Nếu trẻ có những biểu hiện dưới đây, rất có thể quá trình phát triển chiều cao đang bị cản trở mà cha mẹ chưa nhận ra.
1. Tăng chiều cao chậm hơn bạn bè cùng tuổi
Cha mẹ cần chú ý khi con tăng chiều cao chậm hơn bạn bè trang lứa.
Nếu bạn nhận thấy con mình hầu như không cao thêm trong vài tháng, hoặc mỗi năm chỉ nhích lên vài centimet trong khi bạn bè đồng trang lứa đã vượt trội hơn, đó là dấu hiệu đáng lưu ý.
Nguyên nhân có thể đến từ việc thiếu hormone tăng trưởng (GH), chế độ ăn chưa đủ dưỡng chất hoặc trẻ ít vận động. Trong giai đoạn từ 6 đến 18 tuổi - “thời kỳ vàng” để phát triển chiều cao – trẻ có thể tăng từ 5 đến 10 cm/năm nếu được hỗ trợ đúng cách.
2. Lười vận động, ít ra ngoài và thiếu ánh nắng
Ánh nắng sáng sớm giúp cơ thể tổng hợp vitamin D - yếu tố không thể thiếu để hấp thu canxi và khoáng chất cho xương. Trong khi đó, vận động thể chất như chạy nhảy, đạp xe, bơi lội giúp kích thích sản xuất hormone tăng trưởng tự nhiên, hỗ trợ quá trình phát triển mô xương.
Ánh nắng sáng sớm giúp cơ thể tổng hợp vitamin D - yếu tố không thể thiếu để hấp thu canxi và khoáng chất cho xương.
Trẻ em ngồi trong nhà quá nhiều, lười chơi thể thao, ít tiếp xúc với ánh nắng dễ có mật độ xương thấp và chậm phát triển chiều cao so với chuẩn.
3. Ngủ muộn, ngủ không đủ giấc
Hormone tăng trưởng GH tiết ra mạnh nhất trong giấc ngủ sâu, đặc biệt từ 22h đêm đến 2h sáng. Trẻ em cần ngủ đủ từ 8 - 10 tiếng mỗi ngày và nên đi ngủ trước 10h đêm để đảm bảo cơ thể có đủ thời gian nghỉ ngơi và phục hồi.
Nếu trẻ thường xuyên ngủ muộn, ngủ chập chờn hoặc bị gián đoạn giấc ngủ, quá trình sản sinh hormone tăng trưởng sẽ bị ảnh hưởng, làm chậm quá trình phát triển thể chất.
4. Chế độ ăn thiếu chất, đặc biệt là đạm, canxi và kẽm
Trẻ ăn uống thiên lệch, chủ yếu là tinh bột (cơm, bánh mì, mì gói), ít rau xanh, ít đạm và thiếu các thực phẩm giàu canxi như trứng, cá nhỏ, sữa, các loại hạt… sẽ dễ rơi vào tình trạng thiếu hụt vi chất cần thiết cho xương phát triển.
Chế độ ăn không đủ dễ khiến trẻ thiếu hụt vi chất.
Khi cơ thể không đủ nguyên liệu xây dựng mô xương và sụn, nó sẽ ưu tiên hoạt động sống cơ bản thay vì tăng trưởng chiều cao.
5. Trẻ hay căng thẳng, mệt mỏi, ít hứng thú vận động
Tâm lý cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến hormone và sự phát triển của trẻ. Nếu trẻ thường xuyên stress, thiếu ngủ, học quá tải hoặc ít được khuyến khích vận động, các yếu tố này sẽ dần cản trở sự phát triển tự nhiên của cơ thể.
Lời khuyên cho cha mẹ
Để hỗ trợ tối ưu cho quá trình phát triển chiều cao của trẻ, cha mẹ cần xây dựng cho con một lối sống lành mạnh, khoa học ngay từ hôm nay. Trước hết, hãy khuyến khích trẻ vận động ngoài trời mỗi ngày, ít nhất 30 phút, để tăng cường thể lực và thúc đẩy quá trình tổng hợp vitamin D tự nhiên từ ánh nắng. Song song đó, duy trì thói quen ngủ sớm – ngủ đủ giấc là yếu tố không thể thiếu, bởi hormone tăng trưởng chỉ tiết ra mạnh nhất vào ban đêm, đặc biệt trong khung giờ từ 22h đến 2h sáng.
Về dinh dưỡng, cần chú trọng khẩu phần ăn đầy đủ đạm động vật, rau xanh, trứng, cá nhỏ, sữa và các thực phẩm giàu canxi, kẽm là những vi chất thiết yếu cho sự phát triển mô xương và sụn. Bên cạnh đó, cha mẹ nên theo dõi chiều cao của trẻ theo biểu đồ tăng trưởng chuẩn và đưa trẻ đi kiểm tra y tế khi thấy dấu hiệu chậm tăng rõ rệt.
Cuối cùng, một yếu tố quan trọng không kém là tạo cho trẻ môi trường sống tích cực, tâm lý thoải mái, tránh áp lực học hành quá mức để giúp trẻ phát triển toàn diện cả thể chất lẫn tinh thần.
Quỳnh Hoa