Đầu cơ giá lên đồng yên: Tưởng 'ngon' nhưng không dễ

Đầu cơ giá lên đồng yên: Tưởng 'ngon' nhưng không dễ
3 giờ trướcBài gốc
Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.
Nhiều nhà đầu tư trên toàn cầu đang vội rút khỏi vị thế đầu cơ giá lên đồng yên vì sự thận trọng của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ), chiến tranh thương mại, và chi phí tốn kém của việc nắm giữ đồng tiền này đang làm mất đi sức hấp dẫn của một trong những giao dịch phổ biến nhất năm nay - hãng tin Reuters cho hay.
Hầu hết các chuyên gia phân tích và nhà đầu tư còn tin rằng đồng yên sẽ tiếp tục tăng giá cùng với việc Nhật Bản dịch chuyển khỏi lãi suất siêu thấp. Tuy nhiên, đặt cược vào sự tăng giá của yên đang vấp phải nhiều trở ngại ngắn hạn, bao gồm việc Nhật Bản chưa đạt được một thỏa thuận thương mại với Mỹ.
Chính sách tiền tệ chính là điểm nghẽn lớn nhất đối với xu hướng tăng giá của yên, sau khi BOJ đã phát tín hiệu thận trọng với việc tiếp tục tăng lãi suất trong năm nay. Đợt tăng lãi suất gần đây nhất của BOJ diễn ra vào tháng 1, và giới chức của cơ quan này gần đây cho biết họ muốn xác định tác động đầy đủ của chính sách thuế quan Mỹ đối với kinh tế Nhật trước khi đưa ra quyết định lãi suất tiếp theo.
Nhà quản lý đầu tư trái phiếu James Athey của công ty Marlborough cho biết đã giảm vị thế đầu cơ giá lên đồng yên so với đồng USD vì nhận thấy sự thận trọng của BOJ là một trở ngại. “Chúng tôi thực sự thấy có một số yếu tố thuận lợi đối với đồng yên trong dài hạn, nhưng để có thể đi đến đích, sẽ phải vượt qua nhiều bất định và biến động”, ông nói với Reuters.
Vào thời điểm đầu tháng 7 này, nhà đầu tư vẫn nắm giữ lượng ròng vị thế đầu cơ giá lên đồng yên trị giá 11,41 tỷ USD. Dù vậy, con số này đã giảm nhiều so vói mức 15,7 tỷ USD vào thời điểm cuối tháng 4 - theo số liệu hàng tuần từ cơ quan giám sát thị trường của Mỹ.
Do lãi suất ở Nhật thấp và việc nhà đầu tư Nhật Bản có một lượng lớn tài sản ở nước ngoài, đồng yên rất nhạy cảm với biến động lãi suất trên thế giới. Khoảng cách lớn giữa lãi suất ở Mỹ và ở Nhật trong những năm gần đây đã đẩy đồng yên xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ, khiến nhà chức trách nước này phải có những đợt can thiệp tốn kém để bảo vệ tỷ giá đồng nội tệ.
Khoảng cách lãi suất đó cũng khiến cho việc mua và nắm giữ yên - đồng tiền mà trái phiếu có lợi suất bình quân 0,5%/năm - bằng USD, đồng tiền có lợi suất trái phiếu lên tới 4%, là một vị thế tốn kém đối với nhà đầu tư. Nếu đồng yên mất giá, đó sẽ là một cú lỗ kép.
Chiến lược gia vĩ mô toàn cầu Bo Zhuang của công ty Loomis Sayles nói rằng vào đầu năm nay, nhà đầu tư đã kỳ vọng rằng giao dịch đầu cơ giá lên đồng yên sẽ mang lại hiệu quả tốt sau 3-6 tháng. “Nhưng bây giờ, mọi người đều cho là thời gian cần thiết sẽ dài hơn thế, và chi phí nắm giữ một vị thế giá lên đồng yên có thể là quá cao đối với họ”, ông Zhuang phát biểu.
Khi mới bước sang năm 2025, thị trường kỳ vọng Nhật Bản sẽ tăng nhanh lãi suất và sau đó Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ nối lại việc giảm lãi suất. Các nhà đầu cơ giá lên đã hưởng lợi khi kế hoạch thuế quan đối ứng mà Tổng thống Donald Trump đưa ra vào tháng 4 gây chấn động thị trường tài chính toàn cầu và khiến đồng USD mất giá mạnh, đẩy đồng yên tăng 9% trong một khoảng thời gian gắn từ mức gần 160 yên đổi 1 USD. Với mức tăng như vậy trong 6 tháng đầu năm, đồng yên đã có nửa đầu năm tăng giá mạnh nhất kể từ năm 2016.
Nhưng khi BOJ thể hiện quan điểm thận trọng về tăng lãi suất, đà tăng của yên đã chững lại.
Theo nhà quản lý danh mục cấp cao Matthias Scheiber của công ty Allspring Global Investments, giao dịch đầu cơ giá lên đồng yên đang gây thua lỗ vì chênh lệch lãi suất của BOJ và Fed cùng giữ nguyên. Ông cũng cho biết đã giảm vị thế này, nhưng cho rằng bất kỳ đợt bán tháo đồng yên nào cũng là cơ hội để mua.
“Chúng tôi vẫn thích giao dịch giá lên đồng yên dù trong hai tuần qua, đồng tiền này cơ bản là đi ngang”, ông Scheiber phát biểu.
Theo giới phân tích, đường đi của tỷ giá yên trong thời gian tới sẽ tùy thuộc nhiều vào việc Nhật Bản cuối cùng sẽ bị Mỹ áp thuế quan ở mức bao nhiêu. Ngày 7/7, ông Trump đã gửi thư tới một loạt quốc gia, trong đó có Nhật Bản, thông báo mức thuế đối ứng có hiệu lực từ ngày 1/8. Theo đó, Nhật Bản bị áp mức thuế 24%, cao hơn 1 điểm phần trăm so với mức công bố lần đầu vào ngày 2/4. Tuy nhiên, khoảng thời gian từ nay đến 1/8 vẫn là cơ hội để Nhật Bản tiếp tục đàm phán thương mại với Mỹ.
Mức thuế cao sẽ đặt ra thách thức đối với hàng hóa xuất khẩu của Nhật Bản, nhất là ô tô, và khiến cho nỗ lực dịch chuyển khỏi giai đoạn lãi suất siêu thấp kéo dài hàng thập kỷ qua của BOJ trở nên khó khăn hơn.
“Tôi cho rằng đồng yên đang đợi một chất xúc tác từ đàm phán thương mại Nhật - Mỹ, vì tôi cho rằng đó là một trở ngại đối với các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản. Tỷ giá đồng yên luôn chịu tác động luân phiên giữa hai kiểu tâm lý là cực kỳ hưng phấn và cực kỳ thất vọng”, chiến lược gia tiền tệ Moh Siong Sim của ngân hàng Bank of Singapore nhận xét.
An Huy
Nguồn VnEconomy : https://vneconomy.vn/dau-co-gia-len-dong-yen-tuong-ngon-nhung-khong-de.htm