Sợ đầu tư xong... công nghệ phát triển theo hướng khác
Tại hội nghị“Hành lang pháp lý cho hạ tầng số trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, do Chi hội Truyền thông số phía Nam, trực thuộc Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) tổ chức chiều 17/4, ông Vũ Kiêm Văn, Tổng giám đốc Mobifone Global, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký VDCA cho biết quy định mới của Luật Viễn thông, không quy định mức độ sở hữu khi đầu tư trung tâm dữ liệu mới, mở ra cho nhiều doanh nghiệp cơ hội hợp tác quốc tế.
Ông Vũ Kiêm Văn tại hội nghị. Ảnh: Hà An.
Ông nhìn nhận, thời gian qua Mobifone Global tiếp cận với các nguồn vốn nước ngoài về liên doanh, hợp tác kinh doanh trong xây dựng hạ tầng trung tâm dữ liệu. Với tiềm lực của công ty, ông nói luôn sẵn sàng chủ động nguồn lực về đất đai, xin giấy phép điều chỉnh quy hoạch điện, tiếp cận các tiêu chuẩn… là cơ sở để thu hút nhiều sự quan tâm với đối tác quốc tế. Đặc biệt với đối tác, họ có những đặt hàng từ những doanh nghiệp công nghệ lớn của nước ngoài cần xây dựng trung tâm dữ liệu riêng tại Việt Nam.
Nhận thấy nhiều tiềm năng của các Hyperscale, song lãnh đạo Mobifone Global nhìn nhận, sự phát triển công nghệ hiện nay là rất nhanh. Nếu như trước đây các trung tâm dữ liệu loại thông thường, nhưng bây giờ là trung tâm dữ liệu về AI, dùng công nghệ hiện đại.
“Đầu tư vào trung tâm dữ liệu rất đau đầu, chỉ sợ đầu tư xong công nghệ phát triển theo hướng khác, rất dễ bị lạc hậu”, ông Văn bày tỏ lo ngại.
Dẫn chứng câu chuyện Trung Quốc từng có thời điểm dư thừa các trung tâm dữ liệu, đặc biệt trong giai đoạn phát triển trí tuệ nhân tạo. Nhiều trung tâm dữ liệu tại quốc gia này mở ra nhưng không sử dụng, dẫn tới khủng khoảng thừa, gây lãng phí.
Phó chủ tịch VDCA nhìn nhận, các cơ quan quản lý cần có định hướng dài hạn về mặt công nghệ để doanh nghiệp đi theo, kinh doanh được dựa trên những tài nguyên của trung tâm dữ liệu như đất đai, điện toán, lưu trữ…
Tránh trăm hoa đua nở, dẫn đến khủng hoảng thừa
Còn theo ông Phạm Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng chính sách, Cục Viễn thông, Bộ Khoa học và Công nghệ, thời gian qua lãnh đạo Bộ giao đơn vị xây dựng chiến lược hạ tầng số về quy hoạch hạ tầng thông tin truyền thông, trong đó có nhiệm vụ hình thành các trung tâm dữ liệu quy mô lớn, hình thành trung tâm dữ liệu hỗ trợ AI.
Chiến lược này nhằm cụ thể hóa Quyết định 36 Thủ tướng về quy hoạch hạ tầng thông tin truyền thông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tuy nhiên, ông cho rằng quy định về tổng công suất thiết kế của các trung tâm dữ liệu lớn mỗi quốc gia khác nhau. Cụ thể tại Trung Quốc tổng công suất 25 MW trở lên, Châu Âu từ 10 MW trở lên được coi là trung tâm dữ liệu lớn.
Ông Phạm Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng Chính sách, Cục Viễn thông, Bộ Khoa học và Công nghệ. Ảnh: Hà An.
Do đó, ông Hà nhìn nhận Việt Nam cần thống nhất về mặt định lượng công suất thiết kế của trung tâm dữ liệu lớn, làm cơ sở xây dựng chiến lược phát triển. Với mỗi khu vực, địa phương có vị trí, điều kiện khác nhau được bố trí các trung tâm dữ liệu lớn quy mô cấp vùng, cấp quốc gia.
“Trung tâm dữ liệu vận hành quan trọng nhất là đầu ra, kinh doanh dịch vụ gì. Nếu không có quy hoạch, định hướng cụ thể, rất dễ hình thành các trung tâm dữ liệu lớn theo kiểu trăm hoa đua nở dẫn đến khủng hoảng thừa”, ông Hà nhận định.
Đại diện Cục Viễn thông khẳng định luôn đồng hành, phối hợp các cơ quan quản lý triển khai hỗ trợ doanh nghiệp trong việc hoạch định chiến lược cho trung tâm dữ liệu lớn.
Theo thống kê Cục Viễn thông, Bộ Khoa học và Công nghệ, cả nước hiện có 41 trung tâm dữ liệu với tổng công suất thiết kế 221 MW và 12 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ data center.
Hà Nội là địa phương có số trung tâm dữ liệu nhiều nhất gồm 21 trung tâm, tổng công suất thiết kế 121 MW; tiếp đến là TP.HCM với 16 trung tâm dữ liệu, tổng công suất thiết kế 84 MW. Đà Nẵng và Bình Dương mỗi địa phương có 2 trung tâm dữ liệu với tổng công suất thiết kế lần lượt là 1,7 MW và 13 MW.
Hà An