Triển khai xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu đã khiến cho bức tranh nông thôn tại Vĩnh Phúc khởi sắc. Đặc biệt, cơ sở hạ tầng vùng nông thôn đã được đầu tư sâu, rộng, tạo điều kiện cho người dân đưa cơ giới hóa vào sản xuất, nâng cao năng suất lao động, giải phóng sức lao động. Chương trình xây dựng nông thôn mới đã thực sự thổi luồng sinh khí mới, giúp diện mạo các vùng quê trên địa bàn đổi thay mọi mặt.
Cuối năm 2010, khi mới bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, toàn tỉnh Vĩnh Phúc chỉ có 14 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí nông thôn mới, 80 xã đạt từ 5 - 9 tiêu chí, 18 xã đạt dưới 5 tiêu chí. Đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã chú trọng thực hiện tốt khâu tuyên truyền, vận động với nhiều đổi mới, sáng tạo, linh hoạt, giúp người dân hiểu rõ ý nghĩa và lợi ích của chương trình.
Xã viên Hợp tác xã rau an toàn Vân Hội Xanh (Tam Dương, Vĩnh Phúc) thu hoạch rau cải. Ảnh: Nguyễn Thảo/TTXVN
Đến nay, 100% số xã tại Vĩnh Phúc được công nhận đạt chuẩn thôn nông thôn mới và đang tiếp tục duy trì đạt chuẩn theo quy định giai đoạn 2021 - 2025. Toàn tỉnh có 34 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, bằng 81% mục tiêu kế hoạch; 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, đạt 18,2% mục tiêu kế hoạch. Cùng với đó là 190 thôn được công nhận thôn nông thôn mới kiểu mẫu, đạt 140% mục tiêu kế hoạch; 13 thôn thông minh, đạt 118% mục tiêu kế hoạch.
Dự kiến đến hết năm 2024, Vĩnh Phúc sẽ hoàn thành 100% mục tiêu kế hoạch về xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Điều đáng nói, từ phương châm Nhà nước và Nhân dân cùng làm, vai trò chủ thể của người dân được thể hiện rõ nét hơn trong công tác giải phóng mặt bằng, dồn thửa đổi ruộng, chỉnh trang nhà cửa, cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế... Chỉ riêng giai đoạn 2021 - 2023, tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh là hơn 7.626 tỷ đồng; trong đó, gần 1.039 tỷ đồng từ nhân dân đóng góp.
Để có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, Vĩnh Phúc đã chỉ đạo các ngành chức năng cùng các địa phương trong tỉnh triển khai thực hiện, hoàn thiện các tiêu chí. Bên cạnh đó, đánh giá tổng thể, toàn diện quá trình xây dựng để làm rõ những mặt tích cực và hạn chế, đặc biệt là việc sử dụng ngồn vốn để mang lại hiệu quả cao nhất.
Hiện, Vĩnh Phúc có 100% số xã đã được quy hoạch; tất cả đường liên xã, trục xã, trục thôn, ngõ xóm, đường giao thông nội đồng cơ bản đã được cứng hóa. Hệ thống chợ, lưới điện sinh hoạt, đặc biệt hạ tầng và trang thiết bị công nghệ thông tin phá triển... được bao phủ rộng khắp trên các miền quê.
Giờ đây, không riêng gì khu vực thành thị, chuyển đổi số đang len lỏi tới từng bản làng, thôn xóm, giúp người dân làm chủ công nghệ, thu hẹp khoảng cách số giữa khu vực nông thôn và thành thị, từng bước hướng tới xây dựng xã nông thôn mới thông minh, thôn nông thôn mới thông minh. Chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp thôn và cấp xã đều thành lập nhóm Zalo... để quản lý, triển khai thực hiện nhiệm vụ của chính quyền, hội nhóm của mình nhanh chóng, hiệu quả.
Nhờ cơ sở hạ tầng vùng nông thôn được đầu tư sâu, rộng, nhất là hệ thống điện và giao thông... đã tạo điều kiện cho người dân đưa cơ giới hóa vào sản xuất, nâng cao năng suất lao động, giải phóng sức lao động. Ông Nguyễn Hoàng Dương, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Phúc cho biết, đi đôi với việc xây dựng nông thôn mới, vấn đề áp dụng khoa học, đặc biệt là đưa máy móc, cơ giới vào sản xuất nông nghiệp được tỉnh đặc biệt quan tâm.
Cùng đó, tỉnh chỉ đạo các địa phương thực hiện dồn thửa, đổi ruộng để tăng diện tích đất canh tác cho mỗi thửa ruộng với mong muốn đưa máy làm đất, máy gặt vào thao tác, hoạt động hiệu quả, không còn những trở ngày do đường đất nhỏ hẹp... phương tiện cơ giới khó tiếp cận đồng ruộng. Việc đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp còn giúp nông dân hoàn thành sớm việc thu hoạch lúa, đẩy nhanh tiến độ làm đất trong thời gian ngắn nhất để hoàn thành cấy lúa vụ tiếp theo, mở rộng diện tích trồng cây vụ Đông ngay trên đất 2 lúa.
Nhiều người dân chia sẻ, trước đây, mỗi khi vào vụ canh tác, họ phải thức dậy rất sớm và tối đêm mới về để tránh mưa, nắng. Đặc biệt, mỗi khi đến vụ thu hoạch lúa, nông dân lại lo lắng lúa bị gió bão gây đổ, năng suất giảm mạnh bởi sản xuất thủ công mất nhiều thời gian, công sức, bà con luôn bị động.
Nhưng những năm gần đây, đã có máy móc cơ giới làm thay sức người ở tất cả các công đoạn nên hoạt động rất nhanh chóng. Mỗi mùa thu hoạch lúa, nông dân chỉ việc đưa phương tiện ra tận đẩu ruộng đón từng bao thóc đã được máy móc làm sạch, đóng bao đưa về nhà. Sáng đang là ruộng lúa, chiều đã là ruộng khoai, ruộng ngô nhờ máy móc, cơ giới làm thay chân, tay con người - anh Dương Văn Hướng - nông dân thôn Bảo Sơn, thị trấn Bá Hiến, Bình Xuyên nhận xét.
Đưa cơ giới hóa vào lao động sản xuất nói chung ở địa bàn nông thôn có ý nghĩa lớn là giải phóng sức lao động, tạo sự chuyên môn hóa và chuyển dịch cơ cầu lao động, giúp nhiều lao động trẻ có quỹ thời gian để làm việc khác ngoài miền quê của họ như tìm việc tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề... Đây là những nơi đang cần nhiều lao động trẻ và sẵn sàng trả tiền công cao. Việc đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp còn giúp giải bài toán về thiếu lao động do một bộ phận nông dân thường xuyên đi làm ăn xa, một số người chuyển đổi sang làm nghề mới.
Việc xây dựng nông thôn mới nói chung cũng như cao, kiểu mẫu đã giúp hạ tầng nông thôn thay đổi tích cực, nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, phát huy bản sắc văn hóa đặc trưng của từng địa phương; giải quyết những vấn đề bức xúc, tồn tại, hạn chế như môi trường, cảnh quan nông thôn, nước sạch...
Nguyễn Trọng Lịch/TTXVN