Dấu yêu đất đỏ

Dấu yêu đất đỏ
5 giờ trướcBài gốc
Tôi đến tỉnh Bình Phước (cũ) vào một ngày đầu mùa mưa trong những ngày lang thang với nghiệp viết. Những con đường đất đỏ bazan mềm nhũn, chiếc xe máy cà tàng trượt lên, trượt xuống giữa hai hàng cao su thẳng tắp. Mùi đất, mùi nhựa cây, mùi mồ hôi… quyện vào nhau, thành một thứ hương vị rất riêng. Mảnh đất miền Đông khi ấy chưa có thị xã Đồng Xoài sầm uất, chưa có những khu công nghiệp rợp bóng mái tôn. Chỉ có rừng, có suối, có tiếng côn trùng và những ngôi trường ẩn hiện giữa đồi điều, rẫy tiêu. Chỉ biết có những đêm về Bù Gia Mập, Bù Đăng, Phước Long, trời sương giăng như khăn voan phủ nhẹ mái rừng, tôi nằm nghe tiếng chim lẻ gọi nhau trong rừng cao su. Là tỉnh trẻ nhất miền Đông Nam Bộ được tách ra từ tỉnh Sông Bé năm 1997. Nhưng chiều sâu lịch sử của vùng đất này đã hiện diện từ lâu lắm trong những chiến khu rừng già của kháng chiến chống Mỹ với địa danh Bù Đăng, Bù Đốp, Lộc Ninh. Đất Lộc Ninh ghi dấu Hiệp định Paris, sóc Bom Bo hát cùng tiếng máy chạy suốt ngày đêm nuôi quân kháng chiến.
Lần khác, tôi ghé lại vùng đất đỏ theo lời mời của người bạn giáo viên vào những ngày bụi đỏ cuốn lên tận mây, nơi rừng điều xanh thẳm kéo dài đến tận chân trời, nơi học trò ngồi học mắt trong veo, giọng còn lơ lớ tiếng dân tộc. Những đứa trẻ dân tộc S'tiêng, M’nông… chưa từng biết đến sách màu, chưa từng có giày đi học, nhưng trong mỗi ánh mắt ấy là khát khao được lớn lên, được học chữ, được hiểu thế giới bên ngoài cánh rừng. Những đứa trẻ ấy đã khơi trong tôi khát vọng cống hiến. Là người đứng trên bục giảng, viết về giáo dục, tôi hiểu chính từ những ngày gian nan ấy không chỉ là chữ nghĩa mà còn là hành trình của tình người. Vùng đất ở ngã ba Đông Dương – vừa mang dấu ấn lịch sử, vừa là chiếc nôi của những đổi thay âm thầm trong giáo dục. Dấu ấn nơi đây không phải được kể bằng các con đường lớn hay đô thị cao ốc ngút trời mà bằng rừng cao su bạt ngàn, những ngôi trường nằm cạnh nương rẫy và bước chân thầy cô bám bản gieo chữ. Đất đỏ nơi đây gắn với máu xương và in dấu những vết chân của người thầy. Lịch sử nằm sâu trong từng tấc đất, trong từng bậc thềm trường học, nơi các thầy cô giáo vẫn lặng lẽ dạy học, như thể viết tiếp bản anh hùng ca bằng phấn trắng và bảng xanh…
Tôi nhớ mình đã sống trong những ngày không điện, không sóng điện thoại. Những buổi tối chúng tôi ngồi lại bên nhau dưới ánh đèn dầu, đọc thơ, chấm bài, kể chuyện về Sài Gòn, về miền Tây, về thời sinh viên sư phạm… Nhờ những đêm ấy mà tôi hiểu: cái quý nhất trong giáo dục không phải là thiết bị, mà là tấm lòng của người thầy.
Giờ đây, Bình Phước - Đồng Nai đã về chung một nhà, tôi hy vọng giáo dục Đồng Nai cất cánh chỉ trong nay mai thôi. Và tôi sẽ có thêm những cơ hội được đi, được viết và được cống hiến cho giáo dục tỉnh nhà nhiều hơn…
Duyên Hà
Nguồn Đồng Nai : https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202507/dau-yeu-dat-do-0ec27be/