Đấu tranh với các thủ đoạn buôn lậu mới

Đấu tranh với các thủ đoạn buôn lậu mới
16 giờ trướcBài gốc
Lợi dụng chữ ký số để buôn lậu
Qua công tác đấu tranh bắt giữ và xử lý vi phạm, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) đã phát hiện ra các phương thức thủ đoạn phổ biến được tội phạm thường sử dụng, đó là: Lợi dụng chữ ký số của doanh nghiệp thuê làm thủ tục nhằm buôn lậu hàng nhập khẩu có điều kiện, cất giấu hàng cấm trong hàng hóa thông thường ít rủi ro, trà trộn hàng ngoại với hàng sản xuất trong nước để xuất khẩu nhưng trên bao bì hàng hóa ghi xuất xứ Việt Nam; thay đổi nhãn mác, số liệu trên bao bì, hoặc nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý ghi tên hàng, nhãn hàng, bao bì thương phẩm của hàng và nhãn hiệu hàng hóa trong khai báo có sự sai lệch; nhập khẩu hàng không đáp ứng điều kiện tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật...
Đối với loại hình nhập khẩu, nổi lên hiện tượng giả mạo thông tin người đại diện theo pháp luật, công ty không hoạt động tại địa chỉ đăng ký, sử dụng trái pháp luật chữ ký số, tài khoản ngân hàng làm thủ tục nhập khẩu trái pháp luật hóa chất N2O (khí cười) là mặt hàng phải kiểm soát đặc biệt theo quy định của pháp luật. Đối với loại hình xuất khẩu, đối tượng thường sử dụng giấy tờ giả, khai báo sai về chủng loại, khối lượng, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa để hưởng ưu đãi thuế xuất khẩu, trốn thuế.
Đáng chú ý, tại tuyến biển Hải Phòng hay xảy ra các vụ buôn lậu liên quan mặt hàng gỗ ván làm từ gỗ keo rừng trồng. Các đối tượng thành lập các công ty ma, sử dụng căn cước công dân của người khác để đăng ký thành lập doanh nghiệp và doanh nghiệp này chỉ hoạt động trong thời gian ngắn để không kê khai thuế, trốn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp… Trong quá trình thu mua lâm sản, doanh nghiệp không có hóa đơn đầu vào lâm sản, làm giả các hồ sơ tài liệu về nguồn gốc lâm sản để xuất hàng (gỗ ván ép) sang Trung Quốc.
Loại hình gia công, sản xuất xuất khẩu nhức nhối hiện tượng khai báo làm thủ tục nhập khẩu nguyên phụ liệu để gia công, sản xuất xuất khẩu tại các chi cục quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, nhưng hàng hóa nhập khẩu qua đường bộ được trà trộn hàng cấm nhập khẩu, hàng nhập khẩu có điều kiện, hàng tiêu dùng có thuế suất cao vào nguyên phụ liệu.
Tại địa bàn ngoài cửa khẩu trong các khu công nghiệp nổi lên hiện tượng nhập khẩu nguyên liệu để gia công, sản xuất xuất khẩu nhưng không xuất khẩu sản phẩm mà bán tiêu thụ nội địa hoặc không xuất khẩu sản phẩm gia công mà thực tế xuất khẩu mặt hàng khác, không rõ nguồn gốc xuất xứ để hợp thức hóa cho số nguyên liệu đã nhập khẩu nhằm buôn lậu, trốn thuế. Có doanh nghiệp còn khai báo nhập khẩu máy móc thiết bị, dây chuyền công nghệ mới trong khi thực tế là máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng không được phép nhập khẩu. Một hiện tượng khác nổi lên gần đây là hành vi sử dụng hàng hóa thuộc đối tượng miễn thuế nhưng sử dụng không đúng mục đích mà không khai báo việc chuyển đổi mục đích sử dụng với cơ quan hải quan để trốn thuế.
Đường đi của hàng lậu
Tại các địa điểm cửa khẩu, khu vực đối diện các cửa khẩu của Việt Nam, phía Trung Quốc đầu tư xây dựng các trung tâm thương mại, dịch vụ, kho chứa hàng hóa có quy mô lớn với chủ trương hoạt động khuyến mại, giảm giá hàng hóa để khuyến khích, đẩy mạnh hoạt động kinh doanh, tham quan du lịch và mua sắm. Do hàng hóa của Trung Quốc giá rẻ, cho nên nhiều đối tượng lợi dụng chính sách tạo thuận lợi thương mại, đường biên giới để mua gom, mang vác, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Gần đây, Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động của các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein… tại Việt Nam để bán hàng hóa do Trung Quốc sản xuất, điều này tiềm ẩn nguy cơ bị lợi dụng trà trộn hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ với giá rẻ, chất lượng không được kiểm chứng.
Tại các tỉnh biên giới miền trung (tiếp giáp với Lào), các đối tượng kinh doanh hàng cấm, hàng lậu sử dụng các thủ đoạn như xé lẻ hàng hóa, vận chuyển bằng xe mô-tô, xe khách, xe có tải trọng nhẹ từ biên giới đưa vào nội địa tiêu thụ; hoạt động vào các giờ nghỉ, ngày nghỉ, dịp lễ, Tết… Tại các tỉnh biên giới đất liền phía nam (tiếp giáp với Campuchia) thuộc địa phận các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, tội phạm lợi dụng địa hình bằng phẳng, dễ dàng vận chuyển, sử dụng các thủ đoạn như chia nhỏ, xé lẻ hàng hóa, lợi dụng thời điểm đêm tối, sáng sớm để vận chuyển trái phép. Ngoài ra, bên kia biên giới thuộc Campuchia, các đối tượng cho xây dựng các địa điểm tập kết hàng lậu, lợi dụng sự sơ hở, lơ là của các lực lượng chức năng tại một số thời điểm để vận chuyển hàng lậu vào nội địa tiêu thụ.
Tuyến đường biển, tại Cảng I, II, III, Đình Vũ (Hải Phòng), Cát Lái (Thành phố Hồ Chí Minh), Cái Mép (Bà Rịa-Vũng Tàu) hàng hóa vi phạm với số lượng lớn, đa dạng về mặt hàng cũng như loại hình vi phạm. Tuyến biển miền trung nổi lên hiện tượng ma túy được bọc kỹ và gắn định vị trôi dạt trên biển. Các sân bay quốc tế như Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cam Ranh, đối tượng thường lợi dụng loại hình bưu chính, chuyển phát nhanh, hàng xách tay, quà biếu, tặng, hành lý ký gửi… để buôn lậu, vận chuyển trái phép các mặt hàng gọn nhẹ dễ vận chuyển, có giá trị cao như ngoại tệ, vàng, kim cương...
Dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 đã cận kề, nhiều doanh nghiệp thuộc diện nghi vấn có khả năng dùng các thủ đoạn xuất khẩu hàng hóa có nguồn gốc nhập khẩu nhưng chỉ thực hiện công đoạn gia công, sản xuất, lắp ráp đơn giản, không đáp ứng tiêu chí xuất xứ theo quy định; các hành vi làm giả giấy tờ, tài liệu của cơ quan, tổ chức nhà nước… để nhập khẩu trái phép hàng hóa có điều kiện; có hành vi lợi dụng loại hình quá cảnh, thực hiện hành vi tự ý phá niêm phong hải quan để thẩm lậu hàng vào nội địa…
Phó Cục trưởng Điều tra chống buôn lậu Phan Quốc Đông cho biết, dịp trước, trong và sau Tết, toàn ngành tập trung vào công tác điều tra nghiên cứu nắm tình hình tại địa bàn, công tác sưu tra, xây dựng cơ sở bí mật để xác lập chuyên án đấu tranh đối với các vụ việc có dấu hiệu nghiêm trọng, phức tạp, có tính chất liên tỉnh, có sự móc nối trong và ngoài nước hoặc các vụ việc vi phạm liên quan các mặt hàng cấm, mặt hàng vi phạm có số lượng lớn, trị giá cao. Bên cạnh đó, các lực lượng tăng cường công tác trao đổi thông tin, phối hợp các lực lượng chức năng trong và ngoài nước nhằm xây dựng các phương án, kế hoạch điều tra, xác minh, đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả.
Nội dung trọng tâm cũng đang được đẩy mạnh là xây dựng, triển khai các chương trình, kế hoạch tuyên truyền, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức, ý thức chấp hành pháp luật hải quan cho nhân dân, nhất là những người sinh sống, làm việc tại các địa bàn biên giới, cửa khẩu, các điểm nóng về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Từ ngày 15/12/2023 đến 14/11/2024, ngành hải quan đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 16.390 vụ việc vi phạm với trị giá gần 29,3 tỷ đồng (tăng 12,12% về số vụ và tăng 1154,09% về trị giá hàng hóa), thu nộp ngân sách nhà nước hơn 901 tỷ đồng. Cơ quan Hải quan khởi tố 24 vụ, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 157 vụ.
VĨNH KHANG
Nguồn Nhân Dân : https://nhandan.vn/dau-tranh-voi-cac-thu-doan-buon-lau-moi-post853011.html