Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) vừa công bố kết quả đấu thầu gói thầu 4.8: thi công xây dựng, lắp đặt thiết bị, lập thiết kế bản vẽ thi công công trình giao thông nội cảng và hạ tầng kỹ thuật cảng hàng không của dự án thành phần 3, thuộc dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1. Theo đó, giá trúng thầu là 11.066 tỷ đồng, thời gian thực hiện hợp đồng là 685 ngày.
Gói thầu 4.8 là gói thầu hạ tầng quan trọng của Cảng hàng không với nhiều hạng mục kỹ thuật phức tạp nên ACV đã áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi với phương thức lựa chọn nhà thầu một giai đoạn hai túi hồ sơ.
Theo quy trình đấu thầu một giai đoạn hai túi hồ sơ, chỉ những nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật, đạt điểm kỹ thuật theo tiêu chí, yêu cầu của hồ sơ mời thầu mới được mở đề xuất tài chính và xem xét, đánh giá về đề xuất tài chính.
Toàn bộ phần thô từ tầng 1 đến tầng 4 nhà ga hành khách - "trái tim" của sân bay Long Thành - sau 1 năm thi công đã hoàn thiện với kiến trúc đồ sộ, hiện đại. Ảnh: Hoàng Anh
Sau khi có kết quả đấu thầu, Liên danh nhà thầu gồm 7 doanh nghiệp (Công ty CP Xây dựng và lắp máy Trung Nam, Công ty CP Xây dựng hạ tầng Bắc Trung Nam, Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả, Công ty CP LIZEN, Công ty CP Hải Đăng, Công ty TNHH Hòa Hiệp, Tổng công ty Thăng Long) có đơn kiến nghị cho rằng việc bị đánh trượt do không đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật là chưa thỏa đáng.
Trong đơn kiến nghị, liên danh 7 nhà thầu này cũng đã tiết lộ giá dự thầu của mình trong khi hồ sơ đề xuất tài chính không được mở. Liên danh này cho hay, giá đấu thầu của họ thấp hơn 1.000 tỷ đồng so với giá của liên danh trúng thầu, nhưng vẫn bị đánh trượt.
ACV khẳng định công tác lựa chọn nhà thầu Gói thầu 4.8 đã được ACV triển khai tuân thủ chặt chẽ các quy định pháp luật về đấu thấu và lựa chọn được nhà thầu đáp ứng năng lực, kinh nghiệm theo các tiêu chí, yêu cầu của gói thầu.
ACV cũng cho biết: Việc thực hiện công tác trả lời, giải quyết kiến nghị của các nhà thầu tham dự gói thầu 4.8 nói riêng và các gói thầu của dự án nói chung luôn được ACV triển khai nghiêm túc, tuân thủ chặt chẽ quy định của Luật Đấu thầu. Tất cả nội dung kiến nghị của các nhà thầu đều được ACV xem xét và có văn bản trả lời đúng, đầy đủ, đúng hạn theo quy định pháp luật về đấu thầu.
Theo đơn vị này, việc nhà thầu liên danh gói thầu số 4.8 tiết lộ thông tin về giá dự thầu của mình qua đơn kiến nghị gửi chủ đầu tư trong khi hồ sơ đề xuất tài chính không được mở (do không vượt qua bước đánh giá hồ sơ đề xuất kỹ thuật) là hành vi vi phạm quy định tại khoản 7, điều 16 của Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15 về việc tiết lộ các tài liệu, thông tin về quá trình lựa chọn nhà thầu.
Chia sẻ với PV.VietNamNet, TS Nguyễn Việt Hùng, nguyên vụ trưởng Vụ Quản lý đấu thầu (nay là Cục Quản lý đấu thầu), Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng: Việc nhà thầu tiết lộ giá trị dự thầu của mình trong khi hồ sơ đề xuất tài chính không được mở là hành vi “không đàng hoàng”.
“Chưa bàn đến luật, đây là vấn đề vi phạm về đạo đức của nhà thầu. Không thể có chuyện nhà thầu đã bị loại từ vòng đầu nhưng lại bảo tôi có giá bỏ thầu tốt hơn, còn bên kia cao hơn”, ông Nguyễn Việt Hùng đánh giá.
Theo ông Hùng, nhà thầu nên tự nhìn lại vì sao không đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật. Còn việc không đạt tiêu chí kỹ thuật mà nói về giá dự thầu để “đánh bùn sang ao” là không phù hợp.
Trên thế giới hay ở Việt Nam, đấu thầu đều phải có trình tự. Không ai đi so sánh giá của nhà thầu không vượt qua được hồ sơ kỹ thuật với nhà thầu đạt hồ sơ kỹ thuật. Nếu hai nhà thầu có hồ sơ kỹ thuật cùng đạt thì mới so sánh với nhau về giá.
“Đây là cả công trình lớn, công trình trọng điểm quốc gia, yêu cầu về kỹ thuật quan trọng hàng đầu. Nếu rẻ mà làm ra công trình không đảm bảo chất lượng, chậm tiến độ, đội vốn, ai chịu trách nhiệm? Vì thế nhà thầu phải vượt qua tiêu chuẩn kỹ thuật thì chủ đầu tư mới tính đến hồ sơ đề xuất tài chính. Một gói thầu có giá hơn 11.000 tỷ đồng thì điều quan trọng là nhà thầu có đủ năng lực kỹ thuật để làm gói thầu không, điều này là quan trọng nhất”, ông Nguyễn Việt Hùng nhấn mạnh.
Tâm An