Dấu ấn những thương hiệu lớn ra đời từ ngày giải phóng

Dấu ấn những thương hiệu lớn ra đời từ ngày giải phóng
10 giờ trướcBài gốc
Trụ sở Tổng Công ty Điện lực miền Nam ngày đầu thành lập. (Ảnh tư liệu)
Tính đến thời điểm này, Việt Nam đã có hàng trăm doanh nghiệp có thương hiệu lớn, đóng góp mạnh mẽ vào công cuộc phát triển kinh tế nước nhà, ghi dấu ấn Việt Nam trên bản đồ thế giới. Theo Brand Finance - tổ chức định giá thương hiệu có trụ sở tại Anh, năm 2024, giá trị Thương hiệu Quốc gia Việt Nam được định giá 507 tỷ USD, xếp hạng 32 thế giới, tăng một bậc so với năm 2023.
Trước đó, Thương hiệu Quốc gia Việt Nam đã liên tục thăng hạng mạnh mẽ trong bảng xếp hạng 100 quốc gia trên thế giới hàng năm. Brand Finance đánh giá Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương hiệu giá trị nhanh nhất thế giới, tăng 102% trong giai đoạn 5 năm từ 2019 - 2023.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã có nhiều thương hiệu sản phẩm made in Việt Nam có tiếng trên thế giới như Vinfast, Trung Nguyên... Đặc biệt phải kể đến Viettel - thương hiệu duy nhất của Việt Nam lọt vào “Bảng xếp hạng Top 500 thương hiệu giá trị nhất thế giới 2024” (Global 500 của Brand Finance) và đứng ở vị trí 241.
Trước đó, cũng có khoảng 10 doanh nghiệp Việt lọt vào Top 1.000 thương hiệu nổi nhất châu Á. Đây đều là những doanh nghiệp được hình thành và phát triển trong thời kỳ đất nước đã bước vào giai đoạn đổi mới và được tạo thuận lợi để các thành phần kinh tế được “bung ra”, hòa chung nhịp đập với thế giới thông qua những chính sách về hội nhập kinh tế quốc tế.
Nhưng lịch sử hình thành các công ty, doanh nghiệp của Việt Nam đã bắt đầu từ trước đó rất xa... Có những thương hiệu đến nay đã có tuổi đời gần với “tuổi của đất nước” như Tổng Công ty May 10, được thành lập vào năm 1946. Và trong số đó, cũng có những công ty, doanh nghiệp được thành lập ngay sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước. Do đó, năm 1975 không chỉ là dấu ấn của ngày cả nước ca khúc khải hoàn thống nhất mà còn là khởi đầu của hàng loạt những tên tuổi lớn, hiện đang là trụ cột trong các lĩnh vực của nền kinh tế.
Những doanh nghiệp đặc biệt
Trong số những doanh nghiệp đặc biệt thành lập ngay trong những ngày không khí giải phóng vẫn còn “nóng hổi”, tin thắng trận vừa mới được truyền đi trên toàn quốc đó, phải kể đến đầu tiên là Antesco (Công ty Cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang). Công ty này có lịch sử ra đời khá đặc biệt, vào đúng ngày Giải phóng miền Nam - 30/4/1975.
Ông Nguyễn Hoàng Minh - Tổng Giám đốc của Antesco cho biết, năm 1975, khi đất nước chào mừng Đại thắng mùa Xuân, cũng là lúc Công ty Vật tư Nông nghiệp An Giang - tiền thân Công ty Dịch vụ Kỹ thuật Nông nghiệp An Giang được thành lập. Năm 2011, Công ty Dịch vụ Kỹ thuật Nông nghiệp An Giang chính thức đổi tên thành Công ty Cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang.
Từ một công ty chuyên cung ứng vật tư chuyển mình thành một doanh nghiệp xuất khẩu nông sản hàng đầu của Việt Nam, Antesco đã có 50 năm lịch sử, gắn liền với công cuộc phát triển và tái thiết đất nước. Từng cột mốc của Antesco đều mang dấu ấn những chính sách đổi mới và những quyết sách kịp thời của Đảng, Nhà nước.
Và bước chuyển mình mạnh mẽ của một công ty địa phương đã đưa Antesco đến những con số kỷ lục khi doanh thu vượt mốc 1.400 tỷ đồng vào năm 2024, khẳng định vị thế thương hiệu Việt tại hơn 40 quốc gia trên thế giới. Đây cũng là doanh nghiệp đầu tiên xuất khẩu nông sản chế biến đông lạnh, góp phần gia tăng giá trị cho ngành nông sản.
“Sau nửa thế kỷ, chúng tôi tự hào nhìn lại những bước chân vững chắc đã in dấu trên con đường tiên phong trong ngành chế biến và xuất khẩu nông sản. Antesco không chỉ là một doanh nghiệp - chúng tôi còn là một biểu tượng của sự kiên trì, đổi mới và phát triển bền vững” - ông Nguyễn Hoàng Minh chia sẻ.
Kỷ yếu của Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) ghi lại: “Ngay sau Đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, 7 giờ sáng ngày 1/5/1975, Tiểu ban Quân quản Sài Gòn - Gia Định do đồng chí Lê Thành Phụng - Phó Tiểu ban dẫn đầu có mặt tại số nhà 72 Hai Bà Trưng, chỉ huy quân quản toàn bộ và nguyên vẹn cơ sở vật chất kỹ thuật của Công ty Điện lực Việt Nam - đó chính là thời điểm đánh dấu mốc khởi đầu thành lập Tổng Công ty Điện lực miền Nam (1/5/1975).
Có lẽ những cán bộ, công nhân viên đầu tiên của EVNSPC không thể quên được những ngày làm việc đầu tiên khi hoạt động điện lực lúc bấy giờ vô cùng khó khăn, phức tạp do các nhà máy phát điện thiếu nhiên liệu (dầu); các linh kiện thiết bị hư hỏng không có phụ tùng thay thế, muốn nhập khẩu thiết bị thì không có ngoại tệ... Lưới điện miền Nam chưa được xây dựng hoàn chỉnh, nhiều vùng chưa có điện; hoạt động sản xuất, phân phối điện còn manh mún, chắp vá...
Nhưng nhiệm vụ ngay sau ngày tiếp quản còn nặng nề hơn thế. Đó là “bằng mọi cách giữ cho dòng điện liên tục tỏa sáng”. Đồng thời, lên kế hoạch sửa chữa ngay những đường dây bị tàn phá vì bom đạn trong Thành phố (phải hoàn thành trong hai ngày 2 - 3/5) và sửa chữa đường dây Sài Gòn - Mỹ Tho (tại khu vực Thủ Thừa) xong trước ngày 4/5... Bằng khối óc và trái tim ấm nóng, những kỹ sư đầu tiên của EVNSPC đã vượt lên tất cả và đã xây dựng nên 50 năm hành trình thắp sáng vùng đất phương Nam đầy rực rỡ.
Ông Nguyễn Phước Đức - Tổng Giám đốc EVNSPC chia sẻ, nếu như những ngày đầu giải phóng chỉ có khoảng 2,5% hộ dân có điện, thì đến năm 2024, Tổng Công ty đã cấp điện tới 99,9% số hộ dân. Đặc biệt, EVNSPC cũng là Tổng Công ty Điện lực quản lý, phân phối điện cho nhiều huyện đảo nhất cả nước (5/12 huyện đảo) gồm: Thành phố Phú Quốc và huyện Kiên Hải (tỉnh Kiên Giang), Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), Phú Quý (tỉnh Bình Thuận), Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa), góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của quân và dân trên đảo, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Những thương hiệu trụ cột của nền kinh tế
Ngoài những đơn vị được thành lập gần như ngay lập tức trong ngày lịch sử 30/4/1974 còn có những đơn vị được thành lập sau đó không lâu, khẳng định những quyết sách đúng đắn cho con đường phát triển kinh tế của Việt Nam.
Đó là tháng 6/1975, Công ty Vận tải biển miền Nam Việt Nam (tiền thân của Công ty Cổ phần Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam - Vitranschart JSC ngày nay) ra đời. Tại thời điểm thành lập, Công ty đã tiếp quản các cơ sở hàng hải với đội tàu của chế độ cũ để lại, kinh doanh theo phương thức tự quản, vận tải ven biển nội địa. Đội tàu viễn dương của Công ty từ chỗ chỉ hoạt động kinh doanh có hiệu quả ở khu vực các nước xã hội chủ nghĩa, đã vươn ra cập bến ở hầu hết các cảng trên thế giới, phát triển thêm nhiều tuyến vận tải viễn dương mới. Nhờ khai thác tốt các tuyến vận tải nước ngoài, Vitranschart JSC đã góp phần đưa doanh thu ngành vận tải biển lên đến gần 1 tỷ USD vào năm 2024.
Công ty Du lịch Thành phố - tiền thân của Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) được thành lập theo Quyết định số 04/QĐ-UB ngày 1/8/1975 của Ủy ban Quân quản Sài Gòn Gia Định (nay là UBND TP Hồ Chí Minh). Đây là công ty du lịch đầu tiên của Thành phố với 236 cán bộ, công nhân viên, quản lý một số khách sạn và kinh doanh du lịch, cung ứng tàu biển.
Đến nay, sau 50 năm chuyển mình cùng Thành phố và đất nước, Saigontourist đã sở hữu và quản lý hơn 50 khách sạn và khu nghỉ dưỡng trải khắp ba miền Bắc - Trung - Nam. Nhiều khách sạn và khu nghỉ dưỡng được xếp vào hàng di sản kiến trúc nghệ thuật, mang ý nghĩa như các nhân chứng lịch sử gắn liền với nhiều câu chuyện độc đáo, các cột mốc lịch sử cũng như quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, như khách sạn Continental Sài Gòn, Majestic Sài Gòn, Grand Sài Gòn, Rex Sài Gòn, Caravell Sài Gòn, New World Sài Gòn (TP Hồ Chí Minh), Sài Gòn - Morin (Huế),...
Petrovietnam đã trở thành Tập đoàn công nghiệp năng lượng hàng đầu quốc gia. (Ảnh minh họa)
Công ty Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam, gọi tắt là Petrovietnam được thành lập ngày 9/9/1977 nhưng lịch sử hình thành của Petrovietnam được tính từ ngày 3/9/1975 khi Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam (tiền thân của Petrovietnam - Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng quốc gia ngày nay) được thành lập, theo Quyết định số 170/CP của Hội đồng Chính phủ.
Lịch sử của Tập đoàn ghi nhận, kể từ những ngày đầu thành lập đến nay, Petrovietnam đã đi từ “không” đến “có”, làm chủ được khoa học công nghệ tiên tiến nhất, xây dựng được hệ thống công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh, đồng bộ, từ tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí đến phát triển công nghiệp khí - điện - chế biến và dịch vụ dầu khí chất lượng cao...
Trong đó, bước ngoặt của Petrovietnam phải kể đến là ngày 19/4/1981 khi dòng khí công nghiệp đầu tiên tại Giếng khoan 61 mỏ Tiền Hải C với lưu lượng 100.000m3/ngày đêm đã được đưa vào buồng đốt tuabin nhiệt điện tại Tiền Hải phát ra dòng điện công suất 10MW hòa lưới quốc gia. Đây là dấu mốc quan trọng đánh dấu lần đầu tiên ngành Dầu khí Việt Nam được ghi tên trên bản đồ dầu khí thế giới, mở ra triển vọng to lớn trên hành trình tìm kiếm, khai thác nguồn tài nguyên làm giàu cho đất nước và tạo tiền đề vững chắc cho sự phát triển của ngành Dầu khí Việt Nam...
Những đơn vị, tập đoàn, tổng công ty kể trên đều có mốc thành lập gắn liền với thời điểm lịch sử của đất nước, đã tiến từng bước một, trưởng thành và phát triển, trở thành những trụ cột giúp Việt Nam vươn mình từ những ngày khó khăn, gian khổ nhất; Để sau 50 năm thống nhất, Việt Nam đã trở thành đối tác chiến lược toàn diện của những quốc gia tầm cỡ nhất thế giới như Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản...
Nhật Thu
Nguồn Pháp Luật VN : https://baophapluat.vn/dau-an-nhung-thuong-hieu-lon-ra-doi-tu-ngay-giai-phong-post547003.html