Dấu hiệu cha mẹ không nên bỏ qua khi trẻ bị cúm

Dấu hiệu cha mẹ không nên bỏ qua khi trẻ bị cúm
13 giờ trướcBài gốc
Các triệu chứng thường xuất hiện sau 1- 4 ngày khi cơ thể tiếp xúc với virus cúm. Ảnh: Freepik.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, ước đoán hàng năm có từ 290.000 đến 650 000 ca tử vong liên quan cúm mùa, trong đó tỷ lệ không qua khỏi ở trẻ em là 110-140 trẻ/ 10.000 người tử vong.
Con số này cho thấy cúm mùa không hề là một bệnh "nhẹ" như nhiều người vẫn nghĩ, đặc biệt với trẻ em, người cao tuổi và người có bệnh nền.
Bác sĩ Lê Trương Tuyết Minh, khoa Nhi, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết trẻ em có thể mắc cúm khi tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân cúm mùa hoặc sống tại khu vực có bệnh lưu hành.
Các triệu chứng nhiễm trùng đường hô hấp thường xuất hiện sau 1- 4 ngày khi cơ thể tiếp xúc với virus cúm. Trẻ thường có biểu hiện sốt (thường trên 38 độ C), đau đầu, đau nhức cơ toàn thân, ăn không ngon, mệt mỏi và có một trong số các biểu hiện về hô hấp như đau họng, hắt hơi, ngạt mũi, chảy nước mũi, ho, khó thở.
Theo bác sĩ Minh, khi mắc cúm chưa có biến chứng (cúm nhẹ), trẻ có biểu hiện hội chứng cúm đơn thuần. Tuy nhiên, trường hợp có biến chứng, bệnh nhi thường có một trong các biểu hiện sau:
Tổn thương ở phổi với biểu hiện suy hô hấp trên lâm sàng (thở nhanh, khó thở, SpO2 giảm, PaO2 giảm).
Biến chứng thứ phát như viêm xoang, viêm phổi do bội nhiễm vi khuẩn, sốc nhiễm khuẩn, suy đa phủ tạng.
Có các dấu hiệu nặng lên của bệnh lý mạn tính kèm theo (bệnh phổi, bệnh gan, suy thận, tiểu đường, bệnh tim mạch, bệnh về máu).
Trẻ < 5 tuổi, đặc biệt trẻ < 2 tuổi; mắc những bệnh mạn tính (chậm phát triển trí tuệ hoặc vận động, hen phế quản, tim bẩm sinh, suy thận mạn, xơ gan); suy dinh dưỡng hoặc béo phì nặng; suy giảm miễn dịch bẩm sinh hay mắc phải... có nguy cơ cao biến chứng cúm nặng.
Theo vị chuyên gia, trường hợp bệnh nhi mắc cúm có biến chứng cần được nhập viện để điều trị và dùng thuốc kháng virus càng sớm càng tốt. Trẻ mắc cúm có kèm theo các yếu tố nguy cơ nên được nhập viện để theo dõi và xem xét điều trị sớm thuốc kháng virus.
Với bệnh nhi cúm chưa biến chứng, trẻ có thể không cần xét nghiệm hoặc điều trị cúm tại cơ sở y tế. Nếu triệu chứng nặng lên hoặc lo lắng về tình trạng sức khỏe, cha mẹ nên đưa con nên đến cơ sở y tế để được tư vấn và chăm sóc.
Phương Anh
Nguồn Znews : https://lifestyle.znews.vn/dau-hieu-cha-me-khong-nen-bo-qua-khi-tre-bi-cum-post1542462.html