Theo TS.BS Phạm Minh Tuấn, Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai, suy tim là tình trạng bệnh lý, trong đó tim không đủ khả năng đáp ứng nhu cầu oxy cho các hoạt động của cơ thể.
Dựa vào diễn biến của bệnh, suy tim được chia thành hai thể là suy tim cấp và suy tim mạn tính.
Suy tim cấp nguy hiểm như thế nào?
"Suy tim cấp có thể là mới xuất hiện hoặc đợt tiến triển nặng lên của suy tim mạn tính (gọi là đợt cấp mất bù của suy tim). So với đợt cấp mất bù suy tim, suy tim cấp mới khởi phát có tỷ lệ tử vong khi nhập viện cao hơn. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong sau khi xuất viện và tái nhập viện thấp hơn", TS Minh Tuấn nói.
Ông cũng cho hay suy tim cấp là nguyên nhân hàng đầu nhập viện ở những người bệnh trên 65 tuổi, tỷ lệ tử vong khi nhập viện 4-10%, tỷ lệ không qua khỏi một năm sau xuất viện lên đến 25-30%.
Suy tim cấp là nguyên nhân hàng đầu nhập viện ở những người bệnh trên 65 tuổi. Ảnh: Shutterstock.
Người bệnh suy tim cấp cần được đánh giá chính xác, khẩn trương nhằm khởi động kịp thời các biện pháp điều trị tích cực, bao gồm liệu pháp đường tĩnh mạch (thuốc vận mạch, lợi tiểu, tăng co bóp cơ tim…) hoặc hỗ trợ cấp cứu tim mạch chuyên sâu.
Các dấu hiệu của bệnh suy tim cấp
Theo TS.BS Phạm Minh Tuấn, tùy thuộc vào bệnh cảnh, suy tim cấp có thể có các biểu hiện khác nhau:
Suy tim cấp mới xuất hiện
Triệu chứng khởi phát nhanh, cơ tim không đủ thời gian để thích nghi. Vì thế, các biểu hiện thường rầm rộ, người bệnh có thể nhanh chóng tiến triển đến tình trạng suy hô hấp cấp, sốc tim.
Người mệt mỏi, khó thở, thở nhanh, xảy ra ở nhiều mức độ. Nếu tình trạng suy tim nặng, người bệnh khó thở liên tục, vật vã, kích thích, ngồi dậy để thở, cảm giác thiếu oxy như "chết đuối trên cạn", gọi là cơn phù phổi cấp.
Ý thức có thể vật vã kích thích hoặc lơ mơ khi tình trạng thiếu oxy não nghiêm trọng. Chân tay lạnh ẩm, nổi vân tím toàn thân. Huyết áp khó đo, bắt mạch nhanh nhỏ.
Các triệu chứng này sau khi điều trị thuốc theo đơn có thể thuyên giảm hoặc mất đi.
Đợt cấp suy tim mạn tính
Người bệnh có thể thấy khó thở tăng lên, khả năng gắng sức giảm đi so với thường ngày, mệt nhiều lên thậm chí khi nghỉ ngơi. Phù hai chân, trắng, mềm, đôi lúc kín đáo như đi dép, đi tất thấy chật hơn, diễn biến tăng dần. Đi tiểu ít đi. Ho khan, đặc biệt khi thay đổi tư thế, cảm giác tức nặng ngực do tràn dịch màng phổi.
Phù hai chân, trắng, mềm, đôi lúc kín đáo như đi dép, đi tất thấy chật hơn, diễn biến tăng dần. Ảnh minh họa: Healthgrades.
Ngoài ra, cân nặng có thể thấy tăng nhanh chóng, nếu tăng trên 2 kg trong vòng 1 tuần là dấu hiệu cảnh báo cần phải đi khám ngay. Người bệnh còn có thể thấy đầy bụng, bụng trướng, ăn uống kém, buồn nôn.
Nếu tình trạng nặng lên, xuất hiện khó thở liên tục, không nằm được đầu bằng, phải kê cao gối, thậm chí đang ngủ phải ngồi dậy để thở. Người bệnh cũng có thể thấy chân tay lạnh, nổi vân tím khi tim suy quá nặng dẫn đến huyết áp tụt và không đảm bảo tưới máu cho các cơ quan.
Biểu hiện suy hô hấp nặng, phù phổi cấp như đã mô tả trên sẽ xảy ra nếu không được can thiệp y tế kịp thời. Các triệu chứng này có thể do nhiễm trùng, sốt, đau ngực trái, hoặc đo thấy huyết áp tăng cao, đường máu cao.
Khi có dấu hiệu gợi ý suy tim cấp, người bệnh tuyệt đối không tự điều chỉnh các thuốc đang dùng, có thể dẫn đến nguy hiểm tính mạng. Người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế gần nhà để được đánh giá các dấu hiệu nguy hiểm của suy tim cấp nhằm can thiệp kịp thời, cũng như có điều trị đặc hiệu nguyên nhân bệnh.
Phương Anh