Trong bối cảnh chiến tuyến giữa Ukraine và Nga gần như đóng băng, các chuyên gia quân sự phương Tây nhận định rằng yếu tố mang tính quyết định để xoay chuyển cục diện không nằm ở bộ binh hay pháo binh, mà là sức mạnh không quân hiện đại – thứ mà Ukraine vẫn còn thiếu trầm trọng kể từ đầu cuộc xung đột.
Tướng Philip Breedlove, cựu Tổng Tư lệnh tối cao lực lượng NATO tại châu Âu, khẳng định nếu Không quân Ukraine được trang bị đầy đủ máy bay chiến đấu phương Tây cùng hệ thống huấn luyện phù hợp ngay từ giai đoạn đầu, quân đội Nga đã có thể bị đánh bại ngay trong cuộc tiến công đầu tiên vào Kyiv. Ông gọi đây là "cơ hội bị đánh mất" khi các đơn vị Nga bị sa lầy trên đường tiến về thủ đô Ukraine, thời điểm có thể tạo bước ngoặt nếu Kiev có được năng lực tác chiến trên không đầy đủ.
Một chiếc F-16 Fighting Falcon của Không quân Mỹ chuẩn bị tiếp nhiên liệu trên bầu trời. Ảnh: National Security Journal
Không quân: Điểm yếu chiến lược
Tại Diễn đàn An ninh Warsaw năm 2022, Tướng Philip Breedlove – cựu Tư lệnh Tối cao các lực lượng NATO tại châu Âu từng khẳng định: “Nếu Ukraine có trong tay các máy bay chiến đấu hiện đại và được huấn luyện đầy đủ từ trước cuộc xâm lược, thì tình thế đã khác.” Ông ví cuộc tiến công ban đầu của Nga vào Kiev giống như “một mục tiêu mở” mà Ukraine đã bỏ lỡ cơ hội tiêu diệt.
Breedlove cho biết, nếu phương Tây can thiệp bằng không quân hoặc hỗ trợ trực tiếp vào thời điểm đó, lực lượng Nga có thể đã bị tổn thất tới 40%. “Nó có thể tạo nên một cuộc thảm sát như ‘con đường tử thần’ trong chiến dịch Bão táp sa mạc năm 1991”, ông nhấn mạnh, ám chỉ khả năng tiêu diệt quy mô lớn trên tuyến hành quân bị kẹt.
Thế nhưng đến nay, sau hơn hai năm kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự toàn diện, không quân Ukraine vẫn chưa được trang bị đầy đủ. Mặc dù các quốc gia phương Tây đã cam kết cung cấp máy bay F-16, nhưng tiến trình huấn luyện phi công và chuyển giao vẫn còn chậm chạp. Điều này tạo ra một lỗ hổng nghiêm trọng trong năng lực phòng thủ và phản công của Kiev.
Lưới phòng không mong manh trước bão tên lửa Nga
Một trong những hệ thống phòng thủ đáng giá mà Ukraine nhận được từ Mỹ là Patriot PAC-3 – một trong những vũ khí đánh chặn tên lửa hiện đại nhất thế giới. Tuy nhiên, việc triển khai quá ít, quá chậm khiến Patriot không thể phát huy hết vai trò trong việc bảo vệ các thành phố lớn như Kiev, Kharkiv hay Odesa.
Theo truyền thông phương Tây, hiện Ukraine chỉ có 8 tổ hợp Patriot, trong đó 6 hệ thống đang hoạt động. Số lượng này là quá ít để có thể đối phó với nhịp độ không kích dày đặc từ phía Nga. Mỗi tổ hợp Patriot chỉ bảo vệ được một vùng không phận giới hạn, trong khi Nga liên tục sử dụng kết hợp tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo và UAV cảm tử để xuyên thủng hệ thống phòng thủ.
Trả lời báo giới hồi tháng 5, đại tá Yurii Ihnat - người phát ngôn lực lượng không quân Ukraine công khai thừa nhận nhu cầu cấp thiết về bổ sung hệ thống phòng không và cảnh báo rằng “càng chậm thì tổn thất sẽ càng lớn”.
Đáng chú ý, Tổng thống Volodymyr Zelensky từng bày tỏ mong muốn được mua thêm hệ thống Patriot, chứ không chỉ trông chờ vào viện trợ. Theo tiết lộ của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, Zelensky từng nhiều lần ngỏ ý mua vũ khí thay vì đòi hỏi miễn phí, một tín hiệu cho thấy sự tuyệt vọng trong nhu cầu tự vệ của Ukraine.
Khao khát vũ khí tầm xa: Giấc mơ mang tên Taurus
Ngoài phòng thủ, Kiev cũng rất cần các loại vũ khí tấn công tầm xa để có thể phá hủy các kho đạn, trung tâm chỉ huy và tuyến hậu cần sâu bên trong lãnh thổ Nga. Trong danh sách vũ khí mong muốn hàng đầu của Ukraine, cái tên Taurus – tên lửa hành trình do Đức sản xuất luôn nằm ở vị trí đầu bảng.
Taurus có tầm bắn lên tới 300 dặm (khoảng 500 km), đủ để tấn công các mục tiêu chiến lược tại Crimea và tuyến hậu cần sâu trong lãnh thổ Nga. Tuy nhiên, đến nay Berlin vẫn chưa “bật đèn xanh” cho việc chuyển giao loại vũ khí này. Trước đó, Thủ tướng Đức Friedrich Merz đã từng khẳng định sẽ xem xét quyết định chuyển giao tên lửa Taurus cho Ukraine. Thế nhưng trong một cuộc gặp gần đây với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cho biết Berlin sẽ không viện trợ thêm hệ thống phòng không Patriot hay tên lửa hành trình tầm xa Tauruscho Ukraine, với lý do cần ưu tiên đảm bảo an ninh quốc gia.
Trong khi đó, các quốc gia như Mỹ và Anh mới chỉ cung cấp tên lửa Storm Shadow hoặc HIMARS có tầm bắn ngắn hơn. Điều này khiến Ukraine thiếu công cụ để gây sức ép lên các tuyến hậu cần quan trọng của đối phương.
Một nhà thầu quốc phòng Ukraine – người thường xuyên làm việc giữa chiến tuyến và phòng thiết kế vũ khí chia sẻ: “Không ai có thể di chuyển dù chỉ một mét ở một số khu vực tiền tuyến. Máy bay không người lái có ở khắp mọi nơi. Bộ binh phải bò từng mét vào ban đêm để tránh bị phát hiện”. Đó là lý do ông cho rằng chỉ có “vũ khí tấn công tầm xa mới có thể phá vỡ thế giằng co này”.
Không quân hiện đại - Nhân tố phá vỡ thế bế tắc với Nga
Thế trận hiện tại cho thấy Ukraine không thể chỉ phòng thủ mãi. Sự thiếu hụt về sức mạnh không quân, vũ khí tầm xa, và phòng không hiện đại đang khiến Kiev lâm vào thế bị động nghiêm trọng. Để xoay chuyển cục diện chiến trường, không còn cách nào khác ngoài việc giành lại bầu trời.
Các máy bay chiến đấu F-16, hệ thống Patriot bổ sung, và đặc biệt là tên lửa hành trình Taurus sẽ không chỉ là những công cụ chiến thuật, mà còn là biểu tượng cho quyết tâm chiến thắng. Đó không chỉ là kỳ vọng của người Ukraine, mà còn là phép thử cho cam kết của phương Tây đối với tự do, an ninh và trật tự quốc tế trong thế kỷ 21.
Chậm trễ trong viện trợ không chỉ khiến Ukraine mất lợi thế chiến trường mà còn khiến phương Tây đánh mất ảnh hưởng chiến lược. Nếu phương Tây muốn giúp Ukraine phá vỡ thế giằng co hiện tại, thì việc chuyển giao nhanh chóng và quyết liệt hơn các vũ khí không quân chủ lực, từ máy bay chiến đấu, tên lửa hành trình cho tới hệ thống phòng thủ tối tân là điều không thể trì hoãn. Bởi chỉ khi Ukraine có thể làm chủ bầu trời, họ mới có cơ hội xoay chuyển thế trận dưới mặt đất.
Giang Bùi/VOV.VN (biên dịch) Theo: National Sercurity Journal