Nạn nhân được xác định là ông Wasim, sống tại huyện Tanggamus, tỉnh Lampung, trên đảo Sumatra. Theo thông tin ban đầu, ông Wasim ra sông Semaka tắm như thường lệ thì bị cá sấu ngoạm và kéo lê dưới nước. Do bị tấn công quá bất ngờ, ông không kịp kêu cứu.
Con cá sấu tấn công cụ ông
Người dân địa phương sau đó phát hiện quần áo của ông để lại trên bờ, lập tức tổ chức tìm kiếm và chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng khi con cá sấu đang kéo nạn nhân dưới nước. Cảnh sát trưởng khu vực Semaka, ông AKP Sutarto, cho biết thi thể nạn nhân được tìm thấy trong vòng một giờ sau đó. “Con cá sấu chỉ chịu buông người sau khi bị người dân đánh đuổi nhiều lần. Tuy nhiên, khi tiếp cận, ông Wasim đã tử vong”, ông nói.
Con rể nạn nhân, anh Samugi, chia sẻ rằng vào sáng cùng ngày, ông Wasim vẫn chào tạm biệt gia đình trước khi ra sông như mọi khi. Không ai ngờ buổi sáng bình thường ấy lại trở thành lần cuối cùng được nhìn thấy ông.
Thi thể nạn nhân được phát hiện với nhiều vết thương sâu ở lưng và vai. Gia đình từ chối khám nghiệm tử thi và đưa ông về an táng theo phong tục địa phương.
Người dân tìm kiếm con cá sấu
Sau vụ việc đau lòng, cảnh sát địa phương khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác khi sinh hoạt gần sông ngòi.
Indonesia là nơi sinh sống của 14 loài cá sấu, trong đó nhiều loài lớn và hung dữ thường xuất hiện ở các vùng cửa sông – môi trường lý tưởng cho chúng phát triển. Các chuyên gia bảo tồn cho biết, hoạt động khai thác quá mức và mất môi trường sống do mở rộng nông nghiệp đã khiến cá sấu ngày càng xâm nhập sâu vào khu vực dân cư. Tình trạng khai thác thiếc tràn lan cũng góp phần đẩy loài này đến gần con người hơn.
Ngoài ra, tập quán sử dụng sông làm nơi sinh hoạt và đánh bắt cá theo kiểu truyền thống cũng là nguyên nhân khiến các vụ cá sấu tấn công ngày càng gia tăng.
Theo số liệu của CrocAttack – tổ chức thống kê độc lập về các vụ việc liên quan đến cá sấu – trong năm 2024, Indonesia đã ghi nhận 179 vụ cá sấu tấn công người, trong đó có tới 92 trường hợp tử vong.
Minh Minh (T/h)