Học sinh trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên vừa hoàn thành Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025.
Sau sáp nhập, tỉnh Thái Nguyên hiện có hệ thống trường lớp phát triển đồng bộ, mạng lưới cơ sở giáo dục rộng khắp, đáp ứng nhu cầu học tập của con em các dân tộc trong tỉnh. Toàn tỉnh có 976 cơ sở giáo dục với trên 433 nghìn học sinh; trong đó có 351 trường mầm non, 263 trường tiểu học, 49 trường liên cấp tiểu học và THCS, 238 trường THCS, 4 trường THCS và THPT, 46 trường THPT; 2 trung tâm giáo dục thường xuyên, 16 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên... Cơ sở vật chất tiếp tục được đầu tư theo hướng hiện đại, phù hợp với yêu cầu đổi mới giáo dục và định hướng chuyển đổi số.
Theo ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên, tỉnh đã ưu tiên nguồn lực đầu tư toàn diện cho Ngành, từ xây dựng trường lớp, trang bị thiết bị dạy học đến nâng cao chất lượng đội ngũ và đổi mới phương pháp dạy học. Đặc biệt, việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được thực hiện đúng lộ trình. Ngành chú trọng công tác xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý; hiện tỷ lệ đạt chuẩn và trên chuẩn đạt hơn 90%. Đây là tiền đề quan trọng cho việc đổi mới phương pháp giảng dạy, kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh. Các chương trình giáo dục mầm non, phổ thông được tổ chức nền nếp, chất lượng ngày càng nâng cao, tiệm cận với mục tiêu giáo dục hiện đại.
Kết quả giáo dục mũi nhọn cho thấy rõ những nỗ lực vượt bậc. Trong giai đoạn 2020-2025, học sinh Thái Nguyên giành 7 giải Nhất, 65 giải Nhì, 128 giải Ba và 183 giải Khuyến khích tại các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, đưa tỉnh vươn lên vị trí thứ 7 toàn quốc năm 2025. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT luôn đạt 97-98%, cho thấy nền tảng giáo dục đại trà ổn định, vững chắc.
Cùng với đó, giáo dục STEM, nghiên cứu khoa học kỹ thuật và khởi nghiệp trong học sinh là điểm sáng nổi bật. Năm học vừa qua, học sinh Thái Nguyên đạt 2 giải Nhất tại cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia, trong đó có một dự án được chọn tham gia cuộc thi quốc tế.
Việc triển khai Đề án hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025 được thực hiện hiệu quả, khơi dậy tư duy đổi mới sáng tạo, rèn luyện kỹ năng sống và gắn kết thực tiễn vào quá trình học tập.
Trường THCS Trưng Vương được đầu tư xanh, sạch, đẹp, đáp ứng nhu cầu học tập, rèn luyện của học sinh.
Công tác phổ cập giáo dục được duy trì và nâng cao chất lượng. Tỉnh đã đạt phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập tiểu học mức độ 3, phổ cập THCS mức độ 2, xóa mù chữ mức độ 2. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt trên 72%, phản ánh sự nỗ lực cải thiện điều kiện dạy và học toàn diện từ cơ sở. Đây cũng là cơ sở để ngành tiếp tục triển khai các nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong giai đoạn tới.
Thái Nguyên đặt mục tiêu đến năm 2030 có 82% trường đạt chuẩn quốc gia. Để đạt mục tiêu này, các trường học cần tiếp tục tăng cường đầu tư cơ sở chất; toàn ngành đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý và giảng dạy; nhân rộng các mô hình như “Trường học số”, “Trường học hạnh phúc”, nâng cao chất lượng dạy học tiếng Anh, hướng đến đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.
Đồng thời, Ngành sẽ tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng phát huy tính chủ động, sáng tạo của học sinh, phát triển mạnh các mô hình giáo dục tích hợp như STEM, STEAM, ứng dụng AI và nền tảng học tập trực tuyến. Giáo dục văn hóa đọc, âm nhạc, võ cổ truyền, văn hóa trà… cũng được đưa vào trường phổ thông nhằm xây dựng môi trường giáo dục toàn diện, giàu bản sắc.
Bên cạnh dạy kiến thức, việc giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, kỹ năng xã hội cho học sinh được chú trọng. Các trường học tích cực triển khai chương trình giáo dục giá trị sống, phòng chống ma túy, bạo lực học đường, giáo dục giới tính, chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên...
Học sinh được tham gia các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, văn nghệ, thể thao, sinh hoạt tập thể, tạo điều kiện phát triển toàn diện cả về trí tuệ, đạo đức, thể chất và thẩm mỹ.
Chính sách giáo dục vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục được duy trì, hỗ trợ thiết thực cho học sinh yếu thế, góp phần giảm khoảng cách về chất lượng giữa các vùng.
Với nền tảng vững chắc, cùng tinh thần đổi mới và quyết tâm cao của đội ngũ cán bộ, giáo viên toàn Ngành, sự nghiệp giáo dục và đào tạo của Thái Nguyên sẽ tiếp tục phát triển bền vững, khẳng định vai trò trung tâm trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và vùng Trung du, miền núi phía Bắc.
Thảo Nguyên