Đầu năm đi lễ chùa cầu gì?

Đầu năm đi lễ chùa cầu gì?
16 giờ trướcBài gốc
Đối với mỗi người dân Việt, đi lễ chùa đầu năm là nét văn hóa truyền thống được hình thành từ lâu, tạo nên bức tranh đa sắc trong nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Qua đó không chỉ thể hiện khát vọng về một cuộc sống hạnh phúc, no đủ mà còn là dịp để vun đắp cho tinh thần người Việt thêm yêu và trân trọng những giá trị cội nguồn. Về nơi cửa Phật, giữa không gian thanh tịnh, hương trầm lan tỏa hòa cùng sắc màu của đèn hoa, mới thấy lòng mình lắng lại, thanh thản và nhẹ nhàng hơn.
Đi lễ chùa cũng sẽ có những bài văn khấn truyền thốngdành cho đền chùa tương ứng. Bên cạnh đó mọi người cũng có thể cầu khấn thành tâm theo ý hiểu của mình mà không cần phải khấn theo văn.
Tuy nhiên, khi lễ khấn mỗi người đều cần phải thực hiện tại các ban quan trọng bao gồm: ban Tam Bảo, ban Đức Ông, ban Đức Thánh Hiền, ban Quan Thế Âm Bồ Tát.
Ảnh minh họa
Đa phần khi đi lễ chùa mọi người sẽ cầu rất nhiều điều cho bản thân và gia đình như cầu sức khỏe, bình an, tài lộc, công danh, chức tước, tình duyên, con cái, thi cử, giải hạn…
Thế nhưng từ xa xưa chùa chiền, đình đền, miếu phủ… Việt Nam được coi là nơi hội tụ rất nhiều tâm linh và tín ngưỡng dân gian khác nhau. Bên cạnh thờ Phật còn thờ các vị thánh thần khác như thổ công, thổ thần, thờ mẫu, thờ Đức ông... nên người dân đi lễ hay cầu lộc, cầu tài, cầu sức khỏe. Nhưng nhiều người đi lễ không phân biệt được nơi thờ Phật, hay thần thánh nên cứ lễ là cầu xin đủ thứ.
Theo các chuyên gia tâm linh, chùa chiền là chốn linh thiêng, tách biệt với thế tục nhân gian. Triết lý của đạo Phật là giải thoát chúng sinh khỏi vòng luân hồi, nhân quả khổ ải, giúp con người nhận thức được sinh lão bệnh tử, sống tốt đẹp, trung thực, không tham, sân, si, để cuộc sống tươi đẹp, có ý nghĩa, không uổng phí một kiếp người… Phật chỉ có lòng từ bi hỉ xả, chứ không có tiền bạc, vật chất để cho ai.
Bởi vậy khi đi lễ chùa, sau khi đã khấn nôm thì mọi người nên cầu nguyện các vị chư Phật phù hộ cho gia đình sức khỏe, tâm hồn thánh thiện, con cái ngoan ngoãn thông minh, công việc hanh thông, quốc thái dân an…
Những lời cầu khấn này thường tùy thuộc vào sở nguyện của mỗi người, tuy nhiên không nên cầu khấn quá tham lam để rồi không nhận lại được gì.
Đi chùa không nên cầu tiền bạc, công danh, vật chất (như cầu trúng số, cầu thăng quan tiến chức…), vì Phật không ban tiền bạc, vật chất… Phật, thánh thần không ban phúc cho ai, cũng không gieo họa cho ai. Tất cả là tâm thành và theo luật nhân quả, người nào có quả phúc chín thì gặt về.
Tới chùa không nên cầu xin năm nay được thế này, thế nọ. Đạo Phật là nhân sinh, không như đạo khác. Con người nếu không có tự lực (khả năng của mình) thì tha lực (trợ độ của tâm linh) cũng không giúp được.
T. Linh
Nguồn Gia Đình VN : https://giadinhonline.vn/dau-nam-di-le-chua-cau-gi-d204469.html