Đâu là kênh đầu tư bền vững giúp tích lũy dài hạn ngoài vàng?

Đâu là kênh đầu tư bền vững giúp tích lũy dài hạn ngoài vàng?
4 giờ trướcBài gốc
Nhu cầu mua vàng từ các ngân hàng trung ương toàn cầu không có dấu hiệu chậm lại Hội đồng Vàng Thế giới: Giá vàng tiếp tục tăng trong năm 2025 Giá vàng hôm nay (7/2): Đồng loạt giảm sâu trong ngày vía Thần tài
Nếu như trước đây, vàng là lựa chọn số một để tích lũy, thì nay, bất động sản, chứng khoán hay thậm chí tiền số cũng đang cho thấy tiềm năng sinh lời vượt trội theo thời gian.
Chia sẻ về việc đầu tư tích lũy trong bối cảnh hiện nay, theo ông Khúc Ngọc Tuyên – Trưởng phòng Tư vấn đầu tư tại Công ty CP Chứng khoán SSI chi nhánh Times City, tư duy tích lũy tài sản bền vững dài hạn chính là chìa khóa giúp nhà đầu tư đạt được sự thịnh vượng. Từ lâu, người xưa đã có thói quen mua vàng vào đầu năm như một cách bảo vệ tài sản trước lạm phát và hướng đến sự giàu có lâu dài.
Ảnh minh họa.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện đại, ngoài vàng, có nhiều loại tài sản tài chính khác cũng có khả năng bảo vệ sức mua và thậm chí gia tăng giá trị tốt hơn như bất động sản, tiền số và chứng khoán. Quan trọng là nhà đầu tư cần biết cách vận dụng tư duy tích lũy của thế hệ trước sao cho phù hợp với thời đại ngày nay.
Đặc biệt, trên thị trường chứng khoán, những cổ phiếu của các doanh nghiệp chất lượng cao, có tiềm năng phát triển bền vững và vươn ra thị trường quốc tế, có thể được xem như “vàng” trong danh mục đầu tư. Những doanh nghiệp đổi mới, dẫn dắt sự thay đổi trong các ngành mũi nhọn như công nghệ, nông nghiệp công nghệ cao cũng đang mở ra cơ hội lớn cho nhà đầu tư dài hạn.
Theo đại diện SSI, trong ngày Vía Thần Tài, bên cạnh việc mua vàng theo truyền thống, nhà đầu tư có thể cân nhắc tích lũy các tài sản tài chính hiện đại, nhằm xây dựng nền tảng tài chính vững chắc và tạo ra sự thịnh vượng lâu dài cho bản thân và gia đình.
Đánh giá chung về xu hướng thị trường, ông Tuyên cho rằng, năm 2024 đã chứng kiến sự tăng giá mạnh của nhiều loại tài sản như bất động sản, tiền số, nhưng thị trường chứng khoán vẫn chưa có sự bứt phá đáng kể. Tuy nhiên, đây có thể là "vùng trũng" thu hút dòng tiền dịch chuyển từ các kênh đầu tư đã tăng cao trước đó.
Đại diện SSI nhận định, mặc dù một số cổ phiếu dẫn dắt đã phục hồi, nhưng nhiều nhóm ngành khác vẫn còn dư địa tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới. Ngành ngân hàng, với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16% của Ngân hàng Nhà nước và kịch bản GDP có thể đạt 9 - 9,1%, đang có triển vọng tích cực khi thanh khoản dồi dào. Công nghệ cũng là một lĩnh vực tiềm năng khi thế giới đang chạy đua phát triển các đột phá mới, trong khi nông nghiệp công nghệ cao đang trở thành xu hướng hấp dẫn.
Ngoài ra, đầu tư công được kỳ vọng sẽ là một động lực quan trọng của nền kinh tế khi các cải cách về thể chế và pháp luật đang giúp tháo gỡ các vướng mắc, đẩy nhanh tốc độ triển khai các dự án lớn. Sự sáp nhập của một số bộ ngành quan trọng cùng với việc sửa đổi hàng loạt luật liên quan đến đầu tư, điện lực sẽ tạo điều kiện cho dòng vốn đầu tư công tăng mạnh trong năm 2024.
Bên cạnh đó, các yếu tố vĩ mô như chiến tranh thương mại và sự dịch chuyển FDI mang đến cơ hội lớn cho Việt Nam trong lĩnh vực xuất khẩu, logistics và cảng biển. Ngành bất động sản, đặc biệt là phân khúc phù hợp với nhu cầu thực tế của người dân, cũng có thể chứng kiến sự phục hồi trong bối cảnh dân số Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn vàng.
Thu Hương
Nguồn Thời báo Tài chính : https://thoibaotaichinhvietnam.vn/dau-la-kenh-dau-tu-ben-vung-giup-tich-luy-dai-han-ngoai-vang-169997.html