Người dùng có thể cảm thấy khó chịu nếu mở máy lạnh và đóng kín cửa trong thời gian dài. Ảnh: Anh Lê.
Trong thời tiết nóng bức hiện nay, máy lạnh trở thành vật thiết yếu với nhiều gia đình. Để làm mát hiệu quả, nhiều trang thông tin về điện gia dụng cũng khuyến cáo người dân đóng càng kín cửa càng tốt, không để ra khe hở.
Một bài viết trên mạng xã hội của tài khoản V. cho rằng khi làm điều này, anh bắt đầu cảm thấy “người mệt rũ, đầu đau như búa bổ, tim đập nhanh bất thường”. Bài viết nhận được 80.000 lượt thích, hơn 40.000 chia sẻ trong vòng 3 ngày đăng tải.
Chia sẻ trong bài viết trên trang cá nhân, TS. Nguyễn Hồng Vũ, cựu nghiên cứu viên tại Viện Nghiên cứu ung thư quốc gia City of Hope (California, Mỹ), nhận định ảnh hưởng sức khỏe do sử dụng máy lạnh trong phòng kín thực tế không nghiêm trọng đến vậy.
Ông Vũ giải thích nếu một người ngủ trong phòng đóng kín, nồng độ CO2 sinh ra tối đa khoảng 2.666 ppm. Trong khi đó, mức tối đa an toàn là 5.000 ppm, còn gây nguy hiểm ngay lập tức đến tính mạng vào khoảng 40.000 ppm.
Cơ chế hoạt động của máy lạnh sẽ hút không khí nóng trong phòng, thổi qua giàn lạnh làm mát, không tiêu hao O2 hay sản sinh CO2. CO2 sinh ra trong phòng chỉ do con người thở ra tích tụ dần trong không khí.
Bài viết của V. nhận được lượt tương tác lớn. Ảnh: Meta.
Nếu ở trong khu vực có mức CO2 nằm trong khoảng 2.000-5.000 ppm, người dùng có thể bị mệt mỏi, giảm tỉnh táo, đau đầu nhẹ, đặc biệt khi ngủ dậy. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu khoa học cho thấy mối liên hệ nào giữa điều này với rụng tóc, và cũng hoàn toàn không gây ngạt thở hay nguy hiểm đến tính mạng, TS Vũ cho biết.
Mặt khác, máy lạnh sẽ trở thành tác nhân gây bệnh nếu không được vệ sinh, lọc bụi kỹ càng. Theo bác sĩ Lauren Eggert, trợ lý giáo sư lâm sàng về phổi, dị ứng và y học chăm sóc đặc biệt tại Stanford Health Care, máy lạnh không được vệ sinh định kỳ có thể trở thành nơi tích tụ nấm mốc và vi khuẩn, dẫn đến các triệu chứng về hô hấp như hen suyễn và dị ứng.
Không khí trong phòng máy lạnh đóng kín thường độc hại gấp 2-5 lần so với không khí ngoài trời, đặc biệt là khi máy lạnh không được làm sạch thường xuyên. Điều này sẽ gây ô nhiễm không khí trong phòng, ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng, đặc biệt là người lớn tuổi và trẻ nhỏ.
Các chuyên gia khuyến cáo không nên ở trong phòng điều hòa liên tục quá 4 giờ. Vì thế, khoảng 2 -3 tiếng người dùng nên ra ngoài nơi có nhiệt độ bình thường để thay đổi không khí và thích nghi với nhiệt độ bên ngoài, tránh hiện tượng sốc nhiệt.
TS Vũ gợi ý người dùng thiết kế khe nhỏ cố định (5-10 cm2) ở cửa sổ hoặc cửa chính, hoặc ở vị trí cao nhằm lợi dụng chênh lệch áp suất để thải khí tự nhiên. Ngoài ra, khi ngủ có thể để hé cửa (0,5-1 cm) và đặt quạt nhỏ quay về hướng khe hở.
Người dùng có thể cân nhắc dòng máy lạnh có tính năng Fresh Air Supply (cấp khí tươi) từ các hãng như Casper giúp tiết kiệm điện và bảo vệ sức khỏe. Các dòng sản phẩm này có thêm ống cấp khi tươi, đi qua bộ lọc để đảm bảo nồng độ CO2 luôn ở mức thấp. Giá thành của máy lạnh có tính năng cấp khí tươi có thể từ 16 triệu trở lên.
Một số mẹo sử dụng máy lạnh để làm mát hiệu quả một cách tiết kiệm bao gồm đặt nhiệt độ hợp lý, thấp hơn ngoài trở 5-7 độ C để không gây sốc nhiệt. Trong khi đó, hãy bật chế độ “Dry” (hút ẩm) nếu thời tiết không quá nóng, hay hẹn giờ máy lạnh và dùng chung với quạt.
Nhật Tường