Đồng bào xã Sông Lũy sản xuất bắp lai.
Thời điểm này, cùng với nhiều địa phương khác, vùng đồng bào DTTS xã miền núi Sông Lũy, tỉnh Lâm Đồng (được nhập từ xã Phan Tiến, Sông Lũy, Bình Tân, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận cũ) đang tập trung làm cỏ, cày đất, chờ khi có mưa để xuống giống bắp vụ mới. Đa số các hộ đồng bào chủ yếu sản xuất dựa vào nước trời, nên mỗi năm chỉ được 1 vụ. Ông Mang Nỉ - xã Sông Lũy chia sẻ: Gia đình tôi đang sản xuất 2 ha bắp theo chính sách đầu tư ứng trước của tỉnh. Từ khi có chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, kinh tế của gia đình và đồng bào DTTS địa phương ổn định hơn nhờ được hỗ trợ đầu tư ứng trước phân, thuốc, bao tiêu sản phẩm. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình thu lãi được gần 30 triệu đồng, từ đó bà con yên tâm phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
Ông Mang Nỉ là một trong số đối tượng được hưởng lợi Nghị quyết 18. Những điều kiện để được hưởng chính sách này là các hộ đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh và có đất sản xuất nông nghiệp, có nhân khẩu trong độ tuổi lao động, có khó khăn về vốn, có nhu cầu đầu tư ứng trước…
Theo Trung tâm Dịch vụ miền núi tỉnh, thời gian qua trung tâm đã luôn chủ động tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật, giúp bà con sản xuất hiệu quả. Cùng với đó, các mặt hàng Trung tâm thực hiện hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất (cho ứng trước) là lúa giống, bắp giống, phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật các loại, tiền cày đất và gạo ăn trong thời gian sản xuất. Trong đó, định mức ứng trước đối với bắp lai tính theo diện tích gieo trồng thực tế của từng hộ và tối đa 2 ha/hộ/vụ. Nội dung đầu tư gồm chi phí là đất, giống bắp lai 15 kg/ha, phân bón các loại 550 kg/ha, thuốc bảo vệ thực vật 4 kg (hoặc 4 lít)/ha. Giá bán vật tư hàng hóa luôn được cập nhật kịp thời theo diễn biến thị trường và được công khai trên bảng thông tin tại các cửa hàng, đại lý, cũng như UBND các xã có thực hiện chính sách…Ngay như ở xã Phan Tiến (cũ), trong năm qua có 17 hộ thực hiện với diện tích hơn 19 ha, trong đó có 10 hộ nghèo và 7 hộ cận nghèo tham gia hỗ trợ liên kết sản xuất chuỗi giá trị. Các hộ dân được đầu tư gồm giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, tổng mức đầu tư 265,48 triệu đồng… Tính chung toàn tỉnh, trong 3 năm (từ 2022 - 2024), Trung tâm đã thực hiện đầu tư cho trên 3.200 hộ với tổng giá trị đầu tư hơn 43,89 tỷ đồng.
Theo đánh giá của Trung tâm, từ những kết quả đạt được, đồng bào tin tưởng vào chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Qua đó, nhận thức của các hộ đồng bào được nâng lên, phát huy nội lực vươn lên xóa đói, giảm nghèo. Song song, cùng với các chính sách hỗ trợ khác, thì chính sách từ NQ 18 đã góp phần giúp cho các hộ đồng bào có đủ vật tư, hàng hóa để phát triển sản xuất, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, ép ký, ép giá trong vùng đồng bào dân tộc. Nhờ vậy, góp phần thúc đẩy sản xuất vùng đồng bào dân tộc phát triển, xóa đói, giảm nghèo.
Kiều Hằng