Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng xã hội

Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng xã hội
5 giờ trướcBài gốc
Với ưu thế của công nghệ thông tin hiện nay, mạng xã hội (MXH) đã và đang phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, đây cũng là “mảnh đất béo bở” để các thế lực thù địch lợi dụng tung thông tin xấu, độc, xuyên tạc mỗi ngày, mỗi giờ lan tràn trên Internet và MXH. Vì vậy, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng là nhiệm vụ cấp bách, thường xuyên và lâu dài trong tình hình mới.
Trước những “cơn bão” thông tin trên không gian mạng hiện nay, các thế lực thù địch lợi dụng tăng cường các hoạt động chống phá nước ta với âm mưu, thủ đoạn hết sức tinh vi, xảo quyệt. Chúng phát tán thông tin xấu, độc, tuyên truyền chống Đảng, Nhà nước; xuyên tạc sự thật lịch sử; phủ nhận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; phủ nhận thành tựu đổi mới đất nước; xuyên tạc, bịa đặt, nói xấu các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước hòng tạo sự chia rẽ, mâu thuẫn trong giới lãnh đạo; xuyên tạc về công tác nhân sự, cán bộ (CB); thổi phồng khiếm khuyết của Đảng, Nhà nước; bóp méo các chủ trương, chính sách, luật pháp; dựng ra chuyện nhóm này, nhóm kia hãm hại,... đả kích một số đối tượng xấu để bịa đặt, suy diễn, kích động làm “nóng” tình hình; bày ra âm mưu cực kỳ tinh vi, xảo quyệt hòng thúc đẩy nhanh các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng, trong xã hội; xuyên tạc tình hình dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo, chủ quyền; truyền bá lối sống thực dụng phương Tây; đưa tin sai lệch về tình hình nội bộ của Việt Nam;... Những thông tin này chúng cố tình xuyên tạc vấn đề, “đổi trắng, thay đen”, lẫn lộn đúng sai, thật giả, kích động sự hiếu kỳ của đông đảo người dân hòng tạo sự mâu thuẫn, đấu đá nội bộ,…; hướng lái dư luận theo hướng nhận thức sai lệch, tiêu cực, gây tâm lý chán ghét, phẫn nộ chế độ, làm cho nhân dân giảm niềm tin với Đảng, Nhà nước ta.
Thủ đoạn của chúng là thiết lập các trang website, blog, Facebook, YouTube, các đài phát thanh, kênh truyền hình trên Internet, mở các “diễn đàn”, “câu lạc bộ” và các phần mềm chuyên dụng để chống phá Việt Nam,...; phát tán các thông tin, tài liệu, hình ảnh, video clip có nội dung xấu, độc, xuyên tạc nhằm đả kích, chống phá Đảng; tuyên truyền, kích động, lôi kéo, tập hợp dư luận, gây hoang mang trong dân. Chúng lập ra nhiều trang web mạo danh các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước hoặc nhân danh “đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực”, “bảo vệ chủ quyền biển, đảo”, “phản biện xã hội”,... để trích dẫn, xuyên tạc và bôi xấu, hạ uy tín, hòng tạo khoảng cách giữa Nhân dân với Đảng, Nhà nước. Viết các “tác phẩm” dạng văn học để dựng chuyện, vu khống, bêu xấu, đòi xóa bỏ học thuyết Mác-Lênin, về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội và cách mạng xã hội chủ nghĩa. Kích động những vấn đề liên quan đến các sơ hở, sai phạm và bức xúc xã hội; tổ chức livestream các vụ việc nhạy cảm, tụ tập biểu tình, khiếu kiện,... để kêu gọi cộng đồng mạng và những phần tử cơ hội chính trị tham gia chia sẻ, bình luận, hình thành “điểm nóng”,... gây mất an toàn, trật tự xã hội.
Đặc biệt, chúng lợi dụng tình hình tham nhũng, tiêu cực trong một số CB, đảng viên (ĐV), dựng chuyện tham nhũng không có thật; cắt ghép các hình ảnh, video xuyên tạc, bêu rếu lãnh đạo để tung lên mạng câu view, câu like,... Đây là những điều bịa đặt, không đúng sự thật, mang tính xuyên tạc, kích động, bôi nhọ nhằm đánh lạc hướng dư luận, gây hoài nghi, tạo tâm lý bất ổn trong xã hội.
Thời gian qua, các cấp, các ngành cả nước đã góp phần tích cực vào công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc, sai trái, thông tin xấu, độc của các thế lực thù địch trên không gian mạng.
Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế được Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: Kết quả thực hiện một số chủ trương của Đảng về quản lý báo chí, xuất bản, quản lý Internet, MXH chưa đáp ứng được yêu cầu. Vai trò của văn học - nghệ thuật trong công tác tư tưởng chưa được phát huy đầy đủ,...
Đấu tranh phản bác các thông tin xấu, độc ở một số cơ quan, đơn vị chưa thật sự chủ động, nhạy bén. Một số CBĐV tham gia chưa thường xuyên, thiếu tính tự giác; thiếu những bài viết có chất lượng chuyên sâu để đấu tranh trực diện phản bác các quan điểm, tư tưởng sai trái,...
Để nâng cao chất lượng đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc, ngăn chặn thông tin giả, xấu, độc trên MXH cần thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, tăng cường sự lãnh, chỉ đạo của Đảng đối với công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng. Các cấp ủy Đảng cần tập trung xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch một cách hiệu quả.
Hai là, đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật, giáo dục tư tưởng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, chủ động phản bác thông tin xấu, độc trong nhân dân. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao trách nhiệm, tinh thần thượng tôn pháp luật và trách nhiệm xã hội của người dân khi sử dụng Internet, MXH.
Ba là, đổi mới nội dung, phương thức, đa dạng hóa hình thức đấu tranh phản bác, chống thông tin xấu, độc trên không gian mạng. Đổi mới nội dung tuyên truyền đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại,... trên MXH; hướng mạnh về cơ sở, tăng cường thông tin đối ngoại.
Bốn là, phát huy vai trò của báo chí và MXH của Việt Nam dẫn dắt, định hướng bằng thông tin chính thống để mỗi người nâng cao “đề kháng” trước quan điểm sai trái, thù địch. Báo chí thường xuyên chuyển tải thông tin chính thống, chính xác về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu đổi mới của đất nước; tăng cường chuyên mục “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng”.
Năm là, tăng cường các giải pháp phát triển và quản lý Internet, MXH. Khai thác, ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại trong đấu tranh ngăn chặn thông tin xấu, độc trên MXH. Xây dựng công cụ quản lý, thu thập, phòng ngừa và
cảnh báo.
Sáu là, duy trì thường xuyên và hiệu quả hoạt động thông tin, tuyên truyền trong quần chúng nhân dân. Bám sát các vấn đề, sự kiện, thông tin chính thống, chính xác, kịp thời, bảo đảm tính định hướng, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.
Bảy là, hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý về MXH phù hợp với luật pháp, thông lệ quốc tế. Với những hành vi cố tình đưa thông tin giả, bịa đặt cần có chế tài xử phạt nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật.
Tám là, phát huy vai trò gương mẫu của CBĐV tham gia MXH. CBĐV, nhất là người đứng đầu tiên phong, nêu gương trong việc chấp hành nghiêm các quy định của Đảng, Nhà nước khi tham gia MXH.
Chín là, tổ chức sơ, tổng kết rút kinh nghiệm công tác tuyên truyền đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái. Việc rút kinh nghiệm phải được thực hiện nghiêm túc, có phân tích, so sánh, đối chiếu với lần trước để tránh trùng lặp, thiếu sót./.
Nguyễn Thanh Hoàng
Nguồn Long An : https://baolongan.vn/dau-tranh-phan-bac-cac-quan-diem-sai-trai-thu-dich-tren-khong-gian-mang-xa-hoi-a187261.html