Đầu tư nhiều công trình mang dấu ấn Việt Nam

Đầu tư nhiều công trình mang dấu ấn Việt Nam
2 giờ trướcBài gốc
Mở rộng mạng lưới cơ sở văn hóa
Sáng 18/10, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tổ chức hội nghị công bố Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao, Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong khẳng định, đây là sự kiện quan trọng giúp Bộ VHTTDL tổng hợp, chuẩn bị nội dung ban hành kế hoạch thực hiện các quy hoạch.
Phấn đấu Việt Nam có những công trình mang đậm bản sắc văn hóa, biểu tượng cho quốc gia hội nhập trong thế kỷ 21. Ảnh: Trọng Tài
Chính phủ đặt mục tiêu cân đối, phân bố không gian mạng lưới văn hóa, thể thao hợp lý, hình thành những công trình mang đậm bản sắc văn hóa, có tính biểu tượng cho Việt Nam hội nhập trong thế kỷ 21.
Mạng lưới cơ sở văn hóa quốc gia gồm bảo tàng, thư viện, nhà hát,... sẽ được xây mới và nâng cấp. Ngoài hai bảo tàng quốc gia mới là Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, một số bảo tàng chuyên ngành sẽ được đầu tư, hoàn thiện là Bảo tàng Tiền Việt Nam, Bảo tàng Kiến trúc Việt Nam,...
Chính phủ định hướng ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, ứng dụng khoa học công nghệ cho các cơ sở phổ biến phim, phân bố mạng lưới cơ sở điện ảnh tại các địa phương đóng vai trò là trung tâm văn hóa của quốc gia, của vùng tại các đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung, Đông Nam bộ. Các trung tâm điện ảnh trong tương lai được kỳ vọng thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa, du lịch.
Thời gian tới, ngành văn hóa bắt tay xây dựng các tổ hợp trung tâm nghệ thuật biểu diễn với sức chứa hơn 3.000 chỗ ngồi tại Hà Nội và Đà Nẵng, trung tâm biểu diễn nghệ thuật hiện đại và nhà hát tổng hợp quốc gia tại TPHCM với sức chứa tối thiểu 1.200 chỗ ngồi cho mỗi cơ sở. Chính phủ yêu cầu bảo đảm 100% đơn vị hành chính cấp tỉnh có đủ ba loại hình thiết chế văn hóa, gồm: trung tâm văn hóa, bảo tàng, thư viện.
Tránh đầu tư nhiều, sử dụng khó
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong đề nghị các đại biểu nêu ý kiến xoay quanh nội dung quy hoạch để Bộ VHTTDL tổng hợp, chuẩn bị nội dung ban hành kế hoạch thực hiện.
Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Ninh Thị Thu Hương thông báo, tính đến hết tháng 9/2024, toàn quốc có 42 tỉnh, thành phố đã quy hoạch quỹ đất dành cho xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao. Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở trong những năm qua đã từng bước được hoàn thiện. “Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn bất cập, hạn chế như hiệu quả hoạt động văn hóa, thể thao của các thiết chế chưa đồng đều, một số nơi chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới của sự phát triển kinh tế-xã hội,...”, bà Ninh Thị Thu Hương nói.
Theo Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam đặt mục tiêu đón từ 25-28 triệu lượt khách quốc tế năm 2025. Đến năm 2045, ngành du lịch phấn đấu đón 70 triệu khách quốc tế. Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh khẳng định, nội dung quy hoạch cơ bản giải quyết được các nhu cầu thực tiễn, đáp ứng được các yêu cầu nhiệm vụ trước mắt, lâu dài. “Quy hoạch được triển khai thực hiện và đi vào cuộc sống sẽ định hướng cho ngành du lịch Việt Nam trong thời gian tới lớn mạnh, cạnh tranh và bền vững”, ông Nguyễn Trùng Khánh nói.
Lãnh đạo Cục Văn hóa cơ sở đề xuất bố trí các nguồn lực cho phát triển văn hóa, thể thao bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, đồng thời tăng cường phân cấp, phân quyền về đầu tư, tài chính trong việc xây dựng, cải tạo, nâng cấp, quản lý, sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao.
Bà Trần Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc Sở VHTT tỉnh Nghệ An cho biết, Nghệ An là tỉnh sớm quy hoạch thiết chế văn hóa cơ sở, ban hành nhiều đề án thực hiện. “Xây dựng thiết chế văn hóa đã khó, nhưng quản lý và phát huy hiệu quả còn khó hơn. Ở địa phương, các thiết chế như nhà văn hóa, sân vận động được huy động rất nhiều tiền để xây dựng, nhưng xuân thu nhị kỳ tổ chức giải thể thao, rồi sau đó muốn dùng lại vướng cơ chế sử dụng tài sản công, khó cho thuê, thu hút doanh nghiệp hợp tác”, bà Mỹ Hạnh nói. Vì vậy, lãnh đạo Sở VHTT tỉnh Nghệ An đề xuất Bộ VHTTDL ban hành thông tư cụ thể về việc quản lý, sử dụng thiết chế văn hóa.
Mạng lưới cơ sở văn hóa quốc gia gồm bảo tàng, thư viện, nhà hát,... sẽ được xây mới và nâng cấp.
Trong nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách, TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam nhấn mạnh, cần cơ chế khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong nước và nước ngoài tham gia đầu tư phát triển hạ tầng cơ sở, không gian hoạt động văn hóa, thể thao.
Dựa trên nội dung quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao quốc gia, các địa phương nên có kế hoạch phân bổ nguồn tài nguyên, đặc biệt là quỹ đất phù hợp. “Phải xây dựng các cơ sở văn hóa và thể thao quốc gia trở thành không gian giáo dục và phổ biến các giá trị văn hóa Việt Nam, tiếp thu tinh hoa thế giới, là hình mẫu cho các cơ sở văn hóa, thể thao trên toàn quốc”, đại diện Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam kiến nghị.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Trần Huấn
Ngành văn hóa kỳ vọng sẽ phát triển mạng lưới cơ sở văn hóa quốc gia đồng bộ, hiện đại, giàu bản sắc, bảo đảm công bằng trong tham gia, hưởng thụ của nhân dân các vùng, khu vực trong cả nước.
THU AN
Nguồn Tiền Phong : https://tienphong.vn/dau-tu-nhieu-cong-trinh-mang-dau-an-viet-nam-post1683611.tpo