Dấu chấm hết cho thời kỳ huy hoàng của bóng đá Tây Ban Nha

Dấu chấm hết cho thời kỳ huy hoàng của bóng đá Tây Ban Nha
4 giờ trướcBài gốc
Real Madrid không còn chi tiêu quá mạnh tay gần đây.
Khi Championship - giải hạng Nhất Anh - còn chi tiêu mạnh tay hơn, Serie A hay Ligue 1 liên tục có những thương vụ đình đám, thì các ông lớn của bóng đá Tây Ban Nha lại chỉ biết đứng nhìn. Thời kỳ hoàng kim với những bản hợp đồng trị giá hàng trăm triệu euro trở thành ký ức xa vời. Thay vào đó, kỳ chuyển nhượng tháng 1 năm nay chứng kiến La Liga không chỉ bị Premier League bỏ xa, mà thậm chí còn phải chấp nhận vị thế "bán ròng" - kiếm lời từ việc nhả người hơn là mang về những ngôi sao mới.
Từ những thương vụ điên rồ đến hiện thực cay đắng
Thương vụ đắt giá nhất của La Liga mùa đông này chỉ dừng ở con số 13 triệu euro - Real Betis chiêu mộ Cucho Hernández. Trong khi đó, Real Madrid và Barcelona hoàn toàn im hơi lặng tiếng, không bỏ ra một xu nào cho tân binh.
Đáng nói hơn, điều này diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm bảy năm ngày Barca vung 160 triệu euro mua Philippe Coutinho - một canh bạc thất bại thảm hại. Cộng với 150 triệu euro cho Ousmane Dembélé vào mùa hè trước đó, Barcelona tự đào hố chôn chính mình, khiến họ không thể phục hồi tài chính suốt nhiều năm qua.
Hiện tại, những so sánh về sức mạnh tài chính giữa La Liga và Premier League, hay thậm chí là Saudi Pro League, đều trở nên vô nghĩa. Các đội bóng Tây Ban Nha không còn chạy đua vũ trang, mà chỉ còn đang gồng mình để tồn tại.
Khác với những ngày tháng hoành tráng của dải ngân hà Galacticos, Real Madrid giờ đây cực kỳ thận trọng trong việc chi tiêu. Một phần lý do đến từ chính sách trả lương của họ: các cầu thủ được thanh toán hai lần một năm, vào cuối tháng 12 và đầu tháng 7. Nghĩa là khi bước vào kỳ chuyển nhượng mùa đông, ngân sách tiền mặt của họ gần như cạn kiệt.
Kylian Mbappe gia nhập Real Madrid dưới dạng chuyển nhượng tự do.
Cuối năm 2023, Real Madrid chỉ còn 35 triệu euro trong tài khoản, một con số quá khiêm tốn để có thể thực hiện những thương vụ lớn. Dù đội hình đang gặp khủng hoảng chấn thương với hàng loạt hậu vệ như Eder Militao, Dani Carvajal, Antonio Rudiger và David Alaba vắng mặt, nhưng “Los Blancos” vẫn không đưa về bất kỳ ai.
Chiến lược của Real giờ đây là săn đón những bản hợp đồng miễn phí, với Trent Alexander-Arnold được xem là mục tiêu hàng đầu vào mùa hè. Một nước đi đầy toan tính, nhưng cũng cho thấy họ đã hoàn toàn từ bỏ cuộc chơi trong những kỳ chuyển nhượng mùa đông.
Nếu Real Madrid đang kiên nhẫn chờ cơ hội, thì Barcelona thậm chí còn không có quyền lựa chọn. Ngay cả khi ký hợp đồng với Dani Olmo từ RB Leipzig và Pau Víctor từ Girona, họ vẫn gặp rắc rối trong việc đăng ký cầu thủ do vi phạm giới hạn quỹ lương của La Liga.
Phải nhờ đến sự can thiệp của Bộ trưởng Thể thao Tây Ban Nha, hai tân binh này mới có thể góp mặt trong danh sách thi đấu. Nhưng vụ việc này vẫn chưa chấm dứt, khi Chủ tịch La Liga, Javier Tebas, khởi kiện để lật lại quyết định tạm thời này.
Sự cứng rắn của La Liga không chỉ nhắm vào Barca mà còn nhằm bảo vệ sự công bằng giữa các đội bóng khác như Atletico Madrid, Athletic Bilbao hay Sevilla. Những đội bóng này, vốn dĩ cũng gặp khó khăn về tài chính, không muốn chứng kiến Barca liên tục “lách luật” để chi tiêu vượt mức.
Trong bối cảnh đó, những tin đồn về việc Barcelona muốn mượn Marcus Rashford từ Man United cũng nhanh chóng bị dập tắt. Đơn giản là họ không có tiền để thực hiện thương vụ này, ngay cả khi đó chỉ là một bản hợp đồng ngắn hạn.
La Liga mất vị thế, Premier League tiếp tục thống trị
Chuyện các CLB La Liga không thể vung tiền mua sắm không chỉ là vấn đề riêng của họ, mà còn phản ánh sự mất cân bằng tài chính giữa các giải đấu hàng đầu châu Âu.
Trong kỳ chuyển nhượng tháng 1, Ligue 1 - vốn được xem là giải đấu gặp khó khăn nhất về bản quyền truyền hình - vẫn có thặng dư tài chính cao hơn La Liga. Lens kiếm 46,7 triệu euro từ việc bán Abdukodir Khusanov cho Manchester City, Lyon thu gần 30 triệu euro, còn Stade Reims cũng thu về 38 triệu euro nhờ các thương vụ với Wolves. Ngay cả Rennes cũng mạnh tay chi tiêu hơn cả PSG với khoản lỗ ròng 44 triệu euro - minh chứng cho sự khốc liệt của cuộc chiến trụ hạng tại Pháp.
PSG bạo chi với Kvaratskhelia.
Ngoài Premier League, PSG là đội bóng hiếm hoi bên ngoài nước Anh có khả năng bơm tiền vào thị trường chuyển nhượng, với thương vụ 70 triệu euro chiêu mộ Khvicha Kvaratskhelia từ Napoli. Tuy nhiên, họ cũng phải bán Xavi Simons cho RB Leipzig với giá 50 triệu euro để cân bằng tài chính.
Tất cả điều đó cho thấy một thực tế không thể chối cãi: dòng tiền từ Premier League đang chi phối toàn bộ bóng đá châu Âu.
Vào đầu những năm 2000, Real Madrid từng là “đầu tàu” về tài chính, khi họ tận dụng một thương vụ bất động sản để có nguồn tiền mua Nicolas Anelka với giá 35 triệu euro vào năm 1999. Ngay sau đó, họ bước vào thời kỳ Galacticos, với những bản hợp đồng bom tấn như Luis Figo, Zinedine Zidane, Ronaldo “béo” và David Beckham.
Nhưng nguồn lực đó không phải vô hạn, giống như việc bán trước doanh thu tương lai mà họ đang thực hiện hiện nay. Trong những năm gần đây, cả Real Madrid và Barcelona đều bán đi phần lớn nguồn thu sắp tới - một dạng vay nợ kiểu mới, chỉ để giải quyết khó khăn tài chính trước mắt.
Thậm chí, Real Madrid còn đang cân nhắc từ bỏ mô hình sở hữu thành viên để bán cổ phần cho các nhà đầu tư tư nhân - một quyết định có thể làm thay đổi toàn bộ lịch sử của CLB. Nếu điều đó xảy ra, Barcelona nhiều khả năng cũng sẽ đi theo con đường tương tự.
Từ những gã khổng lồ hùng mạnh, giờ đây các đội bóng lớn nhất của Tây Ban Nha đang phải vật lộn với chính những sai lầm trong quá khứ. Và nếu tình hình không thay đổi, La Liga có thể sẽ sớm trở thành “kẻ ngoài lề” trên thị trường chuyển nhượng, nhường chỗ cho Premier League và Saudi Pro League trong cuộc chơi kim tiền.
Câu hỏi đặt ra là: Liệu La Liga có thể tìm ra lối thoát, hay đây sẽ là dấu chấm hết cho thời kỳ huy hoàng của bóng đá Tây Ban Nha?
Di Cầm
Nguồn Znews : https://znews.vn/dau-cham-het-cho-thoi-ky-huy-hoang-cua-bong-da-tay-ban-nha-post1529338.html