Trong phong thủy nhà ở, cầu thang không chỉ là phương tiện giao thông kết nối các tầng mà còn là yếu tố ảnh hưởng đến dòng chảy năng lượng (khí). Chiếc cầu thang thiết kế hợp lý sẽ giúp luân chuyển sinh khí, mang đến sự thịnh vượng, tốt lành cho gia chủ. Việc cầu thang phạm phong thủy được cho là có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến vận khí, sức khỏe và mối quan hệ của các thành viên.
Thế nào là cầu thang phạm phong thủy?
Dưới đây là những dấu hiệu cầu thang phạm phong thủy cũng như cách hóa giải theo quan niệm phong thủy phương Đông.
Cầu thang đặt chính giữa nhà
Một số gia chủ đặt cầu thang ở vị trí trung tâm để tiện lợi cho việc di chuyển. Tuy nhiên, theo phong thủy, trung tâm ngôi nhà là vị trí "trung cung", đóng vai trò như trái tim điều tiết năng lượng toàn bộ không gian sống. Đặt cầu thang tại đây không khác gì đặt một vật nặng đè lên "trái tim", khiến khí vận trong nhà bị chia cắt.
Cách hóa giải: Nếu không thể thay đổi vị trí, có thể sử dụng thảm hoặc cây xanh quanh khu vực chân cầu thang để làm dịu năng lượng. Có thể kết hợp thêm đèn vàng ấm để tạo cảm giác hài hòa, cân bằng.
Cầu thang đặt đối diện cửa chính
Một trong những lỗi phong thủy phổ biến nhất là đặt cầu thang ngay đối diện cửa chính. Theo quan niệm phong thủy, cửa chính là nơi đón khí vào nhà. Nếu cầu thang đối diện trực tiếp với cửa chính, luồng khí (bao gồm cả sinh khí và tài khí) sẽ bị hút lên tầng trên hoặc đẩy ngược ra ngoài, khiến ngôi nhà không giữ được năng lượng tích cực.
Cách hóa giải: Nếu cầu thang đã được xây đối diện cửa chính, gia chủ có thể hóa giải dấu hiệu phạm phong thủy này bằng cách đặt một bức bình phong, tủ trang trí hoặc cây cảnh lớn để chắn luồng khí trực tiếp. Ngoài ra, treo rèm hạt hoặc chuỗi tiền xu phong thủy cũng giúp điều chỉnh dòng khí một cách hiệu quả.
Cầu thang xoáy trôn ốc
Trong phong thủy, cầu thang xoắn ốc bị cho là tạo sát khí do luồng khí bị xoáy mạnh, gây nhiễu loạn năng lượng trong nhà. (Ảnh: Giggster)
Cầu thang xoắn ốc thường được sử dụng trong những ngôi nhà có diện tích nhỏ, hoặc để tạo điểm nhấn kiến trúc. Tuy nhiên, trong phong thủy phương Đông, dạng cầu thang này bị đánh giá là tạo sát khí do luồng khí bị xoáy quá mạnh, không ổn định, gây nhiễu loạn năng lượng trong nhà. Đặc biệt, nếu cầu thang xoắn ốc đặt ở giữa nhà hoặc hướng thẳng vào phòng ngủ, phòng bếp, hoặc phòng thờ thì càng không tốt.
Nên hạn chế sử dụng cầu thang xoắn ốc trong nhà ở. Nếu không thể thay đổi, các nhà phong thủy thường gợi ý treo quả cầu thủy tinh, gương bát quái lồi hoặc chuông gió ở đầu và cuối cầu thang để điều hòa khí lưu.
Cầu thang hướng vào bếp, phòng ngủ hoặc phòng thờ
Cầu thang đổ thẳng vào bếp hoặc phòng ngủ bị cho là phạm phong thủy vì khiến năng lượng xung đột, tạo cảm giác bất an.
Cách hóa giải: Nên dùng rèm che hoặc đặt kệ sách, tủ trang trí ở lối đi để giảm bớt luồng khí xộc thẳng vào các không gian này. Ngoài ra, có thể sử dụng thảm trải sàn, đá thạch anh hoặc các vật phẩm phong thủy để tạo lớp "đệm" năng lượng.
Cầu thang không có chiếu nghỉ hoặc quá dốc
Thiết kế cầu thang quá dốc, không có chiếu nghỉ hoặc bậc quá cao sẽ gây bất tiện cho việc di chuyển, đồng thời tạo cảm giác "lao dốc" về mặt năng lượng. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến an toàn mà còn được cho là khiến sinh khí không thể lưu thông ổn định. Trong phong thủy, cầu thang tượng trưng cho con đường công danh và sự thăng tiến, vì thế không nên quá dốc hay gấp khúc.
Nên thiết kế cầu thang với độ dốc vừa phải (không quá 30 độ), mỗi đoạn nên có chiếu nghỉ nếu cao hơn 2,5m.
Cầu thang tối
Thiếu ánh sáng là một dấu hiệu cầu thang phạm phong thủy. (Ảnh: Realhomes)
Cầu thang là nơi lưu thông khí, nếu thiếu sáng hoặc ẩm thấp sẽ dễ tích tụ âm khí, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và tâm trạng. Những ngôi nhà có cầu thang tối tăm thường khiến người sống trong đó cảm thấy nặng nề, dễ mệt mỏi và hay xảy ra xích mích.
Cách hóa giải: Bố trí hệ thống đèn chiếu sáng hợp lý dọc theo cầu thang. Tốt nhất nên sử dụng ánh sáng ấm, vàng nhẹ để tạo cảm giác thân thiện, dễ chịu. Cũng có thể trang trí thêm cây xanh nhỏ hoặc tranh phong thủy để tăng sinh khí.
(*) Thông tin trong bài mang tính tham khảo, chiêm nghiệm.
Ánh Nguyệt (Tổng hợp)