Ngày 26/11/2024, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV biểu quyết thông qua Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn. (Ảnh: Quốc hội)
Tăng trưởng đạt 7,8 - 8,2%, cao nhất từ năm 2020 đến nay
Năm 2024, tăng trưởng ngành Xây dựng đạt khoảng 7,8 - 8,2%, vượt chỉ tiêu Chính phủ giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP (6,4 - 7,3%). Đây là tốc độ tăng trưởng cao nhất ngành Xây dựng đạt được từ năm 2020 đến nay, là động lực dẫn dắt cho tăng trưởng GDP chung của nền kinh tế.
Tỷ lệ đô thị hóa đạt 44,3%, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao là 43,7%. So với chỉ tiêu Chính phủ giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP, ngành Xây dựng đồng thời đạt 2 chỉ tiêu khác, gồm: Tỷ lệ thu gom xử lý nước thải 18%; Diện tích nhà ở bình quân cả nước 26,5 m2 sàn/người.
Ngành Xây dựng cũng đạt một số kết quả tích cực khác như: Tỷ lệ lập quy hoạch chung đô thị đạt 100%; Tỷ lệ lập quy hoạch chung đô thị đạt 100%; Tỷ lệ quy hoạch phân khu tại đô thị đặc biệt và đô thị loại I ước tính đạt khoảng 80% và tại đô thị còn lại ước tính khoảng 55% (so với diện tích đất xây dựng đô thị); Tỷ lệ quy hoạch chi tiết tại đô thị đặc biệt và đô thị loại I ước tính khoảng 40%, các đô thị còn lại ước tính khoảng 25%. Hầu hết sản lượng sản xuất và tiêu thụ các vật liệu xây dựng như xi măng, gạch ốp lát, sứ vệ sinh đều tăng so với năm 2023.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển NƠXH. (Ảnh: Chính phủ)
Điểm sáng trong hoàn thiện thể chế
Năm 2024, công tác hoàn thiện thể chế tiếp tục được quan tâm đặc biệt và là điểm sáng, thể hiện sự quyết tâm, đúng đắn trong chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Bộ Xây dựng. Nổi bật, ngày 26/11/2024, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn (Luật số 47/2024/QH14). Luật do Bộ Xây dựng chủ trì soạn thảo, gồm 5 Chương và 59 Điều, quy định về: Hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn; Lập, thẩm định, phê duyệt, rà soát, điều chỉnh, tổ chức quản lý quy hoạch đô thị và nông thôn; Quản lý nhà nước về quy hoạch đô thị và nông thôn. Luật quy định các quy hoạch đô thị và nông thôn phải được lập, thẩm định, phê duyệt bảo đảm tính đồng bộ, phù hợp giữa các loại và cấp độ quy hoạch.
Đô thị được phân thành 6 loại gồm loại đặc biệt, loại I, loại II, loại III, loại IV và loại V theo quy định của pháp luật về phân loại đô thị. Việc xác định tiêu chuẩn và phân loại đơn vị hành chính đô thị và đơn vị hành chính nông thôn thực hiện theo quy định của pháp luật về tổ chức chính quyền địa phương. Căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế - xã hội của từng giai đoạn, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định cụ thể về phân loại đô thị bảo đảm các xu hướng phát triển đô thị xanh, thông minh, hiện đại, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu… Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn có hiệu lực từ ngày 01/07/2025. Thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tập trung soạn thảo và trình Chính phủ ban hành 2 Nghị định, trình Thủ tướng ban hành 1 Quyết định; Ban hành theo thẩm quyền 2 Thông tư hướng dẫn Luật, bảo đảm đồng bộ hiệu lực thi hành với Luật.
Trước đó, ngày 29/6/2024, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh BĐS số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15. Luật này (do Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ TN&MT soạn thảo), quy định: 3 luật liên quan tới thị trường BĐS là Luật Đất đai 2024, Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh BĐS 2024 và Điều 200, Điều 210 của Luật Các tổ chức tín dụng 2024 có liệu lực từ 01/8/2024, sớm hơn 5 tháng so với thời điểm đã được quyết định trước đó là 01/01/2025.
Nhằm bảo đảm hiệu lực đồng thời với Luật, Bộ Xây dựng đã trình và được Chính phủ ban hành 5 Nghị định; Thủ tướng Chính phủ ban hành 1 Quyết định, quy định chi tiết Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS.
2 dự án Luật khác do Bộ Xây dựng chủ trì soạn thảo là Luật Quản lý phát triển đô thị; Luật Cấp, thoát nước đã được Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025. Dự kiến, Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) và thông qua tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025)…
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 - 2030
Ngày 22/8/2024, tại Quyết định số 891/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là 1 trong 39 quy hoạch ngành quốc gia, do Bộ Xây dựng chủ trì soạn thảo.
Tính đến hết tháng 11 năm 2024, toàn quốc có 900 đô thị, trong đó có 2 đô thị loại đặc biệt, 21 đô thị loại I, 39 đô thị loại II, 44 đô thị loại III, 97 đô thị loại IV.
Quy hoạch nhằm đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hóa, phát triển, sắp xếp, phân bố hệ thống đô thị và nông thôn thống nhất, hiệu quả, toàn diện, có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại phù hợp với điều kiện phát triển, có môi trường sống lành mạnh, có khả năng chống chịu, thích ứng nước biển dâng, biến đổi khí hậu, thân thiện môi trường và giảm phát thải. Phát triển bền vững hệ thống đô thị theo mạng lưới, hình thành một số đô thị, chuỗi đô thị động lực có kiến trúc hiện đại, xanh, bản sắc…
Phát triển nông thôn toàn diện, bền vững gắn với phát triển đô thị, đô thị hóa, có cơ sở hạ tầng, dịch vụ xã hội đồng bộ và tiệm cận với khu vực đô thị; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của từng vùng miền; xây dựng nông thôn xanh, sạch, đẹp… Phát triển kinh tế, xã hội nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái có hiệu quả cao, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh.
Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn cũng xác định các nhóm nhiệm vụ, giải pháp và nguồn lực thực hiện; Các chương trình dự án quan trọng quốc gia, lộ trình thực hiện; Các chỉ tiêu, định hướng phát triển đô thị, nông thôn thời kỳ đến năm 2030…
Cũng trong công tác lập, thẩm định các quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng theo phân cấp, Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 10 Nhiệm vụ và 16 Đồ án; Ban hành theo thẩm quyền 13 quyết định đối với nhiệm vụ và đồ án; Góp ý đối với 6 quy hoạch tỉnh; Có ý kiến đối với 120 nhiệm vụ, đồ án quy hoạch thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND cấp tỉnh…
Trong công tác phát triển đô thị, Bộ Xây dựng tiếp tục tập trung triển khai Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Đẩy nhanh tiến độ thẩm định nhiệm vụ và đồ án quy hoạch, tổ chức thẩm định phân loại đô thị; Tăng cường quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị.
Bộ phối hợp với các địa phương số hóa và cập nhật thông tin 370 đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị lên cổng thông tin quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị Việt Nam. Tổng số đồ án đã cập nhật lên cổng thông tin đến nay là 3.071 đồ án.
Thực hiện các Nghị quyết Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, trong năm 2024, Bộ Xây dụng đã tích cực triển khai các thủ tục và đảm bảo sắp xếp 22 đơn vị hành chính là thành phố, thị xã; 59 thị trấn trên phạm vi 5 tỉnh, thành phố được đề nghị sắp xếp, đáp ứng mục tiêu và kế hoạch đề ra.
Nỗ lực thúc đẩy phát triển NƠXH
Ngày 24/5/2024, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 34-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) trong tình hình mới. Đây là lần đầu tiên Đảng có chỉ đạo đối với công tác phát triển NƠXH.
Khẩn trương thực hiện, Bộ Xây dựng đã trình và được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 927/QĐ-TTg ngày 30/8/2024 về Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW.
Tiếp đó, ngày 01/11/2024, tại Quyết định số 1017/QĐ-BXD, Bộ Xây dựng đã ban Kế hoạch thực hiện Quyết định số 927/QĐ-TTg, nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đổi mới phương thức, mô hình quản lý và phát triển NƠXH để thu hút, khuyến khích các thành phần kinh tế trong nước và nước ngoài tham gia đầu tư, phát triển NƠXH và thực hiện các chính sách hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng.
Tích cực triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NƠXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030” hiệu quả, ngày 22/02, Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai Đề án trong năm 2024. Chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà giao chỉ tiêu NƠXH hoàn thành trong năm đối với từng địa phương...
Bộ cũng đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức Hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển NƠXH do Thủ tướng Chính phủ chủ trì ngày 16/3/2024 và ngày 17/5/2024; đề nghị Bộ Công an, Bộ Quốc phòng mỗi Bộ thực hiện 5.000 căn hộ NƠXH cho lực lượng vũ trang…
Mới đây nhất, tháng 11/2024, Bộ soạn thảo và đang lấy ý kiến các Bộ, ngành trước khi trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết về nguồn vốn ưu đãi cho phát triển NƠXH. Theo đó, Bộ Xây dựng đề xuất triển khai gói ưu đãi 100.000 tỷ đồng cho vay NƠXH từ nguồn vốn trái phiếu, áp dụng trong 5 năm. Đây là lần đầu tiên Bộ Xây dựng đề xuất áp dụng gói ưu đãi cho vay NƠXH bằng phát hành trái phiếu. Những nỗ lực trên sẽ là tiền đề để công tác phát triển NƠXH trong cả nước sẽ tăng tốc, bứt phá trong thời gian tới.
Cũng trong công tác quản lý phát triển nhà và thị trường BĐS, Bộ đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhiều giải pháp quyết liệt, hiệu quả để giải quyết khó khăn, vướng mắc cho thị trường BĐS, doanh nghiệp… Nhờ đó, thị trường BĐS đã có chuyển biến tích cực, vượt qua giai đoạn khó khăn nhất…
Tích cực phối hợp, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn đối với các công trình trọng điểm
Trong năm 2024, Bộ Xây dựng tích cực phối hợp với các Bộ, ngành để tháo gỡ khó khăn cho công trình trọng điểm quốc gia, tình trạng thiếu hụt vật liệu xây dựng. Đơn cử, Bộ ban hành các văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị tổ chức xác định và công bố giá xây dựng, chỉ số giá xây dựng trên địa bàn và rà soát các quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, hợp đồng xây dựng và định mức xây dựng; Ban hành các văn bản hướng dẫn nguyên tắc tính toán, xác định chi phí liên quan đến cấp mỏ và khai thác vật liệu theo cơ chế đặc thù đã được Quốc hội cho phép tại Nghị quyết số 43/2022/QH15, Nghị quyết 106/2023/QH15 và các Nghị quyết của Chính phủ theo đúng chức năng, nhiệm vụ của Bộ Xây dựng.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cùng lãnh đạo tỉnh Kiên Giang khảo sát các dự án tại thành phố Hà Tiên.
Trong công tác kiểm soát chất lượng công trình xây dựng, Hội đồng kiểm tra Nhà nước các công trình xây dựng đã kiểm tra 120 đợt theo kế hoạch, trong đó có 7 công trình, gói thầu được chấp thuận kết quả nghiệm thu hoàn thành đưa vào sử dụng; kịp thời tổ chức kiểm tra điều kiện thông xe một số gói thầu thuộc Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020…
Các công trình do Thủ tướng Chính phủ giao đã được Hội đồng kiểm soát chặt chẽ, chỉ đạo kịp thời để chủ đầu tư và các nhà thầu thực hiện tuân thủ yêu cầu thiết kế, chỉ dẫn kỹ thuật và các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật áp dụng cho dự án. Bộ cũng tháo gỡ khó khăn liên quan đến quy định phòng cháy chữa cháy…
Phê duyệt Đề án Chuyển đổi số ngành Xây dựng giai đoạn 2024 - 2025, định hướng đến năm 2030
Ngày 11/10/2024, Bộ đã ban hành Quyết định 926/QĐ-BXD phê duyệt Đề án Chuyển đổi số ngành Xây dựng giai đoạn 2024 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Đề án hướng tới mục tiêu: Hoàn thành số hóa ngành theo từng lĩnh vực, hình thành dữ liệu lớn ngành Xây dựng; Khai thác hiệu quả dữ liệu ngành phục vụ công tác báo cáo thống kê, dự báo, hoạch định chính sách, chiến lược phát triển ngành Xây dựng; Quản lý, chỉ đạo điều hành dựa trên nền tảng công nghệ số, dữ liệu số được kết nối, liên thông từ Trung ương đến địa phương; Từng bước hiện đại hóa hành chính, minh bạch hóa quá trình giải quyết thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến ngành Xây dựng.
Đề án đặt mục tiêu cụ thể cho giai đoạn 2024 - 2025 và giai đoạn 2026 - 2030, ở các nội dung hoàn thiện thể chế; phát triển các ứng dụng, dịch vụ số; phát triển dữ liệu số; phát triển các nền tảng số; an toàn thông tin, an ninh mạng; tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng số…
Ngày 27/8/2024, Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị Chuyển đổi số ngành Xây dựng theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, kết nối tới 63 điểm cầu tại UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên toàn quốc.
Hiện nay, Bộ Xây dụng đã thực thi được 8/9 thủ tục hành chính (TTHC) đạt 88%. Bộ đang cung cấp 35 dịch vụ công trực tuyến trên tổng số 119 TTHC thuộc phạm vi quản lý ngành Xây dựng, trong đó 29 dịch vụ công trực tuyến toàn trình và 6 dịch vụ công trực tuyến một phần. Số hồ sơ trực tuyến tiếp nhận trong kỳ đạt 87,6%, tăng so với cùng thời điểm năm 2023.
Từ ngày 01/7/2024, Bộ Xây dựng đã hoàn thành việc chuyển đổi, sử dụng hoàn toàn tài khoản định danh điện tử (VNelD) trong thực hiện TTHC thuộc thẩm quyền của Bộ. Bộ cũng triển khai thí điểm ứng dụng GIS trong công khai thông tin quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị trên cổng thông tin quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị Việt Nam.
Từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn cả nước có 644 dự án NƠXH đã triển khai với quy mô 580.109 căn. Trong đó, hoàn thành 96 dự án với quy mô 57.652 căn; khởi công xây dựng 133 dự án với quy mô 110.217 căn; chấp thuận chủ trương đầu tư 415 dự án với quy mô 412.240 căn.
Quý Anh