại, là đô thị trung tâm của tỉnh, khẳng định vai trò “cực tăng trưởng” và trung tâm kết nối vùng, cửa ngõ giao thương với vùng Tây Nam rộng lớn của nước bạn Trung Quốc. Trên dòng sông in dấu ấn thời gian, cầu Phú Thịnh là cầu thứ 6 của thành phố bắc qua sông Hồng mới hoàn thành, nối 2 bờ sông mở ra cuộc sống ấm no, giàu có và thịnh vượng. Trong buổi hoàng hôn nhuộm đỏ dòng sông, từ chiếc loa truyền thanh bắc trên ngọn cao cây gạo cổ thụ vang lên bài hát ngợi ca vẻ đẹp của thành phố biên cương: “Ôi thành phố lung linh đêm huyền diệu/Khúc đầu nguồn một dòng sông xưa/Là cánh chim đầu đàn của miền biên giới”…
Trần Tuấn Ngọc