Tổng Bí thư, Chủ tịch nước dự Lễ kỷ niệm 55 năm thực hiện Di chúc của Bác Hồ tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)
Tối 31/12, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã công bố 10 sự kiện nổi bật của Thành phố trong năm 2024; trong đó có các dấu ấn bao trùm trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, chuyển đổi số và cải cách hành chính, giao thông đô thị, quốc phòng an ninh, văn hóa xã hội.
1. Tổng Bí thư Tô Lâm và các lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước làm việc với Thành phố Hồ Chí Minh để chỉ đạo giải quyết những vấn đề quan trọng của Thành phố
Trong năm 2024, Thành phố Hồ Chí Minh đã vinh dự đón tiếp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và các lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước đã có nhiều buổi làm việc, chỉ đạo cụ thể với Thành phố về tình hình kinh tế-xã hội và định hướng phát triển của địa phương, những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.
2. Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thể hiện nét đẹp của Thành phố nghĩa tình và tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh với truyền thống đoàn kết, nghĩa tình, luôn thể hiện tình dân tộc, nghĩa đồng bào, sẵn sàng giúp đỡ, quyên góp ủng hộ đồng bào trong mọi hoàn cảnh khó khăn, đi đầu trong các phong trào đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn, toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, giảm nghèo bền vững, khuyến học, khuyến tài, bảo vệ an ninh Tổ quốc, cứu trợ, từ thiện... Qua đó, tạo nên nét đẹp của Thành phố.
3. Hội đồng Nhân dân Thành phố khẩn trương, kịp thời ban hành các chính sách triển khai các nghị quyết và các quy định của Trung ương vào cuộc sống thực tiễn
Năm 2024, với tinh thần tiến công, quyết tâm triển khai hiệu quả Nghị quyết số 98 của Quốc hội, Hội đồng Nhân dân Thành phố đã ban hành 46 nghị quyết đảm bảo cơ chế, chính sách đặc thù trên các lĩnh vực quản lý đầu tư, tài chính, đô thị, khoa học công nghệ và phân cấp, ủy quyền. Đồng thời tăng cường giám sát quá trình thực hiện. Từ đó, tạo động lực giúp Thành phố từng bước khơi thông nguồn lực, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tiếp tục thực hiện các dự án trọng điểm, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả trong quản lý Nhà nước.
4. Kinh tế Thành phố tiếp tục phục hồi, chuyển đổi và tăng trưởng bền vững; ra mắt Trung tâm cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (C4IR) tại Thành phố Hồ Chí Minh
Kinh tế Thành phố năm 2024 tiếp tục phục hồi, tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước, tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP ước tăng 7,17% (mục tiêu tăng từ 7,5 - 8%). Tổng thu ngân sách Nhà nước ước thực hiện năm 2024 là 508.553 tỷ đồng, đạt 105,3% dự toán, tăng 13,3% so cùng kỳ năm 2023.
Ngày 25/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khánh thành Trung tâm cách mạng Công nghiệp lần thứ tư tại Thành phố Hồ Chí Minh. Trung tâm này được kỳ vọng sẽ trở thành động lực mới thúc đẩy phát triển bền vững cho Thành phố, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ cả nước.
Thành phố Hồ Chí Minh lung linh trong đêm. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)
5. Chương trình đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và cải cách hành chính tạo dấu ấn tích cực, quan trọng
Năm 2024, Thành phố đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác chuyển đổi số, thể hiện qua sự tập trung chỉ đạo, triển khai đồng bộ trên nhiều lĩnh vực, phát triển nền tảng số, chú trọng quản trị dữ liệu, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đảm bảo an toàn thông tin và đẩy mạnh truyền thông chính sách về hoạt động chuyển đổi số được thực hiện đồng bộ.
6. Thành phố chính thức vận hành thương mại tuyến Metro số 1; khởi công, khởi động lại nhiều công trình, dự án
Tuyến Metro số 1 được chính thức vận hành ngày 22/12 là sự kiện đánh dấu cột mốc quan trọng trong quá trình phát triển hệ thống giao thông công cộng của Thành phố Hồ Chí Minh.
Đây là tuyến tàu điện ngầm đầu tiên được xây dựng và đưa vào khai thác tại Thành phố, tuyến có chiều dài 19,7 km, kết nối trung tâm Quận 1 với khu vực phía Đông của Thành phố Hồ Chí Minh.
Vận hành chính thức tuyến metro Bến Thành-Suối Tiên. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)
7. Tình hình tội phạm về trật tự xã hội được kiềm chế, kéo giảm sâu; tỷ lệ điều tra, khám phá án được nâng cao
Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã quyết liệt triển khai các biện pháp phòng ngừa nghiệp vụ kết hợp chặt chẽ phòng ngừa xã hội, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm.
Bên cạnh đó, tập trung đẩy mạnh, đổi mới, đa dạng hình thức tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn của các đối tượng nhằm nâng cao ý thức cảnh giác, phòng tránh của người dân.
8. Nhiều hoạt động nổi bật kỷ niệm: 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân
Với tình cảm gắn bó nhiều năm qua giữa Điện Biên và Thành phố Hồ Chí Minh, nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố xây tặng Điện Biên dự án Lưới điện nông thôn huyện Điện Biên Đông (50 tỷ đồng), hỗ trợ thực hiện các hạng mục tại Di tích đồi E2 (35 tỷ đồng trong 2 năm 2024, 2025), tổng kinh phí hỗ trợ là 85 tỷ đồng. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh đã hỗ trợ xây tặng 200 căn nhà tình nghĩa (kinh phí 10 tỷ đồng).
9. Thành phố Hồ Chí Minh là thành phố sáng tạo, thành viên Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO; phấn đấu xây dựng Thành phố trở thành Trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN
Ngày 14/2/2024, Thành phố Hồ Chí Minh vinh dự trở thành thành viên Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO. Đây là kết quả của quá trình Thành phố tập trung vào việc xây dựng môi trường học tập suốt đời cho người dân. Thành phố đánh giá cao việc trở thành thành viên chính thức Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO.
Lần đầu tiên trên cả nước, 2 bệnh viện công lập của Thành phố Hồ Chí Minh đạt chuẩn quốc tế về chất lượng bệnh viện do 2 tổ chức có uy tín trên thế giới công nhận. Đó là Bệnh viện Hùng Vương và Bệnh viện Truyền máu-Huyết học.
Hai bệnh viện này vừa được Tổ chức Australian Council on Healthcare Standards International của Australia và Tổ chức Joint Commission International của Hoa Kỳ thẩm định và công nhận; triển khai thành công kỹ thuật thông tim can thiệp cho bào thai mắc bệnh tim bẩm sinh do chính các y, bác sĩ của Thành phố thực hiện...
10. Thành phố Hồ Chí Minh - Thành phố của công nghiệp văn hóa, du lịch, thể thao cộng đồng; điểm hẹn của lễ hội và sự kiện
Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những địa phương đầu tiên trên cả nước phê duyệt và triển khai Đề án Phát triển ngành công nghiệp văn hóa. Với vị thế là nơi giao thoa của nhiều nền văn hóa, tập trung đông du khách quốc tế và bạn bè nước ngoài, thời gian qua, Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, du lịch lớn với sự tham gia của hàng trăm nghìn khán giả như: Lễ hội âm nhạc Quốc tế Hozo, Anh trai say Hi, Anh trai vượt ngàn chông gai, Liên hoan phim quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh, Liên hoan sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh lần 1, Lễ hội sông nước, Giải vô địch Teqball thế giới năm 2024, Liên hoan võ thuật quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh năm 2024.../.
(TTXVN/Vietnam+)