Đau nhói là biểu hiện điển hình khi bị bong gân. Ảnh: Pexels.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Tấn Vũ, Trưởng Đơn vị điều trị ban ngày, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (cơ sở 3), bao khớp che phủ khớp xương và liên kết các mặt khớp tiếp xúc nhau, giúp vận động khớp được dể dàng. Trong khi đó, dây chằng là những cấu trúc gia tăng cho bao khớp giúp khớp xương vận động vững vàng.
Một người có hoạt động kéo dãn quá mức, có thể làm rách hoặc đứt dây chằng hoàn toàn nhưng không ảnh hưởng đến gân cơ, thường không có di lệch vĩnh viễn các mặt khớp. Bệnh lý bong gân, sai khớp còn được gọi là tổn thương dây chằng.
Bong gân, sai khớp thường xãy ra ở các vị trí như cổ chân, khớp gối, bàn chân, cổ tay, ngón tay, ít gặp hơn trong các khớp khuỷu cánh tay, khớp vai. Bong gân, sai khớp thường gặp ở người trẻ, do các nguyên nhân chấn thương hoặc trật khớp gây nên.
Dựa theo mức độ tổn thương của cấu trúc các bó collagene dây chằng mà bệnh lý dây chằng hay bong gân, được phân thành ba loại. Thứ nhất là bong gân độ 1, xảy ra khi sức kéo căng vượt quá 4 %, dây chằng bị dãn dài ra không tự co lại được, có một số ít sợi collagene bị đứt.
Bong gân độ 2 sẽ xảy ra khi sức kéo mạnh hơn 4 % và nhỏ hơn 20 %, người bệnh bị đứt nhiều sợi collagene, khớp xương vẫn còn vững chắc nhưng chưa bị chênh lệch.
Ở độ 3 của bong gân, toàn bộ dây chằng bị đứt hoàn toàn khi người bệnh dùng sức kéo căng vượt quá 20 % mức biến dạng. Khớp xương của người bệnh chênh vênh lỏng lẻo ở nhiều mức độ, có thể kèm theo thương tổn của bao khớp và cơ xung quanh.
Người bị bong gân sẽ có cảm giác đau nhói ngay khi chấn thương, đau ở chỗ bám của dây chằng hoặc trên đường đi của dây chằng. Cảm giác tê nặng nhức nhối tại chổ tổn thương, dù người bệnh không vận động.
Đau tăng khi người bệnh vận động khớp hoặc sờ ấn vào vùng tổn thương, khi kéo căng dây chằng.
Bên cạnh đó, bệnh nhân có biểu hiện bầm và sưng tại chổ tổn thương. Bong gân nhẹ, người bệnh sẽ đau ít, sưng quanh khớp, hạn chế cơ năng. Khi bị bong gân nặng, người bệnh bị đau nhiều, sưng nhanh và to quanh khớp, cơ năng hoạt động giảm nhiều, cử động khớp rất đau, có những động tác bất thường và khớp không vững.
72 giờ sau khi chấn thương, người bệnh sẽ có biểu hiện viêm tấy, nước hoạt dịch ngấm vào các mô dây chằng , khối máu tụ do mạch máu bị thương tổn ngấm vào mô và đông thành máu cục, có khi tràn vào khe khớp. Viêm tấy được xem như tình trạng viêm vô trùng của bao khớp.
Sau chấn thương 4-6 tuần, là giai đoạn đại thực bào tiêu hũy mô giập nát và máu tụ, xuất hiện các chồi máu để tạo ra mạch máu mới. Thời điểm này, tình trạng bong gân đang dần phục hồi, nguyên bào sợi được huy động đến vùng bong gân để tạo các sợi colagene non.
Bác sĩ Vũ khuyến cáo khi có biểu hiện bong gân, sai khớp, người bệnh nên đến các cơ sở y tế có chuyên môn để được thăm khám. Người bệnh không tự ý điều trị tại nhà, có thể để lại di chứng suốt đời.
Nguyễn Thuận