Dấu hiệu nhận biết sớm bệnh viêm não mô cầu

Dấu hiệu nhận biết sớm bệnh viêm não mô cầu
2 ngày trướcBài gốc
Triệu chứng giống cảm lạnh và cúm
Viêm màng não do não mô cầu gây ra bởi vi khuẩn não mô cầu Neisseria meningtidis. Loại viêm màng não đặc biệt này có thể dẫn đến tử vong trong một khoảng thời gian rất ngắn cho khoảng một nửa số bệnh nhân không được điều trị.
Viêm màng não do não mô cầu khởi phát bởi các triệu chứng giống cảm lạnh và cúm, như đau đầu và sốt cao. Triệu chứng của viêm màng não cũng bao gồm lú lẫn, hoặc quấy khóc ở trẻ sơ sinh và cứng cổ. Bạn nên đến khám bác sỹ ngay nếu bạn nghi ngờ bản thân hoặc người nhà có thể bị viêm màng não do não mô cầu.
Nếu vi khuẩn ở trạng thái hoạt động, nghĩa là gây nên các triệu chứng và bệnh, chúng trở nên rất nguy hiểm.
Theo Viện nghiên cứu quốc gia về các rối loạn thần kinh và đột quỵ Hoa Kỳ (NINDS), nhiễm trùng có thể dẫn đến tử vong từ 10-15% số trường hợp, kể cả đã được điều trị. 10-15% các trường hợp còn lại sẽ để lại những tổn thương vĩnh viễn về não bộ hoặc các hậu quả, di chứng không mong muốn nghiêm trọng khác.
Ảnh minh họa.
Nhiều triệu chứng nghiêm trọng
Các triệu chứng điển hình xuất hiện trong vòng từ 3-5 ngày sau khi tiếp xúc với vi khuẩn não mô cầu. Đây là thời gian ủ bệnh. Trong một số trường hợp, giai đoạn này có thể chỉ kéo dài 2 ngày sau khi tiếp xúc với vi khuẩn hoặc cũng có thể kéo dài đến 14 ngày.
Viêm màng não do não mô cầu có rất nhiều triệu chứng phổ biến và nghiêm trọng. Những triệu chứng này thường xuất hiện rất nhanh, bao gồm: Lú lẫn; Đau đầu; Sốt cao; Rất nhạy cảm với ánh sáng (chứng sợ ánh sáng); Cứng cổ; Nôn mửa.
Những triệu chứng khác có thể xảy ra, nhưng hiếm gặp hơn bao gồm: Cáu gắt; Ban đỏ; Buồn ngủ; Hôn mê...
Khi bệnh tiến triển, bệnh nhân có thể sẽ bị co giật và thậm chí có thể dẫn đến tử vong, đặc biệt là khi không được điều trị kịp thời.
"Cứ 5 người sống sót sẽ có 1 người có những hậu quả, di chứng vĩnh viễn"
Bệnh nhân sẽ phải nhập viện ngay lập tức nếu được chẩn đoán hoặc nghi ngờ mắc viêm màng não do não mô cầu. Bệnh nhân sẽ được điều trị bằng kháng sinh, như ceftriaxone. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể sẽ dùng một vài loại kháng sinh khác, như: Ampicillin, Penicillin G, Cefotaxime, Chloramphenicol, Vancomycin, Gentamicin.
Vì bệnh lây truyền qua các tiếp xúc gần gũi, bác sĩ có thể sẽ khám và điều trị với cả những người đã từng tiếp xúc gần với bệnh nhân.
Theo WHO, đây là một loại viêm màng não hết sức nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong cho khoảng một nửa số trường hợp nếu không được điều trị.
Với việc chẩn đoán và điều trị sớm, tỷ lệ tử vong có thể giảm xuống còn 5-15%. Tử vong có thể xảy ra trong vòng 3 ngày đầu tiên của quá trình bệnh.
Trong số những người sống sau nhiễm bệnh, thì cứ 5 người sẽ có 1 người có những hậu quả, di chứng vĩnh viễn, bao gồm tổn thương não bộ và mất đi thính lực.
Đây là căn bệnh hết sức nguy hiểm, kể cả khi điều trị kịp thời. Đến bệnh viện cấp cứu ngay nếu bạn nghĩ mình hoặc người nhà bị viêm màng não do não mô cầu.
Cách xác định viêm não mô cầu
Bác sĩ sẽ chẩn đoán viêm màng não do não mô cầu bằng việc tiến hành chọc dò tủy sống. Trong quá trình này, bác sĩ sẽ lấy mẫu dịch tủy sống của bạn bằng cách dùng một kim tiêm chọc vào vùng xương sống. Dịch này sẽ được đem đi làm xét nghiệm xem có vi khuẩn hay không.
Bác sĩ cũng có thể sẽ tiến hành xét nghiệm máu và khám các triệu chứng thực thể của viêm màng não do não mô cầu để đánh giá tình trạng bệnh và điều trị thích hợp.
ThS.BS Trần Thu Nguyệt (Viện Y học ứng dụng Việt Nam)
ThS.BS Trần Thu Nguyệt
Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống : https://kienthuc.net.vn/doi-song/dau-hieu-nhan-biet-som-benh-viem-nao-mo-cau-2081989.html