Thành phố Huế đã có quá trình tích lũy, đầu tư hạ tầng, làm thay đổi diện mạo đô thị. Ảnh: Nguyễn Phong
Tỷ lệ đô thị hóa đạt chuẩn
Theo Phòng Hạ tầng đô thị, Sở Xây dựng, việc đầu tư, triển khai các dự án (DA) phát triển đô thị trên địa bàn TP. Huế đã tuân thủ theo các quy định về quản lý đầu tư phát triển đô thị, đảm bảo tuân thủ chặt chẽ quy hoạch đô thị đã được phê duyệt. Mục tiêu đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương đã trở thành hiện thực. Đây là dấu ấn quan trọng mang tính lịch sử, không chỉ cho sự phát triển của thành phố mà còn cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản, văn hóa đặc trưng của Huế.
Với mục tiêu trở thành hành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, thành phố đã có quá trình đầu tư hạ tầng, làm thay đổi diện mạo đô thị. Những công trình hoàn thành cơ bản đáp ứng được yêu cầu kết nối khu vực đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh, tạo động lực và có tính chất lan tỏa, kết nối, tạo không gian, động lực phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Những cây cầu vượt biển, băng sông giúp kết nối giao thông liên vùng và thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển
Sở Xây dựng đánh giá, việc thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương đảm bảo đúng định hướng, chỉ đạo, quan điểm, tư tưởng của Bộ Chính trị, tạo ảnh hưởng và sức bật mới không chỉ cho Huế phát triển, mà còn tạo điều kiện để thành phố khai thác tốt hơn các tiềm năng, thế mạnh về vị trí, di sản, văn hóa và đóng góp thiết thực cho vùng, cho đất nước; tạo ra những vận hội mới để tiếp tục triển khai các nhiệm vụ mang tính chiến lược của địa phương, vùng và quốc gia trong giai đoạn tiếp theo. Đồng thời, mở ra cơ hội thu hút đầu tư, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển...
Kết nối hạ tầng
Ông Trương Nguyễn Thiện Nhân - Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, hệ thống các công trình trọng điểm đã và đang dần hình thành trên địa bàn thành phố, tạo ra khung sườn cho việc phát triển đô thị, giãn dân, phát triển quỹ đất, đặc biệt là tạo tiền đề và động lực mạnh mẽ cho việc hình thành chuỗi đô thị biển trong tương lai, góp phần thúc đẩy kinh tế biển phát triển.
Thời gian tới, thành phố tiếp tục ưu tiên nguồn lực đầu tư các tuyến đường kết nối đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh nhằm tạo động lực và lan tỏa phát triển kinh tế - xã hội như: tuyến đường Phú Mỹ - Thuận An, đường Chợ Mai - Tân Mỹ, đường phía Tây phá Tam Giang - Cầu Hai, đường bộ ven biển và cầu qua cửa biển Thuận An, đường 2 đầu cầu Nguyễn Hoàng, đường Tố Hữu nối dài đi sân bay Phú Bài, đường Vành đai 3...
Thực hiện mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết số 54 của Bộ Chính trị, thành phố đã ưu tiên đẩy nhanh tiến độ thực hiện các DA phát triển hạ tầng kinh tế - kỹ thuật, đặc biệt là hạ tầng giao thông có tính kết nối liên vùng. Nhờ vậy, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trong thời gian qua đã có những thay đổi cơ bản, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại, giao thương của người dân, doanh nghiệp.
Theo đó, về đường hàng không, Nhà ga T2 - Cảng Hàng không quốc tế Phú Bài được đầu tư hoàn thành đưa vào khai thác năm 2023 với công suất 5 triệu hành khách/năm, đáp ứng tốt nhu cầu vận chuyển hành khách bằng đường hàng không. Về đường bộ, hệ thống đường bộ đã được đầu tư xây dựng đồng bộ, phân bố đều gồm các trục dọc, trục ngang, đường cao tốc, đường vành đai kết nối với các địa phương trên địa bàn thành phố và các tỉnh lân cận như: Đường Hồ Chí Minh nhánh tây được đầu tư cộng với nâng cấp thảm nhựa Quốc lộ 49B từ TP. Huế (cũ) lên A Lưới, góp phần tích cực trong việc phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh, quốc phòng cho khu vực phía tây của thành phố. Hệ thống đường ven phá, ven biển cũng đã được quan tâm đầu tư, như Quốc lộ 49B từ Mỹ Chánh - Quảng Trị đến Phú Lộc dài 95km. Tuyến đường bộ ven biển và cầu qua cửa biển Thuận An, điểm nhấn của đô thị biển trong tương lai, cũng là DA quan trọng để từng bước hình thành đường ven biển đoạn qua thành phố dài 127km…
Các công trình giao thông này đã và đang là động lực, góp phần phá thế ốc đảo cho dải đất ven biển, góp phần tích cực vào công tác cứu hộ, cứu nạn; an ninh, quốc phòng; phát triển kinh tế biển, du lịch nghỉ dưỡng, hình thành các đô thị ven biển như Điền Lộc, Thuận An, Vinh Thanh, Vinh Hiền, Cảnh Dương, Lăng Cô...
Bên cạnh đó, DA đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương đã thông xe kỹ thuật tháng 3/2025, khi hoàn thành toàn bộ DA sẽ góp phần quan trọng trong mở rộng không gian đô thị, khai khác quỹ đất lớn ở khu vực Hương Long, Hương Hồ, tạo nguồn thu lớn cho thành phố. Ngoài ra, hệ thống đường cao tốc Bắc - Nam đoạn La Sơn - Túy Loan dài khoảng 66 km, Cam Lộ - La Sơn dài khoảng 98km giai đoạn 1 đã hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng, đã mở thêm cánh cửa cho giao thông đối ngoại của thành phố phát triển. Hiện nay, thành phố đang phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để triển khai DA cao tốc La Sơn - Hòa Liên và cao tốc Cam Lộ - La Sơn giai đoạn 2 với quy mô 4 làn xe.
Ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, Huế có bờ biển dài hơn 120km dọc theo đường bờ biển từ Bắc đến Nam của nước ta, đã được quy hoạch các khu bến cảng rất thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa giữa các tỉnh, thành trong khu vực, với hai đầu đất nước và giao thương quốc tế, phục vụ tốt cho chiến lược an ninh, quốc phòng. Đặc biệt, cảng nước sâu tự nhiên Chân Mây hiện đã đưa vào sử dụng 3 bến số 1, 2, 3 với công suất 4,5 đến 9 triệu tấn/năm với cỡ tàu hàng 50 - 70 ngàn tấn và lớn hơn, tàu khách đến 3.500 khách đang mở ra cơ hội lớn cho việc phát triển ngành dịch vụ vận tải logistics phục vụ vận chuyển hàng hóa cho thành phố và các tỉnh lân cận, kể cả các nước bạn thuộc hành lang kinh tế Đông - Tây ra thế giới.
Theo Sở Xây dựng, thời gian tới, TP. Huế tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến kêu gọi đầu tư các DA phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng quy hoạch đã được phê duyệt. Trong đó, ưu tiên các DA hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao; các DA trọng điểm như: Laguna Lăng Cô giai đoạn 2 (có Casino); Khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế Minh Viễn; đầu tư xây dựng Bến số 4, 5, 6 và các bến cảng khác theo quy hoạch tại cảng nước sâu Chân Mây; Khu dịch vụ logistics Chân Mây; các khu đô thị và du lịch ven biển trên địa bàn nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế biển.
Bài, ảnh: HÀ NGUYÊN