Dấu hiệu điển hình cảnh báo bạn nhiễm giun sán

Dấu hiệu điển hình cảnh báo bạn nhiễm giun sán
5 giờ trướcBài gốc
Giun sán ký sinh có thể gây ra nhiều vấn đề cho sức khỏe. Ảnh: Ccfmed.
Giun sán, hay còn gọi là giun ký sinh, là những sinh vật sống bên trong cơ thể con người và ăn chất dinh dưỡng, thường gây ra các vấn đề về sức khỏe. Các loại giun sán phổ biến bao gồm giun tròn, sán dây, giun móc và giun kim. Những loại giun này thường xâm nhập vào cơ thể thông qua thực phẩm, nước, đất hoặc vết côn trùng cắn bị ô nhiễm.
Triệu chứng điển hình
Theo NDTV, trong khi một số người không có biểu hiện cụ thể, người bệnh nhiễm giun thường gặp phải triệu chứng dưới đây:
Các vấn đề về tiêu hóa như tiêu chảy dai dẳng, táo bón, đầy hơi và đau bụng
Giun ký sinh tiêu thụ chất dinh dưỡng từ vật chủ, dẫn đến sụt cân đột ngột mặc dù vẫn ăn bình thường hoặc ăn nhiều
Thiếu hụt chất dinh dưỡng do giun sán gây sụt giảm năng lượng và mệt mỏi mạn tính
Giun kim gây ngứa hậu môn dữ dội, thường nặng hơn vào ban đêm
Nhiều loại giun gây buồn nôn, dẫn đến chán ăn và khó tiêu
Phản ứng dị ứng, dẫn đến phát ban, nổi mề đay hoặc ngứa
Thiếu máu và thiếu vitamin
Trong một số trường hợp, có thể nhìn thấy giun trưởng thành hoặc ấu trùng trong phân hoặc gần hậu môn
Gây nghiến răng ở trẻ nhỏ và người lớn do ký sinh trùng gây phản ứng căng thẳng
Giun phá vỡ sự cân bằng vi khuẩn đường ruột, dẫn đến đầy hơi và chướng bụng.
Nhiều loại giun sán có thể gây phản ứng dị ứng, ngứa da. Ảnh: Shutterstock.
Làm gì khi bị nhiễm giun sán
Khi bạn nghi ngờ bị nhiễm giun, hãy gọi điện cho bác sĩ hoặc đi khám để được chẩn đoán và điều trị sớm. Thuốc có hiệu quả tiêu diệt ký sinh trùng, nhưng dùng loại thuốc nào còn phụ thuộc vào loài giun.
Bạn nên thực hiện đúng quá trình điều trị bác sĩ đưa ra để đảm bảo loại bỏ hết ký sinh trùng. Xét nghiệm phân thường xuyên có thể giúp phát hiện tái nhiễm, đặc biệt là nếu các triệu chứng vẫn tiếp diễn hoặc tái phát.
Nhiễm giun ký sinh có thể điều trị được, nhưng phát hiện và điều trị sớm là điều cần thiết để ngăn ngừa biến chứng. Thực hiện những điều dưới đây để giúp loại bỏ giun và ngăn ngừa tái nhiễm:
- Rửa tay kỹ bằng xà phòng sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn và sau khi chăm sóc vật nuôi. Điều này giúp ngăn ngừa giun tái nhiễm, vì một số loại giun đẻ trứng gần hậu môn, dễ lây lan qua việc gãi.
- Giặt khăn trải giường, quần áo, khăn tắm và đồ lót bằng nước nóng để loại bỏ bất kỳ trứng giun còn sót lại. Thường xuyên khử trùng bề mặt phòng tắm và hút bụi thảm.
- Một số loại giun sán, như sán dây, lây truyền qua thịt và hải sản sống hoặc nấu chưa chín. Vì vậy, luôn nấu thịt ở nhiệt độ an toàn và tránh ăn sushi hoặc thịt chưa nấu chín.
- Nhiễm giun gây mất nước do tiêu chảy và nôn mửa. Uống nhiều nước sạch để đào thải độc tố và hỗ trợ cơ thể phục hồi.
- Thực phẩm nên ăn:
Một số loại thực phẩm có đặc tính chống ký sinh trùng tự nhiên như tỏi, hạt bí ngô, hạt đu đủ, dừa và nghệ
Ăn thực phẩm giàu lợi khuẩn như sữa chua, kefir và rau lên men giúp phục hồi hệ vi khuẩn đường ruột khỏe mạnh và tăng cường khả năng miễn dịch
Giun phát triển mạnh nhờ đường và carbohydrate chế biến, vì vậy, giảm lượng đường nạp vào và ăn thực phẩm nguyên chất, giàu dinh dưỡng để tiêu diệt ký sinh trùng, đẩy nhanh quá trình phục hồi.
Mai Phương
Nguồn Znews : https://lifestyle.znews.vn/dau-hieu-dien-hinh-canh-bao-ban-nhiem-giun-san-post1545800.html