Theo Văn phòng Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm thống nhất chủ trương trường tiểu học, trung học cơ sở (THCS) dạy học 2 buổi/ngày, không thu phí và Nhà nước hỗ trợ bữa ăn trưa cho học sinh thuộc 02 nhóm trường này ở các xã biên giới, ưu tiên miền núi (đối tượng gồm học sinh là người dân tộc thiểu số và người dân tộc Kinh).
Ảnh minh họa.
“Đảng và Nhà nước luôn coi giáo dục đào tạo cùng với khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu và đã có nhiều chủ trương, chính sách quan trọng” - Tổng Bí thư Tô Lâm
“Đầu tư cho giáo dục là Quốc sách nhân văn” - TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam
TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam
Đây là Quốc sách nhân văn!
Chủ trương miễn học phí, Nhà nước hỗ trợ bữa ăn trưa cho học sinh tiểu học và THCS ở các xã biên giới sẽ tạo ra cú hích mạnh mẽ cho giáo dục phổ thông, hướng tới một nền giáo dục công bằng và nhân văn - nơi mọi học sinh đều được học tập, phát triển trong điều kiện tốt nhất, không phân biệt hoàn cảnh gia đình.
Nhiều quốc gia phát triển đang áp dụng chính sách bữa ăn học đường như một phần trong hệ thống an sinh giáo dục. Việt Nam bước đầu thực hiện và điều này là rất đúng thời điểm. Các hộ gia đình khó khăn giảm được gánh nặng kinh tế, trẻ vùng sâu vùng xa ở các xã biên giới có cơ hội được cắp sách đến trường, được tiếp xúc với môi trường tri thức.
Mọi công dân trong độ tuổi đều được học tập và đạt đến trình độ học vấn nhất định theo quy định của pháp luật là thành công tạo dựng một xã hội học tập. Khi mở được chìa khóa nguồn lực, tất yếu Việt Nam có nguồn nhân sự chất lượng cao để tự tin vươn mình trong kỷ nguyên mới giàu mạnh.
“Học sinh có cơ hội tiếp nhận nền giáo hiện đại, chất lượng cao” - TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội)
TS Nguyễn Tùng Lâm
Chủ trương rất tốt, rất đúng, rất hay!
Học sinh sẽ được dạy và học trên một nền giáo dục hiện đại, chất lượng, công bằng. Giáo dục là chất lượng, nhưng phải công bằng cho tất cả học sinh, không phải ai có tiền mới được hưởng thụ.
Chúng ta đang xây dựng nền giáo dục như Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh là “một nền giáo dục quốc dân hiện đại ngang tầm khu vực và thế giới”.
Muốn đạt được mục tiêu này, việc dạy 2 buổi/ngày giúp học sinh tiếp thu được nhiều kiến thức hơn. Không chỉ có kiến thức chương trình giáo dục phổ thông, mà còn được học về văn hóa, nghệ thuật, giúp các em phát triển toàn diện.
Điều quan tâm lúc này điều kiện về cơ sở vật chất nhà trường, giáo viên, nội dung chương trình dạy học, hoạt động giáo dục để các trường tiểu học, THCS dạy học 2 buổi/ngày đảm bảo nâng cao chất lượng giáo dục.
Hiện nay chúng ta đang chạy theo số lượng học sinh của từng khu vực, nên không có điều kiện sân chơi, phòng học chuyên môn riêng.
Thực hiện chủ trương trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT) cần có sự đồng hành của Bộ Nội vụ về người và Bộ Tài chính về tiền. Bước đầu hỗ trợ bữa ăn trưa cho học sinh tiểu học và THCS các xã biên giới để tiến tới nhân rộng dần ra toàn quốc, nên mỗi địa phương phải thực hiện bằng được, khó đến đâu cũng phải tìm cách tháo gỡ để thực hiện.
“Cần sự vào cuộc đồng bộ của các ngành giáo dục, y tế, tài chính…” - TS Lê Viết Khuyến, Phó chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam
TS. Lê Viết Khuyến
Vui nhưng vẫn… băn khoăn vì nước ta có những vùng kinh tế phát triển và nhiều vùng rất khó khăn!
Tổng Bí thư đã giao Chính phủ chỉ đạo Bộ GD&ĐT và các bộ, ngành địa phương chuẩn bị đầy đủ điều kiện về cơ sở vật chất, giáo viên, nội dung chương trình dạy học, hoạt động giáo dục… Phải đáp ứng các điều kiện đó, thì chủ trương mới đi vào cuộc sống, còn không thì rất khó thực hiện.
Tổng Bí thư cũng đã lưu ý các địa phương cần xây dựng hoàn thiện các trường liên cấp nội trú, bán trú, trường học phải có đủ phòng học, phòng thực hành thí nghiệm, có nước sinh hoạt, nhà bếp, nhà tắm, nhà vệ sinh, có sân chơi, chỗ ở cho giáo viên, tăng cường kiểm tra, giám sát, nghiêm cấm việc bớt xét tiêu chuẩn ăn của học sinh. Đặc biệt, thực hiện chủ trương này theo lộ trình, phù hợp với tình hình kinh tế của đất nước.
Hỗ trợ bữa ăn trưa cần ưu tiên cho học sinh tiểu học, THCS vùng khó khăn trước, sau đó mở rộng dần. Đầu tư cho bữa ăn là đầu tư cho con người, cho tương lai. Nhưng để chính sách đi vào cuộc sống, cần quy hoạch rõ ràng và sự đồng bộ giữa các ngành giáo dục, y tế, tài chính…, chứ không chỉ ngành giáo dục.
Hà Nội sẵn sàng hỗ trợ bữa ăn trưa cho học sinh?
Số liệu thống kê của ngành giáo dục cho thấy, Hà Nội hiện có khoảng 1,2 - 1,3 triệu học sinh cấp tiểu học và trung học cơ sở. Nếu mỗi bữa ăn miễn phí khoảng 30.000 đồng, mỗi tháng Hà Nội phải chi ra khoảng 100 tỷ đồng. Một năm học, chi phí hết khoảng 900 tỷ đồng.
Hà Nội quý 1/2025 thu ngân sách khoảng 250.000 tỷ đồng thì có sẵn sàng hỗ trợ bữa trưa cho học sinh tiểu học và THCS?
“Xin cám ơn Đảng, Nhà nước và Tổng Bí thư Tô Lâm” - chị Nguyễn Thị Hương, nhân viên Công ty dệt Hopex (Khu công nghiệp Lai Cách, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương)
Chị Nguyễn Thị Hương
Học phí trường công là không nhiều, nhưng học phí kèm tiền ăn bữa trưa lại là nỗi đau đáu của nhân công khi đến tháng, đến kỳ… quay quắt câu hỏi “tiền đâu nộp học cho con”.
Khi áp lực lo cơm áo gạo tiền được chia sẻ, chắc chắn nhà nhà người người đều mong muốn con đến trường, nhất là các hộ gia đình khó khăn. Vì sao ư? - Con đường duy nhất dẫn tới thay đổi số phận là… học, học nữa và học mãi.
Chúng tôi, những nhân viên Công ty dệt Hopex mừng rơi nước mắt, xin cám ơn Đảng, Nhà nước và Tổng bí thư Tô Lâm… đã cho con em chúng tôi cơ hội được đến trường mỗi ngày, được hòa mình vào môi trường giáo dục hiện đại hôm nay và tương lai.
“Niềm vui lớn của hộ nghèo… khi con có cơ hội thành người tài” - ông Hà Văn Thành, cán bộ hưu trí (ngụ tại Khu tập thể Nam Thành Công, Hà Nội)
Phải khẳng định chủ trương dạy học 2 buổi/ngày miễn học phí, Nhà nước hỗ trợ bữa ăn trưa là cơ hội “đổi phận” cho rất nhiều trẻ em nghèo!
Vì nghèo, nhiều đứa trẻ thông minh, hoạt bát sinh ra trong gia đình khó khăn phải ngậm ngùi chấp nhận tình cảnh “thất học”, để rồi tương lai mịt mờ. Tuy nhiên, giờ đây, Quốc sách thiết thực, đầu tư cho giáo dục hôm nay sẽ kiến tạo một thế hệ tương lai tài đức vẹn toàn. Điều này có thể được xem là một phần của “công cuộc” xóa đói, giảm nghèo ở nước ta.
30.000 - 35.000 đồng/suất ăn trưa
Chi phí bữa trưa ở các nhà trường dao động từ 30.000 - 35.000 đồng/suất/ngày. Nếu được miễn phí, sẽ giúp giảm đáng kể gánh nặng tài chính cho các gia đình, đặc biệt là các gia đình có hai con đang học tiểu học.
Cả nước có 23,2 triệu học sinh phổ thông, trong đó: bậc tiểu học khoảng 8,9 triệu, bậc THCS là 6,5 triệu em…
Hải Ninh thực hiện