Các đồng chí: GS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo 35 Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Trung tướng, PGS.TS Phan Xuân Tuy, Giám đốc Học viện Chính trị CAND; PGS.TS Mai Đức Ngọc, Chủ tịch Hội đồng Trường, Học viện Báo chí và Tuyên truyền; Thiếu tướng, TS Nguyễn Như Lôi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị CAND đồng chủ trì hội thảo.
Các đại biểu trong và ngoài lực lượng CAND dự hội thảo.
Phát biểu đề dẫn hội thảo, GS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo 35 Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Tham nhũng, lãng phí, tiêu cực là một hiện tượng xã hội gắn liền với sự ra đời của giai cấp và nhà nước; được coi là “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực, là một trong những nguy cơ đe dọa trực tiếp đến sự tồn vong của chế độ.
Các đồng chí lãnh đạo chủ trì hội thảo.
Trên cơ sở kế thừa, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, trong những năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam đã rất chú trọng đến công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; đã ban hành nhiều quy định, chỉ thị, nghị quyết liên quan đến phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, từ đó góp phần quan trọng củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và nâng cao uy tín của Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tình trạng tham nhũng, lãng phí, tiêu cực của nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ, lãnh đạo cấp cao có biểu hiện nghiêm trọng, phức tạp khiến không ít cán bộ lãnh đạo, quản lý bị xử lý kỷ luật với nhiều hình thức khác nhau. Do đó, Đảng ta vẫn xác định tình trạng tham nhũng, lãng phí, tiêu cực của một bộ phận cán bộ, đảng viên là một trong bốn “nguy cơ” đe dọa trực tiếp đến sự tồn vong của Đảng, của chế độ.
Thượng tá Phan Đăng Trường, Phó Tổng Biên tập Báo CAND và các đại biểu trao đổi bàn tròn tại hội thảo.
Lợi dụng tình trạng đó, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị trong và ngoài nước ra sức tung ra các quan điểm, luận điệu xuyên tạc, chống phá. Điều này đã tác động không nhỏ đến uy tín của Đảng, Nhà nước cũng như tư tưởng, nhận thức, niềm tin của nhân dân. Do đó, cần nhận diện rõ những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực ở Việt Nam.
Thảo luận tại hội thảo, các ý kiến phát biểu đã làm rõ những vấn đề lý luận, thực tiễn về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí ở Việt Nam; thảo luận về những âm mưu, thủ đoạn, các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch về phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam thời gian qua và những luận cứ đấu tranh phản bác. Trên cơ sở đó, các ý kiến đã đưa ra định hướng, giải pháp đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí ở Việt Nam thời gian tới.
GS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tại hội thảo.
Đó là tiếp tục đẩy mạnh công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí với tư duy mới, khí thế mới, quyết tâm mới, đặt trong tổng thể các chủ trương chiến lược mang tính cách mạng của Đảng đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới; nâng cao chất lượng, hiệu quả đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch về “tham nhũng, lãng phí, tiêu cực” và công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực ở Việt Nam; tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong bối cảnh hiện nay.
Đặc biệt, để “không thể, không muốn, không cần và không dám” tham nhũng, lãng phí tiêu cực, nhiều ý kiến cho rằng, vấn đề gốc rễ vẫn là xây dựng, giáo dục văn hóa liêm chính, văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí trong hệ thống chính trị và toàn xã hội; vấn đề cấp bách là hoàn thiện thể chế, pháp luật; vấn đề đột phá là chuyển đổi số để không còn dư địa cho tham nhũng, lãng phí, tiêu cực gia tăng.
Thiếu tướng, PGS.TS Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược Bộ Công an phát biểu tại hội thảo.
TS Đào Ngọc Báu, Viện trưởng Viện Chính trị và Quan hệ quốc tế, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã đưa ra các luận điểm nhằm phản bác quan điểm cho rằng, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí ở Việt Nam bắt nguồn từ chế độ “tập quyền”, “một đảng”.
Thượng tá, PGS.TS Hồ Anh Tuấn, Trưởng khoa An ninh chính trị nội bộ, Học viện ANND cũng đã chỉ ra những thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch. Từ đó, đề xuất một số giải pháp trọng tâm như tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền không để các thế lực đánh đồng hiện tượng thành bản chất từ đó xuyên tạc, thông tin sai sự thật; chủ động nhận diện các luận điệu xuyên tạc gồm những luận điệu truyền thống và các luận điệu mới vừa xuất hiện, từ đó có phương pháp đấu tranh phản bác phù hợp với từng đối tượng; lựa chọn các cách thức phản bác hiệu quả; luôn luôn quán triệt tốt vấn đề xây và chống, đồng thời nâng cao hiệu quả xử lý các vụ án đảm bảo minh bạch, công bằng...
Trung tướng, PGS.TS Phan Xuân Tuy, Giám đốc Học viện Chính trị CAND phát biểu tại hội thảo.
Trung tướng, PGS.TS Trần Vi Dân, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Cục trưởng Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử Công an đã nhấn mạnh một số giải pháp như tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, có cơ chế bảo vệ người chống tham nhũng và biện pháp mạnh đối với những người lợi dụng việc chống tham nhũng để trục lợi.
Thiếu tướng, PGS.TS Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược, Bộ Công an cũng nhấn mạnh đến cơ chế kiểm soát quyền lực trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí bởi quyền lực nếu không được kiểm soát sẽ dễ bị tha hóa…
Từ kinh nghiệm thực tiễn, Thượng tá Phan Đăng Trường, Phó Tổng biên tập Báo CAND cũng chia sẻ những góc nhìn mới trong công tác đấu tranh phản bác các quan điểm, sai trái, thù địch về phòng chống tham nhũng, tiêu cực và gợi mở một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác này trong thời gian tới.
Các đại biểu tham dự hội thảo.
Phát biểu tổng kết hội thảo, Trung tướng, PGS.TS Phan Xuân Tuy, Giám đốc Học viện Chính trị CAND đề nghị Ban tổ chức hội thảo cần tiếp tục nghiên cứu, vận dụng những nội dung đã được đề cập, trao đổi, thảo luận tại hội thảo, nhất là những kinh nghiệm thực tiễn quý báu của các đơn vị, địa phương phục vụ thực hiện tốt Nghị quyết 35-NQ/TW, Kết luận số 89-KL/TW của Bộ Chính trị thời gian tới.
Trung tướng Phan Xuân Tuy cũng yêu cầu, Ban Tổ chức Hội thảo tập trung biên tập, phối hợp với NXB CAND tổ chức xuất bản kỷ yếu làm tài liệu nghiên cứu, giảng dạy tại các cơ sở đào tạo của lực lượng CAND, của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và cho các lực lượng trực tiếp thực hiện nhiệm vụ này. Cùng với đó, chắt lọc nội dung hội thảo để xây dựng báo cáo kiến nghị Bộ Công an, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và các cơ quan liên quan...
Huyền Thanh