Thách thức từ nguồn nhân lực
TP. Hồ Chí Minh với vai trò “đầu tàu” kinh tế của Việt Nam, đang đặt mục tiêu trở thành trung tâm tài chính quốc tế (International Financial Center - IFC) theo lộ trình của Đề án 1232: củng cố vị thế trung tâm tài chính quốc gia trước năm 2025, khu vực vào năm 2030 và quốc tế sau đó.
TP. Hồ Chí Minh có nguồn nhân lực lớn, với hơn 4,7 triệu lao động và hiệu quả năng suất cao gấp 1,7 lần trung bình cả nước. Tuy nhiên, theo báo cáo của Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh năm 2023, tỷ lệ người lao động có bằng cấp, chứng chỉ đào tạo từ sơ cấp nghề trở lên chiếm 36% với tổng số lực lượng lao động. Thiếu kỹ năng ngoại ngữ; hạn chế trong kỹ năng mềm; thiếu kinh nghiệm thực tiễn quốc tế.
Còn theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư năm 2023, chỉ có 35% lực lượng lao động trong ngành tài chính - ngân hàng có trình độ đạt chuẩn quốc tế.
Chỉ số kỹ năng số của Việt Nam đạt 4.2/10, thấp hơn so với Singapore (8.1/10) và Hồng Kông - Trung Quốc (7.8/10), hơn 60% lao động trong ngành tài chính có kinh nghiệm dưới 5 năm, cho thấy thiếu hụt nhân sự cấp cao.
Các lĩnh vực mũi nhọn như fintech, blockchain hay tài chính xanh đang thiếu hụt nhân sự trầm trọng. Ông Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc Khối Công nghệ thông tin Ngân hàng Techcombank chia sẻ, ngành fintech đòi hỏi nhân sự không chỉ giỏi công nghệ và tài chính, mà còn nhạy bén với thị trường và sẵn sàng chấp nhận rủi ro để đổi mới. Tuy nhiên, tại TP. Hồ Chí Minh, việc tìm kiếm những cá nhân hội tụ đủ phẩm chất này là bài toán nan giải.
Nhân lực chất lượng cao là yếu tố then chốt để TP. Hồ Chí Minh trở thành trung tâm tài chính quốc tế (IFC). Ảnh: Nguyễn Lạc
Ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, nhân lực IT chưa bao giờ đủ để đáp ứng nhu cầu kinh doanh. Trong thời đại số hóa, công nghệ thông tin (CNTT) là xương sống ở mọi lĩnh vực, và đây là vấn đề chung toàn cầu, từ Mỹ, châu Âu đến Úc. Do đó, nhiều nước tiên tiến phải thuê ngoài sang Ấn Độ, Philippines, Việt Nam… khiến thị trường nhân lực CNTT tại Việt Nam cạnh tranh khốc liệt.
Các chuyên gia cho rằng, nhân lực vẫn là “trụ cột sống còn” trong 5 yếu tố then chốt: thể chế, hạ tầng, định chế tài chính, thương hiệu và con người.
PGS.TS Trần Hoàng Ngân - Đại biểu Quốc hội khóa XV cũng nhìn nhận, vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao đang là một rào cản lớn để TP. Hồ Chí Minh hiện thực hóa, vươn tầm thành trung tâm tài chính quốc tế (IFC).
“Sự thiếu hụt này xuất phát từ việc lực lượng lao động hiện tại chưa đáp ứng được yêu cầu khắt khe của một IFC toàn cầu. Chúng ta không chỉ cần nhân sự giỏi về tài chính hay công nghệ, mà còn phải có tầm nhìn quốc tế, khả năng sáng tạo và tư duy chấp nhận rủi ro để đổi mới. Tuy nhiên, thực tế tại TP. Hồ Chí Minh cho thấy số lượng lao động có kỹ năng chuyên sâu về fintech, blockchain hay quản trị tài chính quốc tế còn rất hạn chế, chưa đủ để cạnh tranh với các trung tâm như Singapore hay Hồng Kông” - PGS.TS Trần Hoàng Ngân phân tích.
Giải pháp chiến lược
Để vượt qua thách thức, TP. Hồ Chí Minh đang triển khai nhiều giải pháp cụ thể. Trong lĩnh vực doanh nghiệp, Techcombank là một ví dụ điển hình. Ngân hàng này xác định CNTT và phân tích dữ liệu là chìa khóa thành công kinh doanh.
Thay vì chỉ cạnh tranh nhân tài, Techcombank đầu tư xây dựng nguồn nhân lực mới cho đất nước: tổ chức sự kiện thu hút Việt kiều toàn cầu, hỗ trợ nhân viên học công nghệ và kỹ năng mềm như design thinking, agile. Kết quả, gần 25% cán bộ Techcombank trở thành chuyên gia CNTT. Techcombank cũng hợp tác với các trường đại học hàng đầu để phát triển sinh viên CNTT từ sớm.
Trong lĩnh vực giáo dục, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh đã triển khai “Chương trình Đào tạo nguồn nhân lực trình độ quốc tế ngành Tài chính - Ngân hàng” từ năm 2023.
Nhiều trường Đại học tại TP. Hồ Chí Minh đã xây dựng chương trình đào tạo chuyên sâu, bổ sung các môn như fintech, blockchain để đáp ứng nhu cầu hiện nay. Ảnh: Nguyễn Lạc.
GS.TS Sử Đình Thành - Giám đốc Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, cho biết chương trình kết hợp lý thuyết và thực tiễn, trang bị kiến thức chuyên sâu về tài chính, kinh tế, quản lý, cùng kỹ năng nghề nghiệp để sinh viên hòa nhập thị trường lao động toàn cầu.
Tương tự, trường Đại học Gia Định đặt mục tiêu đào tạo 200-500 kỹ sư AI mỗi năm thông qua chương trình CNTT tích hợp AI. TS. Mai Đức Toàn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh - Truyền thông Đại học Gia Định, chia sẻ: “70% đồ án của sinh viên đến từ yêu cầu thực tế của doanh nghiệp, giúp họ thành thạo công nghệ 4.0 ngay từ ghế nhà trường”.
PGS.TS Trần Hoàng Ngân đề xuất giải pháp vĩ mô, TP. Hồ Chí Minh cần chính sách vượt trội để thu hút chuyên gia từ các IFC như Singapore, Hồng Kông, London - không chỉ qua ưu đãi thuế, thu nhập, mà còn cơ chế visa linh hoạt, thủ tục định cư đơn giản. Nếu được thể chế hóa trong Nghị quyết Quốc hội kỳ họp thứ 9, những chính sách này sẽ biến thành phố thành điểm đến lý tưởng cho nhân tài toàn cầu.
PGS.TS Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh: “Nhân lực mạnh, thành phố mạnh. Muốn thành IFC, con người phải đi trước một bước”.
UBND TP. Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 2426/QĐ-UBND phê duyệt Đề án tổng thể đào tạo nhân lực trình độ quốc tế cho 08 ngành giai đoạn 2020-2035. Trong đó, Đề án đào tạo nguồn nhân lực trình độ quốc tế ngành Tài chính - Ngân hàng sẽ góp phần phát triển lực lượng lao động chất lượng cao, tạo ra lợi thế cạnh tranh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho TP. Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung trong quá trình hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu; đồng thời, góp phần đổi mới toàn diện giáo dục, đáp ứng xu thế toàn cầu hóa lực lượng lao động.
Lạc Nguyên