Đâu là rào cản để Bù Đăng (Bình Phước) trở thành điểm đến hấp dẫn?

Đâu là rào cản để Bù Đăng (Bình Phước) trở thành điểm đến hấp dẫn?
2 giờ trướcBài gốc
Vẫn còn nhiều điểm nghẽn
Huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước với vị trí địa lý thuận lợi giáp tỉnh Đăk Nông, Đồng Nai, Lâm Đồng và sở hữu tiềm năng du lịch lớn. Nơi đây nổi tiếng với những danh lam thắng cảnh như thác Đứng, thác Voi và khu du lịch Sóc Bom Bo, nơi lưu giữ nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc S'Tiêng. Đặc biệt, Bù Đăng là một trong những trung tâm văn hóa cồng chiêng của Tây Nguyên, được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Hoạt động ở Khu bảo tồn văn hóa dân tộc X'tiêng sóc Bom Bo (ảnh: BP)
Với 34 dân tộc anh em cùng sinh sống, Bù Đăng sở hữu một kho tàng văn hóa đa dạng và độc đáo. Các lễ hội truyền thống, nghề thủ công, ẩm thực địa phương tạo nên những trải nghiệm du lịch hấp dẫn.
Tuy nhiên, để phát triển du lịch bền vững, Bù Đăng vẫn còn một số hạn chế như thiếu các điểm vui chơi, ăn uống và nghỉ ngơi. Hệ thống giao thông cũng cần được đầu tư nâng cấp để thuận tiện cho du khách di chuyển.
Ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Công ty du lịch New Star Media cho biết: "Tôi cũng đề xuất, chính quyền địa phương quan tâm đến cơ sở vật chất như nhà hàng, khách sạn, đường đi từ ngoài vào các điểm tham quan, có thể mở rộng hoặc có biển chỉ dẫn để khách ở xa đến biết điểm đó bao xa. Từ đó, tạo điều kiện tốt để tham quan, nghỉ dưỡng, khám phá điểm di tích và danh thắng ở Bù Đăng”.
Thác Đứng ở Bù Đăng (ảnh: ĐC)
Nhiều chuyên gia nhận định rằng Bù Đăng đã sở hữu những sản phẩm du lịch tiềm năng và hoàn toàn có thể phát triển mô hình du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa. Do đó, việc tạo điều kiện thuận lợi để các cá nhân và doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực du lịch là vô cùng cần thiết. Thay vì quá phụ thuộc vào ngân sách nhà nước, địa phương nên tận dụng cơ hội để thu hút nguồn lực từ khu vực tư nhân, nhằm khai thác tối đa tiềm năng du lịch. Nếu chậm trễ trong việc này, Bù Đăng sẽ bỏ lỡ cơ hội vàng để phát triển kinh tế và tạo việc làm từ ngành du lịch.
Phụ nữ M'nông giữ gìn nghề dệt thổ cẩm của dân tộc mình (ảnh: BP)
Thạc sĩ Phạm Hữu Hiến, giảng viên trường Đại học Bình Dương cho biết, mô hình du lịch cộng đồng không chỉ tiết kiệm chi phí mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cao, đồng thời góp phần bảo tồn văn hóa bản địa. Đây là xu hướng phát triển du lịch bền vững được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng thành công. Với cộng đồng dân tộc X'Tiêng, M'Nông cùng những di sản văn hóa phi vật thể, vật thể phong phú, Bù Đăng có đầy đủ tiềm năng để phát triển loại hình du lịch này.
"Chúng ta làm sao gọt dũa để đưa sản phẩm đó ra phục vụ du khách, để họ hiểu, trải nghiệm di sản, mua sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của họ, như vậy mới thành công. Chọn 5, 7 hộ gần các điểm du lịch để kết hợp thêm du lịch cộng đồng để du khách có điều kiện trải nghiệm, sử dụng hết thời gian của họ khi đến đây”, ông Hiến nói.
Sẽ tìm mọi giải pháp để phát triển du lịch
Các cơ quan quản lý nhà nước nhận định rằng để phát triển du lịch một cách bền vững, Bù Đăng cần bổ sung các khu, điểm du lịch vào quy hoạch địa phương theo đúng quy định. Điều này sẽ tạo cơ sở pháp lý vững chắc để thu hút đầu tư và phát triển du lịch. Đồng thời, việc nâng cao nhận thức và thay đổi tư duy của người dân về du lịch cũng là một yếu tố quan trọng.
Cổng vào Khu bảo tồn văn hóa dân tộc X’tiêng ở sóc Bom Bo (ảnh: BP)
Lãnh đạo UBND huyện Bù Đăng thừa nhận vẫn còn nhiều khó khăn và hạn chế trong quá trình phát triển du lịch. Cơ chế, chính sách hiện hành còn nhiều bất cập, ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư. Để khắc phục tình hình này, địa phương đang tích cực kêu gọi sự tham gia của các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư vào cơ sở hạ tầng du lịch. Việc hoàn thành cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành sẽ tạo một cú hích lớn cho sự phát triển của ngành du lịch Bù Đăng.
Ông Vũ Văn Mười, Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng cho biết, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng địa phương sẽ nỗ lực, cố gắng để phát triển du lịch trong thời gian tới. Đặc biệt là phát triển du lịch cộng đồng, lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc.
"Chúng tôi sẽ tập trung, vận động trong nhân dân về làm du lịch, cách làm du lịch và học hỏi ở các địa phương để phát triển du lịch cộng đồng. Chúng tôi sẽ tham mưu UBND tỉnh thu hút các nhà đầu tư về lĩnh vực nhà hàng, khách sạn và lĩnh vực du lịch nói chung”.
UBND huyện ra mắt và công bố tour du lịch kết nối Bù Đăng với các địa điểm du lịch
Dịp này, UBND huyện ra mắt và công bố tua du lịch kết nối Bù Đăng với các địa điểm du lịch khác.
Dự kiến, Lễ hội “Vang mãi tiếng chày trên sóc Bom Bo”diễn ra từ nay đến ngày 10/11 với các hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc.
Thiên Lý/VOV-TP.HCM
Nguồn VOV : https://vov.vn/du-lich/dau-la-rao-can-de-bu-dang-binh-phuoc-tro-thanh-diem-den-hap-dan-post1134175.vov